Lưu ý khi cho trẻ đi bơi tại hồ

Bơi lội là môn thể thao tốt cho sức khỏe, đặc biệt là trẻ em, giúp trẻ phát triển cơ thể một cách toàn diện. Trong thời tiết oi bức của mùa hè, được đi bơi là sở thích của phần lớn các em nhỏ. Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần quản lý tốt để tránh xảy ra những rủi ro đáng tiếc cũng như một số bệnh thường gặp...

Khi bơi lội, cơ thể sẽ được vận động toàn bộ, nhờ vậy mà thân thể được phát triển một cách toàn diện, cân đối và tự nhiên. Đặc biệt, việc bơi lội còn giúp phát triển chiều cao hiệu quả, nhất là trong độ tuổi thiếu niên. Tuy nhiên, không nên cho trẻ học bơi vào buổi trưa, rất dễ bị cảm lạnh. Không để trẻ ngâm dưới nước quá lâu, khoảng từ 40 - 60 phút là đủ. Trẻ không được xuống nước và bơi ngay.

Huấn luyện viên cho trẻ khởi động trước khi bơi.

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, bác sĩ Bùi Thị Tố Tâm cho biết: “Trước khi đi bơi thì phải khởi động, rồi xuống nước phải "làm nóng" thêm 10 - 15 phút để đề phòng chuột rút, co cơ. Khi xuống hồ bơi cũng không nên vận động quá sức. Khi cảm thấy mệt hay cảm thấy lạnh nổi gai ốc thì ngừng bơi. Ngoài ra, không nên xuống nước sau khi làm việc mệt hoặc đổ mồ hôi; đồng thời nên bổ sung nước trước, trong và sau khi bơi. Tránh ăn quá no trước khi bơi”.

Trước khi đi học bơi thì bố mẹ cần chuẩn bị một số vật dụng cần thiết cho trẻ như: Chọn đồ bơi chất liệu mềm mại, mũ cao su mềm mỏng, ôm đầu vừa, nếu mũ vải thì không dùng loại có thun. Đối với kính thì chọn loại phù hợp, ôm sát vào mặt. Cùng với đó là trang bị cho trẻ một số vật dụng khác như nút bịt tai bằng cao su mềm, kem chống nắng, khăn quấn, tăm bông, nước muối sinh lý...

Bể bơi cũng là nơi tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ bệnh tật. Vì vậy, khi cho con đi bơi, bố mẹ cần chú ý phòng bệnh cho con. Khi cho con đi bơi cần chọn bể bơi có độ sâu phù hợp, nước sạch, lượng người không quá đông. “Nếu nghe mùi clo đặc trưng hoặc mùi khó chịu chứng tỏ nước xử lý chưa đạt yêu cầu. Về màu sắc quan sát nước trong, nhìn thấy đáy bể, trong hồ bơi không có vật thể lạ là an toàn.

Phải bơi ở những nơi quy định và tuân thủ những quy định tại bể bơi. Khi bơi hạn chế không cho nước vào mũi họng nhiều. Nên đội mũ, đeo kính bơi. Sau khi ở hồ bơi lên nên tắm rửa sạch sẽ, vệ sinh tai mũi, súc miệng bằng nước muối để hạn chế những yếu tố gây bệnh”, bác sĩ Bùi Thị Tố Tâm khuyến cáo.

Để đảm bảo vệ sinh, nên chọn hồ có lắp hệ thống lọc nước tự động 24/24 giờ. Hồ bơi bảo đảm an toàn là hồ phải có nhân viên cứu hộ giám sát. Khi trẻ em bơi phải được người lớn giám sát thường xuyên, không nên rời mắt để làm công việc riêng, dùng điện thoại, đọc sách... Sau khi bơi xong trẻ cần được tắm lại bằng nước sạch, lau khô người vệ sinh tai, mắt, vùng kín và bổ sung nước cho trẻ; trẻ cần nghỉ ngơi khoảng 10 - 15 phút rồi hãy rời đi.

Bài, ảnh: Kim Liên

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2033/202008/luu-y-khi-cho-tre-di-boi-tai-ho-3018716/