Lưu Sưởng – Vị vua hoang dâm và có sở thích lạ thời Ngũ Đại Thập Quốc

Thời Lưu Sưởng làm vua, đã có không biết bao nhiêu người dân bị chết oan uổng một cách tức tưởi, kể cả các tướng trung dũng cũng bị chết oan vì những lời đơm đặt của bọn hoạn quan. Chính vì vậy, việc nhà Nam Hán sắp bị diệt vong là điều đã được dự báo trước.

Lưu Sưởng. Ảnh internet

Lưu Sưởng. Ảnh internet

Sở thích bệnh hoạn, quan lại phải thiến tất rồi mới dùng

Năm Giáp Tý 904, Lưu Ẩn được nhà Đường (Trung Quốc) cử làm Tiết độ sứ Thanh Hải Quân, quản lý vùng Quảng Đông, Quảng Tây. Sau khi Lưu Ẩn chết, em trai là Lưu Cung (889 – 942) lên thay làm Tiết độ sứ. Đến năm 917, Lưu Cung xưng làm Hoàng đế, đóng đô ở Quảng Châu (Quảng Đông), đặt quốc hiệu là Việt, sau đổi lại thành Hán, sử gọi là nhà Nam Hán. Đến năm Tân Mùi 971, nhà Nam Hán bị nhà Bắc Tống tiêu diệt, nhà Nam Hán tồn tại được 54 năm, và truyền nối được 4 đời đế vương. Trong đó Lưu Sưởng là vị Hoàng đế thứ 4 của nhà Nam Hán.

Lưu Sưởng sinh năm Quý Mão 943, thân sinh là Lưu Trung Tông (920 – 958), năm Mậu Ngọ 958, Lưu Trung Tông mất, Lưu Sưởng đang là Thái tử nên được lập lên nối ngôi, hiệu là Hậu Chủ, lấy niên hiệu là Thái Bảo, năm đó Hậu Chủ nhà Nam Hán mới 15 tuổi.

Vừa mới lên làm vua, Hậu Chủ đã xa hoa, ít ai bì kịp, tiêu tiền như nước, lên ngôi chưa được bao lâu, Hậu Chủ đã cho xây dựng Vạn Chính Điện, chỉ riêng trang trí cho một cái cột đã tiêu tốn hết 3000 thỏi bạch kim. Hậu Chủ lại còn dùng bạc làm Điện Y, tô điểm bằng đá vân mẫu, và những khoản tiền tiêu không tên, mỗi ngày lên đến con số hàng triệu. Để có Ngọc trai, Hậu Chủ ra lệnh cho dân mò dưới đáy biển, rất nhiều người đã chết dưới biển hoặc làm mồi cho cá khi đi mò ngọc trai.

Hậu Chủ với bản tính nhu nhược, hoàn toàn không có trí lớn và tài trị quốc an dân. Do đó, dập khuôn theo chế độ cũ của Trung Tông để lại, để cho bọn hoạn quan là Cung Trần Khu và Trần Diên Thọ quyết định việc nước, còn Hậu Chủ thì chỉ suốt ngày lo ăn chơi hưởng lạc.

Hậu Chủ cũng rất thích bọn hoạn quan, do đó đã thiết lập “nhà tằm” (phòng thiến), thợ thiến có đến hàng trăm người. Quần thần những người tài hoa mưu lược, các tăng đạo có thể đàm đạo đều phải thiến rồi mới được dùng, thậm chí những người đỗ đạt cũng vậy, kể cả Trạng Nguyên cũng phải thiến rồi mới dùng.

Ngoài ra, cũng có người tự thiến để ra làm quan, mặt khác còn có cả phạm nhân, sau khi bị hình phạt thiến được sung vào đội ngũ hoạn quan, và đây là một tầng lớp đặc thù trong xã hội, không ngừng lớn mạnh. Thời Hậu Chủ Lưu Sưởng, hoạn quan phát triển nhanh chóng về số lượng lên đến hàng vạn người, nhiều tên hoạn quan được phong làm Tam công, Tam sư vô kể. Vì vậy, mà thời Hậu Chủ Lưu Sưởng nhà Nam Hán đã bị bọn hoạn quan lộng hành.

Bọn hoạn quan đứng đầu là Trần Diên Thọ, y đã cũng cố đị vị chính trị của mình bằng việc a dua nịnh bợ Hậu Chủ Lưu Sưởng. Ngoài ra, Trần Diên Thọ còn câu kết với Lê Quỳnh Tiên vốn là người hầu của Trung Tông ngày trước. Hậu Chủ thấy Lê Quỳnh Tiên xinh đẹp, lại biết ăn nói, nên sau khi Trung Tông chết, Hậu Chủ bèn thâu nạp cho mình, phong cho nàng làm Tài nhân, mũ cao áo dài, được tham dự chính sự.

Mọi tấu chương Hậu Chủ Lưu Sưởng phê duyệt đều do Lê Quỳnh Tiên chỉ đạo, vì vậy mà Trần Diên Thọ đã khôn ngoan cấu kết với Lê Quỳnh Tiên và một mụ đồng bóng tên là Phàm Hồ Tử cùng nhau bày trò để khống chế Lưu Sưởng.

Tin sùng Đạo giáo, giết người tàn độc dẫn đến mất nước và cái kết

Lưu Sưởng còn rất tin đạo giáo, thường dẫn theo phi tần đi chơi ở đạo quan, chủ động thỉnh giáo ở đạo trưởng, cầu xin thuật trẻ mãi không già. Hơn thế nữa Lưu Sưởng còn đặc biệt yêu thích các tượng thần mọi tư thế, rất muốn được ở đội ngũ đó. Vì vậy mà Lưu Sưởng đã cho thợ đúc tượng mình, lúc đầu thợ đúc xong, Lưu Sưởng cho rằng không giống mình, nên đã ra lệnh giết chết các thợ đúc một cách tàn bạo. Lưu Sưởng cho thợ khác đúc lại, vẫn không thấy vừa ý, phải đúc đến lần thứ ba, Lưu Sưởng mới tạm ưng ý và cho đưa vào Huyền Diệu Quan.

Việc bọn hoạn quan nịnh bợ Lưu Sưởng, bày vẽ đủ trò dâm ô và tiêu tiền như cỏ rác, số tiền đó được lấy từ sưu thuế nặng nề, danh nghĩa thu tô một đấu, trên thực tế người dân phải nộp gần gấp đôi, người dân bị bòn rút cưỡng đoạt bằng mọi thủ đoạn. Chính vì vậy mà người giàu, kẻ nghèo khắp cả nước không ai là không ca than kêu ca. Đất nước nhà Nam Hán ngày càng trở nên nghèo nàn và xác sơ.

Để duy trì nền chính trị đã chao đảo, ngoài việc áp dụng các hình phạt tàn khốc đặt ra từ thời Trung Tông để lại, Lưu Sưởng còn cho áp dụng các hình phạt cực kỳ dã man như thiêu, nấu, róc thịt, chặt khúc, dùng dao cây kiếm, có khi còn bắt phạm nhân đánh nhau với hổ, voi, cho tứ mã phanh thây.

Thời Lưu Sưởng làm vua, đã có không biết bao nhiêu người dân bị chết oan uổng một cách tức tưởi, kể cả các tướng trung dũng cũng bị chết oan vì những lời đơm đặt của bọn hoạn quan. Chính vì vậy, việc nhà Nam Hán sắp bị diệt vong là điều đã được dự báo trước.

Lưu Sưởng lên làm vua trong thời kỳ đất nước Trung Quốc vô cùng loạn lạc với thời kỳ Ngũ Đại Thập Quốc, các nước đánh nhau chiến tranh liên miên, nhân dân vô cùng khốn khổ. Chỉ hai năm sau khi Lưu Sưởng lên làm vua, nhà Bắc Tống được thành lập năm 960, Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn (927 – 976) là một vị Hoàng đế có tài, quyết tâm thống nhất toàn bộ Trung Quốc, ông đã đem quân đi đánh các nước còn lại của Thập Quốc với ý định thống nhất Trung nguyên.

Trước tình hình trên, Lưu Sưởng đã không tự lượng được sức mình, mà lại đem quân xâm phạm vào đất Tống ở Đàm Châu, và quân của nhà Nam Hán của Lưu Sưởng đã bị quân nhà Bắc Tống đánh cho đại bại vào năm Giáp Tý 964. Tuy nhiên, tình hình chiến sự thực tế lúc bấy giờ cũng khá phức tạp, nhà Bắc Tống còn phải lo đối phó với nhiều nước khác, thế lực cũng chưa thực sự đủ mạnh để tiêu diệt ngay nhà Nam Hán được. Vì vậy mà Tống Thái Tổ đã rất khôn ngoan, chờ đợi thời cơ chín muồi mới đem quân tiêu diệt nhà Nam Hán.

Sau thất bại với quân nhà Bắc Tống năm 964, lẽ ra Lưu Sưởng phải lo sửa sang vũ khí để phòng vệ, hoặc là cử sứ giả đi giao hảo với nhà Bắc Tống, nộp cống xưng thần với nhà Bắc Tống mới đúng. Đằng này ngược lại, Lưu Sưởng ngày càng tham lam và tàn bạo, tỏ ra kiêu căng không hề sợ nhà Bắc Tống. Nhà Bắc Tống sau thời gian chuẩn bị 6 năm, vào năm Canh Ngọ 970, Tống Thái Tổ đã quyết định đem quân tiêu diệt nhà Nam Hán của Lưu Sưởng.

Quân nhà Bắc Tống đánh vào Thiều Châu, cửa ngõ của nhà Nam Hán, Lưu Sưởng liền cử Lý Thừa Ốc làm đô thống dẫn 10 vạn quân chống Tống ở Thiều Châu, nhưng quân nhà Nam Hán của Lưu Sưởng đã nhanh chóng bị đánh bại. Đến đầu năm Tân Mùi 971, quân nhà Bắc Tống tiến đánh đến Quảng Châu, phóng lửa đốt trại quân nhà Nam Hán, lửa to, gió thổi mạnh, lửa bốc cháy ngất trời, quân Nam Hán dẫm đạp lên nhau mà chạy như ong vỡ tổ.

Bị thất bại nặng nề, cuối cùng Hậu Chủ Lưu Sưởng đành phải thân chinh đến doanh trại quân Tống để xin hàng. Tướng quân của nhà Bắc Tống là Phan Nhân Mỹ cho Lưu Sưởng đầu hàng và đem Lưu Sưởng về phủ Khai Phong giam lỏng tại vườn Ngọc Tân. Hậu Chủ Lưu Sưởng được vua Tống Thái Tổ tha chết. Lưu Sưởng còn được phong làm Hữu Thiên Ngưu vệ đại tượng quân, ấn xá hầu.

Ngoài bổng lộc ra, mỗi tháng Lưu Sưởng còn được Tống Thái Tổ cấp thêm cho 5 vạn quan tiền, và 50 hộc gạo, và cũng trong năm đó lãnh thổ của nhà Nam Hán đã được sáp nhập vào đất Tống, nhà Nam Hán của Lưu Sưởng đến đây đã chính thức bị diệt vong.

Vào năm Canh Thìn 980, Hậu Chủ Nam Hán Lưu Sưởng vì tửu sắc quá độ, nên mắc bệnh nặng và chết sớm, hưởng dương được 37 tuổi. Nguyên nhân mắc bệnh của Lưu Sưởng không phải do Lưu Sưởng “yêu” quá nhiều người, hay “yêu” quá nhiều lần, mà do Lưu Sưởng chỉ biết “cho” vung vãi xác thịt, không biết đem lại cảm xúc xác tình yêu cho người mình yêu.

Chính vì vậy mà Lưu Sưởng đã không phát động được nguồn năng lượng tinh thần cộng hưởng tỏa ra từ cơ thể tuyệt mỹ của các cung tần, mỹ nữ cho nên Lưu Sưởng mới bị suy kiệt sức lực, suy nhược cơ thể một cách nhanh chóng và già trước tuổi và đã chết như rất nhiều bậc đế vương khác ham mê tửu sắc trong lịch sử phong kiến Trung Quốc.

Vương Quốc Hoa

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/luu-suong-%E2%80%93-vi-vua-hoang-dam-va-co-so-thich-la-thoi-ngu-dai-thap-quoc-75796