Lưu luyến tiễn biệt Nhà thơ, Nhạc sĩ tài danh Nguyễn Trọng Tạo về với 'Khúc hát sông quê'

Dưới trời mưa phùn, rét đậm, trưa nay (9/1), gia đình và bạn bè tề tựu tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông - Hà Nội , tiễn biệt Nhà thơ, Nhạc sỹ tài danh Nguyễn Trọng Tạo về với 'Khúc hát sông quê'.

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam là Trưởng Ban lễ tang, cùng các thành viên như nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam, ba Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam gồm nhà văn Nguyễn Trí Huân, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, một số thành viên khác trong đó có người bạn thân là nhà thơ Nguyễn Thụy Kha.

Trong dòng người đến viếng có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung, PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, lãnh đạo các hội văn học nghệ thuật, nhiều lãnh đạo các báo, tạp chí có mặt từ sớm trong đoàn người viếng Nguyễn Trọng Tạo.

Tiễn biệt Nhà thơ, Nhạc sĩ tài danh Nguyễn Trọng Tạo.

Đoàn Tạp chí điện tử Văn hiến Việt Nam (Vanhien.vn) do Phó Tổng biên tập Vũ Xuân Bân cùng đoàn Tạp chí Văn hiến Việt Nam (bản in) do Tổng biên tập Nguyễn Thế Khoa dẫn đầu đã đến viếng Nhà thơ, Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo. Ông cũng là một trong những cộng tác viên tên tuổi trong văn giới của Tạp chí Văn hiến Việt Nam điện tử và bản in.

Dù biết trước bệnh tình và sự ra đi của ông, nhiều người vẫn không giấu được sự bàng hoàng, đau xót. Không ai nghĩ, con người thích lãng du đó lại có lúc sớm dừng bước chân rong ruổi với cuộc đời.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng (ảnh trên) lưu luyến ghi trong sổ tang.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng (ảnh trên) lưu luyến ghi trong sổ tang.

“Cảm ơn anh đã để lại những tác phẩm đẹp (đặc biệt là những bài thơ, những ca khúc) làm rung động con tim của bao người trong đó có tôi, đã đánh thức bao kỷ niệm đắng cay, ngọt ngào, yêu thương, vui buồn và những điều tốt đẹp”.

PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc VOV, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình VHNT Trung ương bày tỏ “Nguyễn Trọng Tạo ra đi để lại một khoảng trống không dễ khuây khỏa lấp đầy. Một nghệ sỹ tài hoa, đa tình, đa mang được công chúng và bạn hữu yêu quý”.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân (ảnh trên) đã dành những lời xúc động trong cuốn sổ tang: "Anh em, nhạc sĩ, nghệ sĩ vô cùng thương tiếc anh, một nhạc sĩ, nhà thơ có tài có tâm. Anh ra đi nhưng còn lại với dương gian những giai điệu, lời ca, bài thơ, sống mãi với thời gian".

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam tiết lộ thông tin, đơn vị này vừa xuất bản thêm 2 cuốn sách tập hợp những bài thơ tình và lục bát của nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo. Điều đó như một sự tri ân đối với những đóng góp lớn lao của ông đối với nền thi ca, văn học của đất nước.

Nói về sự ra đi của tác giả 'Khúc hát sông quê', nhà văn Nguyễn Quang Thiều khẳng định: 'Nhạc sĩ - nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã nằm xuống đất mẹ nhưng những giai điệu trong ca khúc, những ca từ trong bài thơ của ông thì vẫn sống mãi, vẫn vang vọng trong đời sống hôm nay và mai sau. Chính điều đó sẽ khiến chúng ta nhớ đến ông nhiều hơn và khẳng định giá trị của những tác phẩm nghệ thuật đích thực".

Phó Tổng biên tập Tạp chí điện tử Văn hiến Việt Nam (Vanhien.vn) Vũ Xuân Bân (bàn bên trái) ghi vào sổ tang "Xin kính viếng, chia buồn sâu sắc cùng gia quyến Nhà thơ, Nhạc sĩ tài danh Nguyễn Trọng Tạo, từng là CTV thân thiết của Tạp chí"

Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, (ảnh trên), người bạn thân lâu năm tiễn biệt Nguyễn Trọng Tạo bằng bốn câu thơ: “Người lãng du đã dừng bước phiêu du/Suốt một đời giang hồ lang bạt/Thôi chào nhé 40 năm gắn chặt/Chợt một ngày mưa cách biệt âm dương”. Ông Kha trong bài trả lời phỏng vấn pỏng vấn báo chí đã đánh giá Nguyễn Trọng Tạo đa tài, tiếp bước Văn Cao, Nguyễn Đình Thi.

Nguyễn Trọng Tạo qua đời hồi 19h50 tối 7/1 tại bệnh viện Bạch Mai sau thời gian chống chọi với ung thư phổi, hưởng thọ 72 tuổi.

Ông sinh ngày 25/8/1947 tại làng Tràng Khê, Diễn Hoa, Diễn Châu, Nghệ An. Năm 1969 Nguyễn Trọng Tạo gia nhập quân ngũ thuộc Đoàn 22 Quân khu 4, sau đó làm Đội trưởng Đội tuyên truyền văn hóa Đoàn 22B, Trưởng đoàn văn công xung kích sư đoàn 341B.

Nguyễn Trọng Tạo được cử về Hà Nội tham gia Trại viết văn quân đội, học trường Viết văn Nguyễn Du khóa 1. Năm 1990 ông cùng Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Quang Lập sáng lập tạp chí Cửa Việt. Ông còn là họa sĩ trình bày mỹ thuật cho nhiều tạp chí và tờ báo khác nhau. Nguyễn Trọng Tạo là Ủy viên Hội đồng Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam từ 2000-2005. Ông từng là Trưởng ban biên tập báo Thơ thuộc Báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam).

Nguyễn Trọng Tạo từng bị tai biến cuối năm 2017, ông may mắn vượt qua cơn tai biến thần kỳ. Sau đó Nguyễn Trọng Tạo còn tổ chức đêm thơ nhạc Khúc hát sông quê vào 10/8/2018 tại Hà Nội với dàn nghệ sỹ NSND Thanh Hoa, ca sỹ Trọng Tấn, Anh Thơ, Lê Anh Dũng, nhóm Con gái, Cỏ lạ, Dòng thời gian.

Một số tập thơ và trường ca nổi tiếng của ông như: Đồng dao cho người lớn, Nương thân, Thế giới không còn trăng, Con đường của những vì sao, Biển mặn. Một số ca khúc nổi tiếng nhất gắn với tên tuổi Nguyễn Trọng Tạo nhưKhúc hát sông quê, Làng quan họ quê tôi...

Nguyễn Trọng Tạo nhận nhiều giải thưởng về văn học nghệ thuật như Giải thưởng thơ hay báo Văn nghệ, Giải thưởng thơ hay tạp chí Văn nghệ Quân đội, Giải thưởng văn học nghệ thuật Cố đô, VHNT Hồ Xuân HƯơng, Giải thưởng VHNT của Ủy ban Toàn quốc các HỘi VHNT Việt Nam. Năm 2012 ông nhận Giải thưởng Nhà nước với tập Đồng dao cho người lớn, trường ca Con đường của những vì sao (Trường ca Đồng Lộc).

Lễ tang nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo - Nguồn: Nhuong Tran

Vũ Xuân Bân |

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/luu-luyen-tien-biet-nha-tho-nhac-si-tai-danh-nguyen-trong-tao-ve-voi-khuc-hat-song-que-66391