Lưu ý chất phụ gia trong thực phẩm

Cùng một loại phụ gia, chất tạo mầu được sử dụng ở thị trường này nhưng chưa chắc có thể vào thị trường khác; do đó doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cần nghiên cứu trước các quy định của các nước nhập khẩu.

Doanh nghiệp phải tìm hiểu kỹ quy định, tiêu chuẩn riêng của từng thị trường xuất khẩu.

Cùng một loại phụ gia, chất tạo mầu được sử dụng ở thị trường này nhưng chưa chắc có thể vào thị trường khác; do đó doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cần nghiên cứu trước các quy định của các nước nhập khẩu.

Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Ô-xtrây-li-a cho biết: Cuối năm 2020, Bộ Nông nghiệp, Nguồn nước và Môi trường Ô-xtrây-li-a đã phát hiện một lô hàng bánh ngọt nhập khẩu từ Việt Nam có chất tạo mầu E131. Ðây là chất tạo mầu không được phép dùng trong sản phẩm thực phẩm xuất khẩu vào thị trường này cho nên đã trả lại hàng. Cũng theo Thương vụ Việt Nam tại, Ô-xtrây-li-a vẫn có một số lô hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới xuất khẩu vào đất nước này bị phát hiện tồn dư các chất cấm sử dụng hoặc cho phép sử dụng nhưng có dư lượng vượt mức cho phép. Trong tháng 8-2020, Việt Nam có đến sáu lô hàng bị cơ quan chức năng Ô-xtrây-li-a phát hiện có tồn dư những chất/vi sinh vật bị cấm. Phần lớn các lô hàng này là sản phẩm trái cây hoặc sản phẩm thịt, thủy sản (thịt cua), hay như trong tháng 6-2020, Việt Nam có ba lô hàng là ớt tươi và hoa tươi cũng không được cho thông quan. Hồi giữa năm 2019, hàng nghìn chai tương ớt của một DN Việt bị Nhật Bản tiêu hủy vì phát hiện a-xít Benzoic là phụ gia thực phẩm (chống nấm mốc). Khi đó, quốc gia này chỉ cho phép sử dụng a-xít Benzoic trong nước tương, nước ngọt... mà không cho phép sử dụng trong sản phẩm tương ớt. Trong khi axit Benzoic lại được Mỹ, các nước châu Âu cho phép sử dụng trong sản phẩm tương ớt. Theo các chuyên gia xuất, nhập khẩu, tùy thuộc vào mỗi quốc gia, việc quy định sử dụng phụ gia thực phẩm cũng sẽ khác nhau, trên cơ sở thói quen sử dụng sản phẩm, công nghệ sản xuất. Do đó, không loại trừ việc một chất được chấp nhận tại quốc gia này nhưng không chấp nhận ở quốc gia khác. Ngay cả khi cùng cho phép sử dụng trong chế biến thực phẩm nhưng tại mỗi nước có thể quy định khác nhau về hàm lượng sử dụng hoặc đối tượng sử dụng. Do đó, khi cơ quan quản lý thực phẩm quyết định thu hồi thì có thể do việc sử dụng chất ấy không phù hợp tại quốc gia sở tại.

Là DN đang xuất khẩu bánh kẹo đến khoảng 20 nước trên thế giới: Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… Tổng Giám đốc Công ty CP Bibica Nguyễn Quốc Hoàng cho biết, các quy định ở những thị trường đều không giống nhau. Phần lớn các quy định về an toàn thực phẩm (ATTP) nói chung của Việt Nam đều tham chiếu theo quy chuẩn của châu Âu, nhưng lại khác với các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a… Một số mầu thực phẩm các quốc gia sử dụng như nhau, nhưng có một số mầu được sử dụng ở quốc gia này nhưng ở quốc gia kia lại cấm. Chẳng hạn như mầu xanh lá cây số 3 được FDA chấp nhận sử dụng trong thực phẩm nhưng lại bị cấm ở châu Âu. Hay vàng Quinoline, Carmoisine và mầu đỏ tươi là những thí dụ về chất tạo màu thực phẩm được phép sử dụng ở EU nhưng lại bị cấm ở Mỹ. “Theo tôi, việc bị cấm rất hãn hữu vì theo nguyên tắc, tất cả các lô hàng xuất khẩu, đối tác ngoại đều lấy mẫu và kiểm tra trước khi nhập hàng. Do đó khi đã nhập hàng và bị trả về chỉ có hai trường hợp: Lô hàng đó số lượng nhỏ do thương nhân không rành lắm, nhập về để thử thị trường. Trường hợp thứ hai là do bị nhiễm chéo. Trong dây chuyền sản xuất, DN làm ra nhiều sản phẩm khác nhau và bị nhiễm màu từ sản phẩm này sang sản phẩm kia. Vì đối với các loại chứa chất cấm, người ta chỉ cần kiểm tra định tính, nếu phát hiện có vấn đề đã không cho phép nhập khẩu” - ông Hoàng nói và cho biết thêm, với từng sản phẩm, Bibica luôn phải làm mẫu cho khách hàng, sau đó gửi thông qua bộ phận ATTP của nước sở tại để họ duyệt và mở mã nhập khẩu. Ðơn vị sản xuất đều làm riêng biệt từng sản phẩm và rất cẩn thận để tránh tình trạng nhiễm chéo trong sản phẩm khi xuất hàng đến từng quốc gia.

Liên quan đến chất phụ gia trong thực phẩm xuất khẩu, Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TP Hồ Chí Minh (FFA) Lý Kim Chi cho rằng, chất lượng của một sản phẩm được đánh giá dựa trên giá trị dinh dưỡng và giá trị cảm quan. Mầu sắc là một trong những nhân tố quan trọng của giá trị cảm quan. Chính vì thế, mầu thực phẩm ngày càng được sử dụng khá phổ biến trong chế biến và sản xuất thực phẩm. “Tuy nhiên, không phải chất nào sử dụng cũng đều được và an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng” - bà Kim Chi khẳng định. Ðối với chất tạo mầu E131 (có mầu xanh nhạt, dùng trong sản xuất bánh kẹo, thực phẩm tráng miệng, kem…), bà Chi cho biết: Chất này được đánh giá là chất có yếu tố nguy hiểm và có nguy cơ gây ung thư, ngộ độc đối với sức khỏe con người. Vì vậy, hiện tại chất này không chỉ là chất cấm sử dụng ở Ô-xtrây-li-a mà ngay tại Việt Nam cũng không được sử dụng. Ðồng thời, tất cả các DN thành viên FFA đều không sử dụng chất này trong quá trình sản xuất chế biến thực phẩm.

Về phương án thay thế, Chủ tịch FFA cho hay, DN có thể sử dụng như E133 cũng mầu xanh dương với mầu chỉ nhạt hơn một chút; hoặc sử dụng các phẩm mầu tự nhiên với độ an toàn cao hơn rất nhiều. Tuy nhiên, độ bền mầu thường kém hơn (nhạy cảm với ánh sáng và nhiệt độ), hạn sử dụng ngắn hơn, nhất là giá thành cao hơn nhiều và phải thử để đánh giá yêu cầu mong muốn. “Trong trường hợp DN xuất khẩu sang thị trường các nước cần phải nghiên cứu trước quy định của nước nhập khẩu về các chất tạo mầu được cho phép, để sử dụng cho phù hợp”, bà Kim Chi nhấn mạnh.

Bài và ảnh: PHƯƠNG VY

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-chung1/luu-y-chat-phu-gia-trong-thuc-pham-638552/