Lưu Quang Vũ - người 'chiến binh' nhân ái của thơ ca và sân khấu

Chúng tôi là những nghệ sĩ cùng thời, cùng làm việc và cảm nhận trực tiếp về nhau, đón đợi từng thành công và biết sẻ chia cả những khó khăn nào đó của nhau.

Tôi được diễn trong kịch bản “Sống mãi tuổi 17” và dựng kịch bản “Tin ở hoa hồng” của Vũ cho Đoàn kịch nói Quảng Nam (năm 1985), dự kiến dựng nhạc kịch “Đam San” cùng nhạc sĩ Nguyễn Cường cho Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (nhưng chưa triển khai được vì lý do tài chính).

Lưu Quang Vũ có một “thiên chức” riêng của mình trong sáng tác, từ gốc truyền thống nghệ thuật gia đình, nhưng bật trội, rạng rỡ hào quang có thật và “chợt tắt” trong bao tiếc nuối.

Cảnh trong vở kịch “Nguồn sáng trong đời” của Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng. Ảnh: Nguyễn Hòa

Hiện tượng thi ca và nhất là khối lượng kịch bản đồ sộ được sáng tác trong thời gian không dài, đã cung cấp cho nhiều đoàn, nhà hát sân khấu cả nước một dạng “chất bột” tinh túy để gột “nên hồ” bao bản diễn của các thể loại, thể tài sân khấu. Cảm giác Lưu Quang Vũ như một bác sĩ tâm lý xã hội có năng lực phát hiện để đề xuất phương pháp trị liệu, chụp “cắt lớp”, đo “điện tâm đồ”, thử nghiệm và cả “thử nghiệm lâm sàng” trên những vấn đề mà bằng sự nhạy cảm “thiên bẩm”, chỉ Vũ mới cảm nhận và thẩm thấu-phần lãng mạn, giản dị tinh túy dành cho thơ. Phần xung đột, mâu thuẫn khắc nghiệt dành cho sân khấu, và có lúc, nhiều lúc là hòa trộn vào nhau.

Không ai nghĩ với dáng vẻ hiền lành nhưng tư chất thông minh riêng biệt đó lại có một nguồn năng lượng lớn đến vậy để “săm soi” vào phía bên trong ẩn kín của sự việc, của tố chất “thật-giả” mặt nạ đối phó; những điều tốt không có điều kiện được tự thân xuất lộ, và cũng biết bao giả trá, khôn khéo, che đậy, sĩ diện… cứ được che giấu vừa ranh ma, vừa khờ dại, hài hước như trong “Bệnh sĩ”, “Ông không phải là bố tôi”… “Nguồn sáng trong đời” lại mang một “nhân sinh quan” khác khi tạo ra đôi mắt-cái nhìn-nhận thức-biểu cảm… vừa lớn về đề tài, vấn đề xã hội, vừa cao cả nhân văn. “Người tốt nhà số 5” như đưa ta vào với từng căn hộ nhỏ trong một chung cư với bao chuyện đời, chuyện nghề của những người dưng mà thân quen như không thể thiếu nhau.

Tôi đánh giá cao “sự rung cảm nghề nghiệp” của “chiến binh” sân khấu Lưu Quang Vũ trong hai kịch bản: “Tôi và chúng ta” và “Hà My của tôi”, bởi giữa một môi sinh của “chủ nghĩa tập thể”, Vũ đã đặt ra vai trò và sự tự chịu trách nhiệm của cá nhân mỗi người. Chữ “tôi” bao nhiêu năm mới được vang lên với sự “dám” đưa ra trên sân khấu để từ đó đi trở lại vào trong cuộc sống với sự tác động có phần lay chuyển...

Quá trình sáng tác và công bố tác phẩm của Lưu Quang Vũ có lúc không hẳn suôn sẻ, cũng có lúc phải “duyệt” và sửa chữa vài lần, nhưng do tâm của Vũ sáng, trách nhiệm nghệ sĩ-công dân của Vũ được “minh định” nên mọi việc cũng xong. Tinh thần “tham chiến” trong văn đàn của “chiến binh" Lưu Quang Vũ vẫn đi tới đích.

Không dễ gì mà Đảng và Nhà nước quyết định đáp lại ý nguyện của giới sân khấu và khán giả, bằng việc truy tặng Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật (đến nay anh vẫn là người trẻ nhất trong đội ngũ tác giả sân khấu được nhận sự tôn vinh này). Vậy là chúng ta có được một Lưu Quang Vũ trọn vẹn như Vũ muốn và chúng ta mong có được cho sân khấu, tạo ra một nguồn năng lượng nồng nàn cho sân khấu trong nhiều năm trước đây và cho tới hôm nay.

Điều cần nhất mà nhà viết kịch Lưu Quang Vũ có được đó là tính “tiên lượng, dự báo” trong một số kịch bản của mình. Lưu Quang Vũ như nhà “tiên tri” đoán định được về một số điều sẽ có sau này, khi Vũ biết nắm chắc quy luật của sự phát triển tâm sinh lý con người thời hiện tại nhưng đã có tín hiệu ở tương lai như một sự tất yếu. Những bước đi trước cuộc sống ấy là một tính năng dự báo thiên bẩm của nghệ sĩ-người sáng tạo.

Một phẩm chất Quân đội nhân dân Việt Nam gắn bó với “Lời thề thứ 9” của Bộ đội Cụ Hồ đã được Lưu Quang Vũ khai thác đầy tâm huyết trong kịch bản và vở diễn cùng tên mà trong đó tính mâu thuẫn, xung đột từ những điều tốt đẹp làm cho ta nghẹn ngào trước những người lính trẻ, và nhất là trước bà mẹ bộ đội nghèo khó, uất ức… nhưng không thể làm cho tâm hồn, nhận thức và việc làm của bà xấu đi. Tính văn học cho sân khấu của Vũ cũng là một đặc tính riêng. Nó lấp lánh, ẩn ý, có chất thơ nhưng đầy xáo động và va đập với “lời ngầm ý ẩn” rất có lợi cho đạo diễn tổ chức mâu thuẫn và diễn viên khi hành động tâm lý bằng lời kịch.

Mất Lưu Quang Vũ, sân khấu có một khoảng trống vắng lớn trong nhiều năm. Nhiều kịch bản của Lưu Quang Vũ vẫn có giá trị về đề tài, những vấn đề mâu thuẫn xã hội và tâm lý cho tới hôm nay. Nhưng phẩm chất của vấn đề thì cao hơn tính thời sự thông thường và đòi hỏi “lòng dũng cảm nghề nghiệp” dám viết của người cầm bút.

Lưu Quang Vũ-kịch đầy nhân cách, nhân văn, còn lại đến lâu dài. Đó là một “chiến binh" nhân ái của sự tốt đẹp trong thiên mệnh của văn học-nghệ thuật nước nhà.

Nghệ sĩ Ưu tú, đạo diễn LÊ CHỨC (Phó chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/luu-quang-vu-nguoi-chien-binh-nhan-ai-cua-tho-ca-va-san-khau-548091