Lưu Trọng Ninh: Biết sợ nhiều hơn

Ngàng tàng, kiêu ngạo và tự tin có thừa. Những điều làm nên một Lưu Trọng Ninh suốt mấy chục năm qua không hề suy suyển. Thế mà gần đây đạo diễn Ngã ba Đồng Lộc, Khát vọng Thăng Long thừa nhận 'càng có tuổi càng biết sợ'.

Lưu Trọng Ninh vẫn đắm đuối với những số phận phụ nữ trong phim mới nhất “Cát đỏ”. Ảnh: N.DƯƠNG

Lưu Trọng Ninh vẫn đắm đuối với những số phận phụ nữ trong phim mới nhất “Cát đỏ”. Ảnh: N.DƯƠNG

Thà gục trên phim trường

Lưu Trọng Ninh vừa trở lại với Cát đỏ. Phim truyền hình lấy bối cảnh chính ở vùng Ninh Thuận, Bình Thuận cát cháy, hiện phát khung giờ vàng VTV3. Cách đây ba năm khi ra mắt Thương nhớ ở ai, Lưu Trọng Ninh có cú vượt cửa tử ngoạn mục. Ông trải qua cuộc phẫu thuật tim thập tử nhất sinh. “Hồi ấy tôi tưởng mình có thể gục bất cứ lúc nào. Cứ quay phim vài tiếng cả đoàn lại phải chờ tôi thiền, nếu không tôi gục thật. Làm Cát đỏ được cái trời thương cho sức khỏe dẻo dai hơn”, ông cười.

Cát đỏ xoay quanh ba phụ nữ Đủ, Nhớ và Nhan số phận trớ trêu nhưng chưa bao giờ vơi đi khao khát sống, yêu và tìm hạnh phúc. Thời gian quay kéo dài khoảng hơn trăm ngày trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, đại dịch bùng phát. “Phải kiên trì ghê gớm mới trụ nổi với cái nắng cái gió như thế. Nó tiêu diệt cảm hứng rất nhiều. Tôi biết ơn ê kíp. Đôi lúc còn nửa đùa nửa thật là nếu có bỏ rơi tôi cũng không sao, bởi quá trình làm phim thực sự gian khổ”, Lưu Trọng Ninh nói.

Mấy năm trở lại đây, Lưu Trọng Ninh phải chọn sống xa rời tất cả những thứ quyến rũ giới nghệ sĩ như thuốc lá, rượu. “Bỏ rượu đồng nghĩa bỏ bạn bè. Giờ yên tâm sau 5h chiều chẳng có điện thoại rủ tôi đi nhậu nữa”, Lưu Trọng Ninh cười. “Bệnh nhân” Lưu Trọng Ninh mạo hiểm tính mạng vì Cát đỏ? “Tôi thường ngoa ngôn một chút rằng mong được chết gục khi làm phim. Hình ảnh ấy đẹp lắm chứ. Người ta cho rằng chết đường chết chợ, tôi thấy đó là hạnh phúc. Sợ nhất là sống thực vật, sợ cái chết mà mình biết rõ mình đang chết”, ông đáp.

Kể từ Khát vọng Thăng Long ra mắt 2010, Lưu Trọng Ninh xa rời phim màn ảnh rộng. Cuộc chơi điện ảnh trong mắt vị đạo diễn này nhuốm đặc màu thị trường, phim nghệ thuật không có khán giả. Làm phim không khán giả là điều vô nghĩa, vì thế Lưu Trọng Ninh chuyên tâm làm truyền hình để thấy mình còn có ích. Những Hãy tha thứ cho em, Ngã ba Đồng Lộc, Bến không chồng, Hoa cỏ may, Thương nhớ ở ai... bảo chứng cho tên tuổi Lưu Trọng Ninh, nên ông được quyền “yêu sách”hơn người.VTV đặt hàng thì đề tài, chọn cảnh cho tới diễn viên là do Lưu Trọng Ninh quyết. Dù làm truyền hình nhưng từng tập phim của ông đậm chất điện ảnh, từ cảnh quay, lời thoại tới diễn xuất.

Sống một mình, ưa xê dịch, Lưu Trọng Ninh cả quyết còn sống là còn đi. Ngôi nhà Việt đặc trưng ở gần sông Hồng vẫn còn đó, chỉ là chỗ trú chân mỗi khi ở thủ đô. Ông tự nhủ có lẽ nhờ lang thang nên quên đi bệnh tật, lang thang cũng là cách thiền. Ngày trẻ Lưu Trọng Ninh vốn thích rong ruổi nhưng không có điều kiện, giờ làm ra tiền chỉ để xê dịch mà thôi.

Tuổi già biết sợ

Sau trận thập tử nhất sinh ba năm trước, khi ra mắt Thương nhớ ở ai, Lưu Trọng Ninh tự tin tuyên bố làm phim từ Truyện Kiều. Tái xuất lần này hóa ra là Cát đỏ, Lưu Trọng Ninh phân trần “tuổi già biết sợ hơn”.

“Nghề điện ảnh tôi nghĩ không có tuổi, cảm xúc của đạo diễn không hề phai nhạt theo năm tháng. Có lẽ bây giờ tôi viết tốt hơn, làm phim tốt hơn ngày xưa. Là bởi không còn ham hố nhiều, trầm tĩnh hơn và chỉ làm những cái gì thực sự thích. Trước đó bất chấp kịch bản tốt hay dở tôi nhận hết. Tôi ngạo mạn lắm, nghĩ vào tay mình ắt thành công. Có phim cứ mỗi sáng cả đoàn đứng chờ tôi từ 6-7h sáng để viết kịch bản, quay luôn trong ngày. Sự thực phim đó là cú ngã, là bài học nhớ đời. Phim truyền hình thường phải xong kịch bản mới quay, không thể vừa chạy vừa viết được. Tôi đã làm quá sức. Bây giờ có tuổi, tôi biết sợ hơn rồi”, Lưu Trọng Ninh thẳng thắn.

Vẫn tự tin, còn kiêu ngạo nhưng ông không thể làm phim bất chấp. Kịch bản Kiều sẵn trong tay, thế nhưng đạo diễn quyết bỏ đi viết lại. Nỗi sợ của Lưu Trọng Ninh là thế này: Nguyễn Du dùng trái tim và tâm hồn Việt đem hơi thở vàoTruyện Kiều còn đạo diễn làm phim phải dùng điện ảnh kể câu chuyện nên cực khó, bởi câu chuyện khi này phải là chuyện của Thanh Tâm Tài Nhân. “Người ta có thể chấp nhận tâm hồn Việt Mai sau dù có bao giờ/Đốt lò hương ấy so tơ phím này nhưng người ta không thể chấp nhận hình ảnh Kiều mặc tứ thân mớ ba mớ bảy. Điện ảnh là hình ảnh nên liệu người ta có chấp nhận cả câu chuyện về Kiều đều đậm chất Việt không”, Lưu Trọng Ninh băn khoăn.

Khó như đập đầu vào đá, thế nhưng đạo diễn họ Lưu cũng tìm ra lối thoát. Phim sẽ xoay quanh câu chuyện lầu xanh, trong đó không riêng Kiều, mỗi số phận mang một vùng văn hóa. Kiều chỉ là một trong số đó thôi. Truyện Kiều hay nhờ Nguyễn Du, cốt truyện không phải đặc sắc gì lắm. Lưu Trọng Ninh tâm niệm phải chuẩn bị kỹ lưỡng bởi, làm phim ra nếu thành công sẽ vang dội, bằng không thì chết rấp. Danh tiếng cả đời sẽ đổ ra biển Đông hết. Ông khoe đang tự viết lại kịch bản. Dăm tập đầu viết xong đưa cho một số người đọc, vài người đòi mua lại để làm phim điện ảnh. Chìa khóa mở cánh cửa làm phim về Truyện Kiều tra đúng ổ, Lưu Trọng Ninh phần nào yên tâm chờ cơ duyên.

Lưu Trọng Ninh dùng tới gần 200 ngày để xê dịch

Còn sống còn xê dịch

Mấy năm trước Lưu Trọng Ninh một mình gây dựng làng Vượt cách Hà Nội chừng 70km. Ông “trưởng thôn” trực tiếp tuyển dân với đòi hỏi “sống xanh” khắt khe như không sử dụng hóa chất, không nilon, không đánh nhau. Ông cho người ta nhà, cho mượn đất và hỗ trợ sinh sống trong 6 tháng đầu. “Làng Vượt là sự chủ quan của tôi. Hiện nay tôi đang dựng một bản khác”, Lưu Trọng Ninh nói. Đó là lí do ông đi đi về về giữa Hà Nội-Vân Hồ (Sơn La) để chuẩn bị nơi nương náu. Thế nhưng, tiêu chí của bản lần này phải làm ra tiền cho kỳ được. Dân làng không làm du lịch cộng đồng thì sản xuất hàng hóa, không có chuyện lười biếng chơi không.

Sức khỏe là gia tài lớn nhất, Lưu Trọng Ninh tự rèn luyện cuộc sống không rượu không thuốc. “Chỉ có mỗi tật lang thang tôi không bỏ được. Một năm chừng 200 ngày trên đường, mỗi ngày trung bình đi 300 cây số, thời gian còn lại dành để làm việc. Đời tôi là nhà trọ, là ngủ đường, ăn uống giản đơn lắm”, ông nói.

Lưu Trọng Ninh xưa nay vốn quen sống một mình, không bị trói buộc bởi bất cứ người phụ nữ nào. Một phần như ông tự nhận do suốt cuộc đời không tìm thấy người phụ nữ thứ hai như mẹ mình: bà Tôn Nữ Lệ Minh dòng dõi hoàng tộc Huế đã bỏ đi theo ông nhà thơ Lưu Trọng Lư, sinh ra và nuôi nấng dạy dỗ bảy người con, Lưu Trọng Ninh là con út...

Vài lời “thú tội” của Lưu Trọng Ninh

Lưu Trọng Ninh của thời hiện tại: “Chưa bao giờ thèm bạn bè như bây giờ. Tôi tìm lại những đứa ngày xưa nói xấu, chơi xấu mình và tha thứ hết. Lúc trẻ không thích bạn bè, giờ tôi thèm bạn bè kinh khủng”. Thế nhưng điều không thay đổi theo năm tháng là thói quen làm phim xong thường “trốn biệt” để khỏi phải nghe người ta khen chê. “Tác phẩm chỉ còn là của mình cho tới lúc hoàn thiện, sau đó nó có số phận riêng. Tôi không thể cưu mang nó nữa, càng không thể hô hào người ta thích phim của mình. Tôi có biết bao cúp, bằng khen nhưng trong nhà tịnh không còn bóng dáng chiếc nào. Cứ nhận giải xong đi về là không thấy đâu, không phải tôi không coi trọng mà tính tôi thế”, ông nói.

Toan Toan

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/luu-trong-ninh-biet-so-nhieu-hon-1715580.tpo