Lưu ý khi dùng thuốc hạ sốt cho trẻ để tránh nguy hiểm

Đối với người trưởng thành, nguyên nhân gây sốt được cơ thể tự điều chỉnh hoặc được thăm khám và uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ sẽ nhanh chóng ổn định. Nhưng với trẻ em, nhất là trẻ nhỏ thì sốt có thể là một dấu hiệu cần quan tâm đặc biệt.

Nên dùng các biện pháp hạ sốt khác song song với việc dùng thuốc hạ sốt

Nên dùng các biện pháp hạ sốt khác song song với việc dùng thuốc hạ sốt

Thuốc hạ sốt phổ biến hiện nay là paracetamol với liều 15mg/kg cân nặng và liều dùng cách nhau từ 4 - 6 tiếng, trong một ngày không dùng thuốc hạ sốt quá 6 lần. Loại thuốc này được ưu tiên dùng vì ít tác dụng phụ với trẻ. Tuyệt đối không được nôn nóng hạ sốt quá nhanh bằng cách cho uống quá liều thuốc hạ sốt (hoặc thời gian dùng thuốc gần nhau quá) kết hợp ngâm nước ấm rồi lại kèm theo miếng dán... Vì khi thân nhiệt xuống quá nhanh, đột ngột rất nguy hiểm cho trẻ. Việc giảm sốt bằng thuốc thường sẽ tác dụng sau 30 phút, nhiệt độ từ từ về mức an toàn sau 1 đến 2 tiếng.

Đối với một số trẻ, bác sĩ sẽ chỉ định kết hợp dùng 2 loại thuốc paracetamol và ibuprofen. Tuy nhiên, nên lưu ý, tùy từng trẻ và tùy từng bệnh mà bác sĩ có chỉ định dùng thuốc kết hợp này. Do đó không được tự ý sử dụng đơn thuốc đó cho lần sốt sau của trẻ.

Tuyệt đối không chườm nước lạnh khi trẻ bị sốt, bởi nước lạnh sẽ làm co mạch, khiến lỗ chân lông không nở ra để thân nhiệt thoát ra ngoài. Nên chườm nước ấm khoảng 37-38 độ C (dùng nhiệt kế hồng ngoại đo nước) vào vùng bẹn, nách, cổ... để mở lỗ chân lông, giúp cơ thể giải nhiệt.

Điều quan trọng, đó là bù nước cho bé khi sốt. Tốt nhất là nước cam, chanh, hoặc nước lọc... Tuyệt đối không được sử dụng các loại thuốc có cùng hoạt chất vào một lúc vì có thể gây ngộ độc, quá liều gây ra những biến chứng hết sức nghiêm trọng cho trẻ, thậm chí có thể gây tử vong như: uống viên nén tiffy, decolgen, pamin, sirô tiffy, viên đặt hậu môn, viên sủi, thuốc bột…

Nên dùng các biện pháp hạ sốt khác song song với việc dùng thuốc: lau mát chỗ da mỏng bằng nước ấm ở nơi kín gió, cởi bỏ bớt quần áo, không đặt nằm ở nơi quá nóng, ăn nhẹ dễ tiêu, uống nước như nước chanh, nước cam, orezol… Nếu sốt cao kéo dài sẽ mất nước gây co giật. Không xoa bằng nước đá, dầu gió khi trẻ bị sốt cao. Trường hợp trẻ sốt quá cao trên 39 độ, kèm theo những hiện tượng như cứng cổ, phồng thóp, co giật cần đưa ngay trẻ tới các cơ sở y tế, bệnh viện để được thăm khám và điều trị đúng cách, kịp thời.

Gia Bảo

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/luu-y-khi-dung-thuoc-ha-sot-cho-tre-de-tranh-nguy-hiem/822869.antd