Lưu trữ phim như một di sản văn hóa: Tại sao không?

Theo thống kê chưa đầy đủ của Viện Phim Việt Nam, hiện nay cả nước đang lưu trữ khoảng trên 100.000 cuốn phim nhựa, trong đó, riêng tại Viện Phim Việt Nam có hơn 44.450 cuốn phim nhựa bao gồm cả phim màu và phim đen trắng. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III hiện tại lưu trữ, bảo quản 362 cuốn phim đen trắng. Trong đó, nhiều phim có từ thập niên 60 của thế kỷ trước...

Những thước phim này không chỉ đóng vai trò như một phương tiện quan trọng của cuộc sống thường ngày mà còn ghi lại và diễn giải lịch sử của cộng đồng, qua đó, người xem nhìn lại các ký ức và quá khứ, thậm chí được coi như một di sản văn hóa phi vật thể. Tuy nhiên, việc bảo tồn, lan tỏa các giá trị của di sản này đang gặp nhiều thách thức.

Di sản văn hóa trong những thước phim

Nhà nghiên cứu, phê bình Lê Hồng Lâm, tác giả của khá nhiều đầu sách về điện ảnh đánh giá, điện ảnh cũng giống như biên niên sử của đất nước. Qua những thước phim tiêu biểu, người xem thấy được những biến động và bình lặng, những chia cắt và hòa hợp, vết thương và hàn gắn, khổ đau và hạnh phúc, tan vỡ và hồi sinh, nước mắt và nụ cười, ra đi và trở về... của người Việt Nam trong gần một thế kỷ qua và những năm gần đây.

Nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm.

Cũng theo Lê Hồng Lâm, điện ảnh Việt Nam đã được manh nha trong những năm 30 - 40 của thế kỷ trước nhưng phải đến tận năm 1953, khi bộ phim tâm lý lãng mạn “Kiếp hoa” được sản xuất thì mới có những dấu ấn nhất định. Mang dáng dấp của một câu chuyện tình ủy mị, ngang trái gần với những vở cải lương nổi tiếng, phim còn phần nào cho thấy đời sống âm nhạc của thời kỳ này qua các những bản nhạc nổi tiếng cùng thời.

Giai đoạn quan trọng của điện ảnh Việt được ghi dấu ấn bởi một loạt đạo diễn được đào tạo tại Pháp trước 1954, Liên Xô cũ hay khóa 1 Trường Sân khấu Điện ảnh Việt Nam trong những năm chiến tranh như Phạm Kỳ Nam, Hải Ninh, Trần Vũ, Bùi Đình Hạc, Mai Lộc…

Các tác phẩm giai đoạn này phản ánh trực tiếp không khí khốc liệt của chiến tranh. Âm hưởng của cuộc chiến đậm đặc trong một loạt phim được sản xuất sau chiến tranh và kéo dài suốt trong thập niên 80: “Mùa gió chướng”, “Mùa nước nổi”, “Cánh đồng hoang”… Vừa phản ánh về chiến tranh theo tinh thần anh hùng ca dân tộc nhưng đã có tính chất giải trí và trở thành cột mốc của điện ảnh Việt Nam phải kể đến “Ván bài lật ngửa”, “Biệt động Sài Gòn”.

Sau hơn 10 năm tiếp theo, âm hưởng anh hùng ca mới dần dần lùi xa để nhường bước cho những bi kịch, những vết thương thời hậu chiến, hướng vào những thân phận nhỏ bé trong xã hội. Những bi kịch hậu chiến tiếp tục được phản ánh trong các phim của thập niên 90 cho đến đầu những năm 2000.

Tuy nhiên, giai đoạn này, bên cạnh đề tài hậu chiến, những đề tài mang tính xã hội được quan tâm khai thác hơn. Một Hà Nội và miền Bắc trong không khí bao cấp được thể hiện khá tinh tế qua hai bộ phim “Hà Nội mùa chim làm tổ” của đạo diễn Đức Hoàn hay “Chuyến xe bão táp” của đạo diễn Trần Vũ.

Một xã hội đảo lộn các giá trị đạo đức và bị đồng tiền chi phối trong thời đầu của nền kinh tế thị trường được phản ánh khá đậm đặc qua các tác phẩm điện ảnh sau này. Sự hiện diện của các đạo diễn Việt kiều trở về nước làm phim tạo được nhiều dấu ấn mạnh mẽ nhưng không quá chú trọng đến tính thời cuộc hay xã hội, hoặc mang màu sắc hồi cố văn hóa như: “Ba mùa” của đạo diễn Tony Bùi, “Mùa len trâu” của Nguyễn Võ Nghiêm Minh hay mới đây nhất là “Song Lang” của Leon Quang Lê…

Trong khi đó, “Đập cánh giữa không trung” của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp là sự tiếp nối chủ đề về việc thăm dò bản năng của nữ giới, hay sự bất lực trong một xã hội Việt Nam đương đại vẫn nặng thành kiến “trọng nam khinh nữ”…

Theo Tiến sĩ sử học Frank Gray, Giám đốc Kho lưu trữ Screen Archive South East (Đại học Brighton) thì tại Anh và nhiều quốc gia khác, di sản phim không chỉ thể hiện lịch sử điện ảnh, cuộc sống, công việc và sự sáng tạo qua sự sản xuất của các tổ chức, công ty, cộng đồng, các nhà làm phim, nghệ sĩ mà còn phản ánh lịch sử, những giá trị được trân trọng của những cộng đồng, vùng, miền, quốc gia qua từng thời kỳ…

Archive South East là đơn vị lưu trữ phim và hình ảnh động, lưu trữ các tư liệu ở vùng Đông Nam nước Anh. Ra đời năm 1992, kho lưu trữ này bảo quản, cung cấp và quảng bá các tư liệu hình ảnh liên quan đến cuộc sống vùng Đông Nam nước Anh cũng như các tư liệu liên quan đến lịch sử hình ảnh động nói chung.

Ảnh phim “Mùa ổi” – một trong số tác phẩm điện ảnh kinh điển của đạo diễn Đặng Nhật Minh.

Hiện nay, kho có hơn 8.000 phim, khoảng 10.000 slide hình từ thế kỷ 19 và được coi là một bộ sưu tập khổng lồ các hiện vật trải dài suốt lịch sử điện ảnh với các loại máy quay phim hay máy chiếu. Công việc lưu trữ các di sản phim bao gồm cả giám sát, nghiên cứu, tìm hiểu, bảo quản, trưng bày và chia sẻ.

Với cộng đồng, những người quản lý di sản phim có trách nhiệm thu nhận và truyền đạt kiến thức từ lịch sử của bộ sưu tập, phân tích và diễn giải, tham gia vào hoạt động giáo dục và nghiên cứu, trình diễn, triển lãm (gồm cả trưng bày ngoài đời thực và trên internet) thu thập tư liệu mới phát triển bộ sưu tập…

Bà Donna Mc Gowan, Giám đốc Quốc gia Hội đồng Anh tại Việt Nam, tổ chức thực hiện dự án di sản kết nối, trong đó có di sản phim tại Việt Nam cũng cho rằng, di sản phim tích cực kết nối mọi người trong xã hội. Nếu phim “Mùa ổi” gợi nhớ đến Hà Nội những năm 90 của thế kỉ trước thì những bộ phim đen trắng phủ màu của Anh soi chiếu những gương mặt bị thời gian lãng quên. Hoạt động lưu trữ và phát huy giá trị những di sản này sẽ góp phần tạo nền tảng thúc đẩy kết nối, giao lưu văn hóa giữa các thế hệ, giữa các cộng đồng, vùng, lãnh thổ…

Tuy nhiên, tại Việt Nam, công tác bảo quản, lưu trữ cũng như phát huy giá trị của di sản phim đang gặp nhiều thách thức. Như chia sẻ của đạo diễn, nhà sản xuất phim độc lập nổi tiếng Phan Đăng Di thì ngay một số nhà làm phim hiện nay cũng đang lúng túng. Họ rất muốn lưu trữ phim của mình nhưng đây là công đoạn nhiều khó khăn. Nếu muốn nhờ Viện Phim Việt Nam lưu trữ dưới hình thức dịch vụ, họ cũng không biết thủ tục bắt đầu từ đâu và không biết Viện có chấp nhận hay không…

Thiếu điều kiện bảo quản

Trao đổi quanh câu chuyện này, Phó phòng Kỹ thuật của Viện Phim Việt Nam, ông Lê Tuấn Anh cho hay, Viện luôn sẵn sàng tạo điều kiện hỗ trợ tối đa các đơn vị cũng như cá nhân lưu trữ phim. Nhưng cũng có một thực tế là ngay cả Viện Phim Việt Nam và nhiều đơn vị khác có lưu trữ phim trên cả nước thì công việc này vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, Viện phim Việt Nam hiện nay có ba hệ thống kho phim tại trung tâm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Thạch Thất – Hà Nội. Danh mục phim hiện đang lưu trữ tại kho phim khá phong phú, quý giá.

“Đến hẹn lại lên” – một trong số những di sản phim quý của đạo diễn Trần Vũ.

Viện đang lưu trữ các tác phẩm điện ảnh Việt Nam và nước ngoài, trong đó có một khối lượng lớn tư liệu phản ánh thời kỳ chiến tranh, bảo vệ, xây dựng Tổ quốc của điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Trong kho lưu trữ của Viện còn có nhiều tác phẩm điện ảnh, phim tư liệu sản xuất thời chính quyền Sài Gòn trước năm 1975, những tư liệu có thể khái quát gương mặt điện ảnh Việt Nam hai miền Nam – Bắc trong suốt nửa thế kỷ qua. Ngoài ra, Viện còn lưu trữ nhiều hình ảnh quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh, bộ sưu tập phim điện ảnh cách mạng những năm đầu tiên, phim tư liệu về Đông Dương do Viện lưu trữ phim Pháp trao tặng…

Tuy nhiên, các điều kiện bảo quản cũng như khai thác phục vụ cộng đồng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Nếu đối chiếu với khuyến cáo của lưu trữ quốc tế, lưu trữ của Hãng Kodak thì ngoài điều kiện về độ ẩm, nhiệt độ, bảo quản phim còn đòi hỏi nhiều điều kiện khác. Các điều kiện của lưu trữ phim hiện nay mới chỉ đáp ứng công tác bảo quản trung hạn, tối đa là bảo quản hiện vật cho 10 năm.

Nếu bảo quản dài hạn, từ trên 10 năm, thậm chí là hàng trăm năm sau thì các kho chưa đảm bảo, khiến “tuổi thọ” của phim lưu trữ bị suy giảm rất nhiều. Người làm lưu trữ cũng rất khó chắc chắn sẽ kéo dài “tuổi thọ” khoảng bao lâu…

Nếu đánh giá tình trạng kỹ thuật các bản phim lưu trữ theo tiêu chuẩn quốc gia và phân loại thành 4 bước gồm phim loại 1 (tình trạng tốt), loại 2 (chớm hư hỏng nhẹ), loại 3 (hư hỏng), loại 4 (hư hỏng nặng) thì tại Trung tâm Nghiên cứu và Lưu trữ điện ảnh tại TP Hồ Chí Minh, chiếm 90% phim thuộc loại 3 và loại 4. Hãng phim Tài liệu khoa học Trung ương, phim loại 1 chiếm 10%, loại 2 là 15%; loại 3 chiếm 20%, loại 4 là 55%.. Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam chỉ có loại 3 và loại 4, không có kho bảo quản chuyên dụng…

Cũng theo ông Lê Tuấn Anh, để phát huy giá trị di sản thì phim phải được đưa ra khai thác sử dụng. Nhưng khi đưa ra ngoài, nhiệt độ, độ ẩm cao hơn trong kho, gây suy giảm chất lượng phim. Ví dụ, nếu điều kiện bảo quản là 10oC, độ ẩm là 40% và không đưa ra khỏi kho thì thời gian phim bắt đầu chua là 200 năm.

Nếu mỗi năm lấy phim ra khỏi kho 10 ngày thì tuổi thọ còn 175 năm, lấy ra khỏi kho 90 ngày thì thời gian còn 70 năm. Phim cứ cất trong kho thì không khai thác sử dụng được. Phim lấy ra khỏi kho để sử dụng thì tuổi thọ lại giảm. Để giải quyết câu chuyện này, hầu hết các đơn vị đều nghĩ đến câu chuyện số hóa các bộ phim, giữ bản gốc trong kho, khai thác bản số hóa, song đây lại là vấn đề khó thể giải quyết ngay trong thời gian ngắn.

Khảo sát mới đây của Viện Phim Việt Nam cho thấy, quá trình số hóa phim nhựa chưa đầy đủ, chưa đáp ứng được nhu cầu lưu trữ. Trung tâm tư liệu của Đài Truyền hình Việt Nam, Hãng phim Hoạt hình không có thiết bị định dạng số phim. Hãng phim Tài liệu Khoa học trung ương cũng không có thiết bị số hóa nên chọn cách chiếu phim lên màn ảnh rồi sau đó sử dụng các máy quay kỹ thuật số để quay lại.

Trung tâm nghiên cứu trực thuộc Viện phim Việt Nam đã số hóa được một phần số lượng phim lưu trữ tại Trung tâm sang định dạng số chất lượng cao (4K) nhưng số lượng này còn rất nhỏ, chỉ khoảng 30 phim truyện. Mỗi năm, Viện Phim vừa thuê dịch vụ, vừa trực tiếp số hóa phim lưu trữ sang định dạng 2K và 4K được khoảng trên 1.000 bộ phim. Trong khi đó cả Viện có đến trên 44.000 cuốn phim. Nếu tiếp tục số hóa với tốc độ này, thời gian hoàn tất công việc còn rất lâu…

Chưa kể, ngay khâu lưu trữ phim dưới định dạng số cũng đang có vấn đề. Mặc dù các phim mới nhiều năm trở lại đây được sản xuất, việc lưu trữ số cũng không thuận lợi. Bởi lẽ, dù các đơn vị có số hóa được phim lưu trữ nhưng chỉ bảo quản nhỏ lẻ trên các ổ cứng hoặc băng LTO. Băng thường chỉ có tuổi thọ khoảng 30 năm và kén đầu đọc.

Với sự phát triển công nghệ không ngừng, các thiết bị đầu đọc liên tục thay đổi, cải tiến. Để tương thích với đầu đọc, sau 15 năm, những phim lưu trong băng phải được lưu sang hình thức khác hoặc chuyển sang băng mới hiện đại hơn. Như thế, ngay cả tuổi thọ 30 năm của băng cũng chưa kịp sử dụng hết.

Nếu in chuyển như thế, các đơn vị có khối lượng phim nhỏ thì không là vấn đề lớn, nhưng nếu đơn vị có khối lượng phim lớn, khoảng từ 1 vạn cuốn trở lên thì sẽ tốn kém rất nhiều thời gian, tiền của, khó có tài chính đủ lớn đề đầu tư cho bảo quản và phát huy di sản phim đang lưu trữ.

Minh Hải

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/luu-tru-phim-nhu-mot-di-san-van-hoa-tai-sao-khong-530186/