Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh: Những câu chuyện dang dở và tình yêu ở lại

Đêm thơ, nhạc kịch mang tên 'Tình yêu ở lại' là sự kiện kỷ niệm 30 năm ngày mất của Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh và con trai Lưu Quỳnh Thơ.

Tình yêu vẫn ở lại

Tối 26/8, tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã diễn ra đêm thơ, nhạc kịch mang tên "Tình yêu ở lại" nhân kỷ niệm 30 năm ngày mất của vợ chồng nhà biên kịch, nhà thơ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh cùng con trai Lưu Quỳnh Thơ.

Tới dự có ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; PGS TS Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương; ông Nguyễn Ngọc Thiện - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Thào Xuân Sùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cùng đại diện gia đình nhà thơ, nhà biên kịch Lưu Quang Vũ, nhà thơ Xuân Quỳnh và đông đảo khán giả Thủ đô.

Các đại biểu, khách mời tại sự kiện.

Chương trình gồm 3 phần. Phần 1 là những bài thơ, ca khúc được phổ nhạc của hai tác giả, chọn lọc chủ yếu từ thơ tình. Đặc biệt, Nhà hát Tuổi Trẻ đã đặt nhạc sĩ Lê Tâm viết một bài hát phổ thơ Xuân Quỳnh, bài "Bầu trời trong quả trứng", để biểu diễn trong dịp này.

Phần 2 là những hồi ức đẹp nhất, những kỷ niệm lần đầu được kể về Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh qua trí nhớ và tình yêu của những người anh em, bạn bè thân thiết. Trong nhiều tư liệu, có cả phim về đám tang rất đông người dự của hai nhà thơ do NSND Nguyễn Thước ghi lại.

Phần 3 là trích đoạn vở kịch nổi tiếng Hoa cúc xanh trên đầm lầy do các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi Trẻ trình diễn.

NSƯT Lê Chức đọc tác phẩm "Và anh tồn tại" của Xuân Quỳnh.

NSƯT Lê Chức - Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, một người bạn rất thân của cố nhà thơ/nhà viết kịch Lưu Quang Vũ xúc động nhớ lại:

"Chúng tôi đã từng sống và làm việc cùng nhau, chúng tôi chia nhau cái nghèo từ lúc chúng tôi chưa là ai. Tôi là người cùng với nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, tác giả Ngọc Thụ, nghệ sĩ Văn Toản... cùng vài anh em nữa, chúng tôi đã đón chiếc xe từ Hải Dương, chở 3 thi hài của những người thân yêu của chúng tôi về Hà Nội. Chúng tôi đã mở 3 chiếc quan tài đó, bế từng người thân yêu của chúng ta đặt vào ngăn lạnh của bệnh viện Việt Xô. Máu của cháu Thơ (vẫn gọi là bé Mí) đã thấm trên người tôi. Chúng tôi đặt Vũ và Quỳnh trên khay trên và Thơ đặt ở khay dưới.

Chuyến đi đó như một chuyến đi định mệnh, nhưng có thể thấy, cái chết cũng không thể chia lìa tình yêu của họ. Họ cùng nhau đi trên con đường văn chương, văn học nghệ thuật. Vũ - trong 10 năm, viết cho sân khấu của chúng ta trên 50 kịch bản, với nhiều phiên bản ở nhiều sân khấu khác nhau. Quỳnh, là "nữ chúa của thơ tình". Mí - Lưu Quỳnh Thơ đã chớm có những tài năng về hội họa. Chúng tôi đã cùng sáng lập lên những vai diễn đầu tiên cho Vũ, cùng Vũ, để hôm nay Vũ vẫn còn ở trong chúng ta".

Những dự báo về sự ra đi

NSND Doãn Châu nhận ra ngay bức tranh của bé Quỳnh Thơ dù ông chưa nhìn thấy bao giờ.

NSND Doãn Châu, người đồng hành trên chuyến xe định mệnh năm ấy cùng gia đình nhà thơ, nhà biên kịch Lưu Quang Vũ nhớ lại: "Trong khán phòng hôm nay, còn có vợ tôi - nghệ sĩ Bích Thu, con trai tôi - Doãn Vinh, những người đã chứng kiến phút cuối cùng của Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh và cháu Quỳnh Thơ. Một vinh dự rất lớn cho tôi là được Xuân Quỳnh đồng ý cho tôi nhận cháu làm con nuôi. Cháu có một cái tên rất hay mà hôm nay tôi mới có dịp công bố, đó là Doãn Mí Quỳnh Thơ. Ngay từ nhỏ, cháu đã sớm bộc lộ tài năng hội họa. Cho nên, mỗi lần nhìn lại các tác phẩm của cháu, tôi rất xúc động. Nếu cháu còn sống, tôi chắc chắn rằng cháu sẽ là một nghệ sĩ tài năng. Một điều đặc biệt nữa là cháu sinh cùng ngày với tôi, sinh nhật hai bố con tôi lại cùng ngày sinh nhật với Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2).

Có lẽ sự ra đi của 3 người có gì đó mang tính định mệnh. Đêm hôm trước, chúng tôi rủ nhau ra bãi biển chơi. Ở đó, tạo thành 3 cụm: hai cháu bé đùa nhau trên bãi biển, hai bà mẹ ngồi cùng nhau cạnh đó, tôi và anh Vũ ngồi trên kè đá. Không biết trời xui đất khiến thế nào mà đêm hôm đó, tôi và Vũ kể lại tất cả câu chuyện của hai người đã vất vả, lận đận ra sao.

Sau này vợ tôi kể lại, cũng lúc đó, hai bà vợ cũng ngồi tâm sự tất cả những điều đã xảy ra với hai gia đình. Họ là những người vô cùng vất vả, cũng là người chịu tất cả những gì xấu nhất của tôi và Lưu Quang Vũ để giữ gìn mái ấm hạnh phúc của gia đình. Đến ngày hôm sau, hai đứa bé nhặt hoa, trang hoàng cho cái ô tô như một điềm báo trước cho điều không hay sẽ xảy ra vào buổi trưa ngày 29/8. Điều này ít khi tôi dám nhắc lại.

Có một điều khiến bây giờ tôi vẫn nhớ mãi. Vũ có nói với tôi: "Bằng mọi giá chúng mình phải quyết tâm. Làm gì thì làm, vất vả gì thì vất vả, nhưng cố gắng vượt qua để làm tốt đẹp cho cuộc đời này".

Các nghệ sĩ trình bày một số tác phẩm của Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh đã được phổ nhạc.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa, một người em thân thiết của vợ chồng Lưu Quang Vũ cho biết, ông cũng từng có linh cảm về sự ra đi của vợ chồng cố nhà thơ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh: "Năm 1987, chị Xuân Quỳnh có viết cho anh Lưu Quang Vũ rằng: "Chiều nay, thằng Khoa nó lên, nó nói toàn những điều gở làm em buồn quá". Vậy tôi đã nói điều gì với chị Xuân Quỳnh?

Tôi nhớ có lần trò chuyện với tôi và anh Vũ, tôi nắm bàn tay của chị. Hồi đó tôi có hay dẫn chị đi mua hàng vì chị không biết tiếng Nga. Đến lúc tôi nhắc đến anh Vũ, tôi thấy gương mặt của chị bạc một nửa. Không hiểu sao bằng linh cảm rất lạ khiến tôi buộc phải lên phòng của chị. Lúc đó chị ở cùng chị Nguyễn Thị Ngọc Tú và Phan Thị Thanh Nhàn, và hai chị cũng ở đó chứng kiến câu chuyện này. Tôi có khuyên chị tạm buông anh Vũ, nhưng không phải là bỏ nhau. Tôi không phải là một nhà bói toán, nhưng bằng linh cảm rất lạ, tôi không giải thích được. Tôi nói với chị: "Em rất yêu chị, yêu anh Vũ nên em mới nói như vậy với chị. Chị hãy tạm buông anh Vũ ra, thì có thể chị sống thêm được 11 năm, anh Vũ sống thêm được 41 năm nữa. Còn nếu không là nguy đấy". Không hiểu sao tôi lại nói như vậy, và điều này cũng làm chị Quỳnh buồn lắm, chị bảo tôi nói như con gà gáy gở".

Nhà thơ Anh Ngọc cũng cho rằng Lưu Quang Vũ cũng từng "linh cảm về cái chết" khi ông viết: “Phút cuối cùng tay vẫn ở trong tay/ Ta đã có những ngày vui sướng nhất/ Đã uống cả men nồng và rượu chát/ Đã đi qua cùng tận của con đường/ Sau vô biên dẫu chỉ có vô biên/ Buồm đã tới và lúa đồng đã gặt".... Và sau 30 năm trên “chuyến xe định mệnh” ấy, họ vẫn tiếp tục bên nhau cùng tình yêu bất tử.

Trích đoạn vở kịch: "Hoa cúc xanh trên đầm lầy".

Nhà thơ, nhà biên kịch Lưu Quang Vũ sinh năm 1948, tại xã Thiệu Cơ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Ông quê gốc ở phường Hải Châu, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, là con trai nhà viết kịch Lưu Quang Thuận. Năm 20 tuổi, ông có tập thơ đầu tay in chung với nhà thơ Bằng Việt trong tập “Hương cây-Bếp lửa” và các tập thơ tiếp sau này như “Mây trắng của đời tôi”, “Bầy ong trong đêm”. Sau đó, tên tuổi của ông tiếp tục được nhắc đến khi tạo ra một hiện tượng trong sân khấu kịch với hàng loạt vở diễn như: Nàng Sita; Hẹn ngày trở lại; Nếu anh không đốt lửa; Hồn Trương Ba da hàng thịt; Lời thề thứ 9; Khoảnh khắc và vô tận; Bệnh sĩ; Tôi và chúng ta...

Nhà thơ Xuân Quỳnh sinh năm 1942, tại làng La Khê, xã Văn Khê, thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây (nay là thành phố Hà Nội). Trước khi sáng tác thơ, Xuân Quỳnh từng là diễn viên múa ở Đoàn Văn công nhân dân Trung ương. Sau khi học Trường Bồi dưỡng những người viết văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam, bà bắt đầu về làm việc tại Báo Văn nghệ, báo Phụ nữ Việt Nam và sáng tác thơ ca. Một số tập thơ nổi tiếng của Xuân Quỳnh như: Tơ tằm - chồi biếc, Hoa dọc chiến hào, Gió lào, cát trắng, Lời ru trên mặt đất...

Nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2000. Nhà thơ Xuân Quỳnh cũng được truy tặng Giải thưởng này năm 2017.

40 năm cuộc đời ngắn ngủi nhưng Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh đã khiến hàng triệu trái tim phải rung động trước tình yêu mãnh liệt và tâm hồn văn chương tuyệt mỹ. Cuộc tình và sự nghiệp của họ không chỉ là một tượng đài bất tử mà còn là một sự kiện, hiện tượng trong giới văn nghệ sĩ và những người yêu nghệ thuật của Việt Nam./.

Nguyễn Dung/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/van-hoa-giai-tri/luu-quang-vu-xuan-quynh-nhung-cau-chuyen-dang-do-va-tinh-yeu-o-lai-805046.vov