Lưu ý gì khi vào phòng thi?

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đang tới rất gần. Bên cạnh việc chuẩn bị kiến thức, kỹ năng, các thí sinh (TS) cần nắm chắc những quy định quan trọng và chuẩn bị tâm lý thi cử vững vàng để tự tin chinh phục kỳ thi quan trọng này.

Các thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại điểm thi THPT Đinh Tiên Hoàng (TP. Vũng Tàu).

Các thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại điểm thi THPT Đinh Tiên Hoàng (TP. Vũng Tàu).

Chậm quá 15 phút không được dự thi

Ông Nguyễn Ngọc Trung, Trưởng phòng Quản lý chất lượng (Sở GD-ĐT) cho biết, Kỳ thi tốt nghiệp THPT có 3 bài thi bắt buộc gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tự chọn gồm: Bài thi Khoa học Tự nhiên và bài thi Khoa học Xã hội. TS cần nắm rõ lịch thi cụ thể đã được Bộ GD-ĐT công bố để chủ động trong quá trình dự thi.

Lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

“Trước và trong thời gian thi, các em nên ăn uống điều độ, ngủ đủ giấc và đặt đồng hồ báo thức. TS phải có mặt tại phòng thi đúng thời gian quy định ghi trong Giấy báo dự thi để làm thủ tục dự thi. Mỗi buổi thi, các em phải có mặt tại phòng thi đúng thời gian quy định. TS đến chậm quá 15 phút sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài sẽ không được dự thi buổi thi đó”, ông Trung nhấn mạnh.

Ông Trung cũng lưu ý, trước khi làm bài thi, TS phải ghi đầy đủ số báo danh và thông tin của TS vào đề thi, giấy thi, phiếu trả lời trắc nghiệm, giấy nháp. Khi nhận đề thi, phải kiểm tra kỹ số trang và chất lượng các trang in. Nếu phát hiện thấy đề thiếu trang hoặc rách, hỏng, nhòe, mờ phải báo cáo ngay với cán bộ coi thi trong phòng thi, chậm nhất 5 phút tính từ thời điểm phát đề thi. Trong quá trình làm bài, các em tuyệt đối không được trao đổi, chép bài của người khác, sử dụng tài liệu trái phép để làm bài thi hoặc có những cử chỉ, hành động gian lận, làm mất trật tự phòng thi cũng như không được đánh dấu hoặc làm ký hiệu riêng, không được viết bằng bút chì, trừ tô các ô trên phiếu trả lời trắc nghiệm (TLTN), chỉ được viết bằng một màu mực (không được dùng mực màu đỏ). Khi nộp bài thi tự luận, phải ghi rõ số tờ giấy thi đã nộp và ký xác nhận vào phiếu thu bài thi. Trường hợp không làm được bài cũng phải nộp tờ giấy thi hoặc phiếu TLTN.

Đặc biệt lưu ý với điện thoại di động

Theo ông Nguyễn Ngọc Trung, TS cần soạn trước các vật dụng cần thiết được quy định mang vào điểm thi, tránh mắc những sai sót không đáng có khiến ảnh hưởng tâm lý làm bài thi. TS chỉ được mang vào phòng thi: Bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính; máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ (đã được Bộ GD-ĐT quy định cụ thể), Atlat Địa lý Việt Nam đối với môn thi Địa lý (không có đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung nào khác) do NXB Giáo dục Việt Nam phát hành, các loại máy ghi âm, ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin nhưng không thể nghe, xem và không thể truyền, nhận được thông tin, tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác.

Trong quá trình làm bài thi, TS đặc biệt lưu ý, không được rời khỏi phòng thi trong suốt thời gian làm bài thi trắc nghiệm. Trong khoảng thời gian nghỉ chờ làm thủ tục thi giữa 2 môn thi thành phần của bài thi tổ hợp, TS đã thi môn thành phần trước đó nếu có nhu cầu đặc biệt và hợp lý thì được cán bộ coi thi (CBCT) xem xét cho phép ra ngoài phòng thi nhưng phải chịu sự quản lý và phải tuân thủ hướng dẫn của cán bộ giám sát (CBGS) khi ở ngoài phòng thi.

Riêng môn tự luận, TS có thể được ra khỏi phòng thi và khu vực thi sau khi hết 2/3 thời gian làm bài của buổi thi, phải nộp bài thi kèm theo đề thi, giấy nháp trước khi ra khỏi phòng thi. Trong trường hợp cần thiết, chỉ được ra khỏi phòng thi khi được phép của CBCT và phải chịu sự giám sát của cán bộ giám sát. Việc ra khỏi phòng thi, khu vực thi của TS trong trường hợp cần cấp cứu phải có sự giám sát của Công an cho tới khi hết giờ làm bài của buổi thi và do Trưởng điểm thi quyết định.

Vững vàng tâm lý

Theo ThS. Phạm Văn Hiếu, Tổ trưởng bộ môn Tâm lý, Trường CĐ Sư phạm BR-VT, để vững vàng tâm lý bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, trước hết, TS cần nâng cao nhận thức, thấy rõ mục đích đúng đắn trong việc thi cử, loại bỏ những suy nghĩ “gây nhiễu” để tập trung toàn tâm, toàn ý cho việc thi cử. Thầy Hiếu cho rằng, sự tự tin của mỗi TS được xác lập trên cơ sở nắm vững kiến thức, kỹ năng ở một mức độ tương đối nào đó. Do đó, trước khi bước vào kỳ thi, các em cần có sự chuẩn bị chu đáo về kiến thức cũng như kỹ năng. Khi nhận đề thi, nếu gặp phải một đề khó hoặc một dạng bài mới lạ, hãy suy nghĩ rằng: “Mọi người đều bình đẳng trước đề thi. Nếu đề khó thì tất cả cùng thấy khó! Hãy cố gắng suy nghĩ xem sao!”.

Những vật dụng cấm mang vào phòng thi bao gồm: giấy than, bút xóa, đồ uống có cồn, vũ khí và chất gây nổ, gây cháy, tài liệu, thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi và quá trình chấm thi. Tuy quy chế thi không cấm TS mang các loại máy ghi âm, ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin nhưng tốt nhất, TS không nên mang theo những vật dụng này và tuyệt đối không mang điện thoại vào phòng thi, kể cả khi điện thoại đã tắt nguồn.

Ông Nguyễn Ngọc Trung, Trưởng phòng Quản lý chất lượng
(Sở GD-ĐT)

Thầy Hiếu cũng “mách” các sĩ tử một số cách điều tiết tâm lý, tránh sự lo lắng, hồi hộp quá mức: “Nếu cảm thấy lo lắng, căng thẳng quá mức, các em hãy dừng làm bài, nghỉ ngơi một lát, đọc thầm một bài thơ, hát thầm một bài hát nào đó. Các em có thể nhắm mắt lại, hít thở sâu, hoặc đếm từ 1 đến 10 rồi quay lại hay lặp đi lặp lại một từ nào đó hàng chục lần để giảm bớt căng thẳng. Ngoài ra, các em cũng có thể nhớ lại hoặc tưởng tượng ra một chuyện khiến mình rất vui, như: một chuyện cười trên báo, một câu nói dí dỏm của bạn, một chuyện vui của mình… để giải tỏa căng thẳng rồi mới quay lại với bài thi”. Khi làm bài, cần bình tĩnh suy nghĩ vấn đề đặt ra một cách toàn diện. Như vậy, các em mới hiểu hết ý nghĩa vấn đề đặt ra và tìm ra phương thức đúng để giải quyết vấn đề và sắp xếp thời gian làm bài cho hợp lý.

Thầy Phạm Văn Hiếu khuyến khích TS nên chia thời gian dự thi làm 4 giai đoạn. Trước hết, TS làm các thủ tục thi thông thường như: nhận giấy thi, ghi rõ họ tên, ngày tháng năm sinh, môn thi, số báo danh…. Giai đoạn này, TS cần viết đúng chỗ quy định, không nên bỏ sót bất cứ một yêu cầu nào trên giấy thi. Sau khi nhận đề thi, TS nên đọc qua đề thi khoảng từ 2 đến 4 phút để phân loại các câu khó, dễ trong đề và phân phối thời gian làm bài sao cho hợp lý. Tiếp đó, TS phân tích tỉ mỉ hơn từng câu hỏi trong đề thi và làm bài theo thứ tự từ dễ đến khó. Câu nào chưa trả lời, được, TS cần đánh dấu để quay lại giải quyết sau.

Thầy Hiếu lưu ý, với bài thi tự luận, TS nên lập dàn bài trong đầu hoặc trên giấy nháp sao cho phù hợp với nội dung mỗi câu hỏi, suy nghĩ kỹ lưỡng rồi mới viết vào giấy thi. Mỗi dạng bài đều có cách thức làm bài riêng nên phải ghi nhớ cách thức đó. Sau khi làm bài, TS không nên nộp bài sớm mà cần dành thời gian kiểm tra lại bài làm của mình, tránh tính toán nhầm lẫn, mắc lỗi chính tả hoặc để sót một câu nào đó chưa trả lời… Ở giai đoạn này, TS cần lưu ý xem có phần nào trong đề thi mình chưa trả lời hay không, đối chiếu với đề xem thử các câu trả lời đã phù hợp với ý câu hỏi trong đề thi chưa hoặc thử lại đáp số bằng cách dùng phép tính ngược…

HẢI BÌNH

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/xa-hoi/202207/ky-thi-tot-nghiep-thpt-nam-2022-luu-y-gi-khi-vao-phong-thi-954747/