Lưu giữ hương vị Tết cổ truyền tại Làng Đông

Tục gói chưng ngày Tết đã trở thành nét văn hóa truyền thống của dân tộc được người Việt Nam lưu giữ từ nghìn đời nay. Mỗi khi Tết đến Xuân về, người người, nhà nhà lại cùng nhau quay quần gói những chiếc bánh chưng xanh dâng lên bàn thờ để thể hiện lòng tưởng nhớ và biết ơn tổ tiên.

Với nhiều thế hệ, chiếc bánh chưng là niềm hân hoan của ngày Tết sum họp, đoàn tụ. Những chiếc bánh đẹp, dày dặn, vuông thành sắc cạnh được dành riêng để bày bàn thờ cúng ông bà tổ tiên, bánh nhỏ gói riêng cho trẻ con như món quà đầu năm...

Ngày nay, việc gói và dâng cũng vẫn còn đó, nhưng dường như không còn nguyên vẹn. Ở Nhiều nơi, người ta có thể dễ dàng mua cho mình những chiếc bánh chưng như một món ăn thông dụng hằng ngày. Thế nhưng, với nhiều làng quê miền Trung, việc gói bánh chưng ngày tết là một tục lệ không thể thiếu nhằm gìn giữ nét văn hóa cổ truyền của dân tộc.

Trong những ngày 28, 29 tết tại Làng Đông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An không khí tết đã tràn về tận ngõ xóm. Nhà nhà tất bật cùng nhau gói bánh chưng, bánh tét để sắm sửa mâm cỗ cúng giao thừa.

Cả gia đình cùng quây quần gói bánh chưng (Ảnh: M.T)

Cả gia đình cùng quây quần gói bánh chưng (Ảnh: M.T)

Ông Lê Văn Việt (Thôn Đông, Hưng Nguyên) cho biết, đối với người dân làng Đông, trong ngày Tết cổ truyền nhất định phải có chiếc bánh chưng để dâng cúng tổ tiên.Vì vậy, năm nào vào ngày 28 Tết, gia đình ông cũng chuẩn bị xoong nồi để nấu bánh.

Cả nhà, mỗi người mỗi việc, trẻ con thì tước dây gói bánh, phụ nữ rửa lá dong, chuẩn bị các nguyên liệu gạo, hành, đỗ thịt còn cánh đàn ông thì đảm nhiệm việc gói bánh.

Những chiếc bánh được gói một cách cẩn thận, đủ nguyên liệu và đúng quy trình ( Ảnh: M.T)

“Trong không khí ấm áp gia đình, người lớn vừa gói bánh chưng vừa kể về sự tích bánh chưng, bánh dày, chuyện Tết xưa, tết nay cho con cháu nghe. Cứ thế, câu chuyện vẫn rôm rả trong khi hàng chục chiếc bánh chưng xanh “ra đời” trong không khí sum họp của gia đình. Năm nay, gia đình tôi gói hơn 60 cặp bánh chưng vừa cho nhà mình cúng lễ tổ tiên vừa biếu, tặng dâu rể, họ hàng nhân dịp cổ truyền” – ông Việt chia sẻ.

Các em nhỏ thích thú với chiếc bánh cổ truyền (Ảnh: M.T)

Cũng mong muốn lưu giữ hương vị Tết xưa, gia đình ông Lê Văn Yên (Làng Đông, Hưng Nguyên) cho biết, năm nay nhà ông nấu 27 chiếc bánh chưng để ăn Tết cổ truyền. Đã thành thông lệ, cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, các gia đình ở Làng Đông lại tất bật chuẩn bị nguyên liệu gói bánh chưng Tết. Đến khi mùi hương bánh chưng thơm nồng vương khắp mọi con ngõ, lúc ấy không khí Tết mới thật sự đến với ngôi làng nhỏ này.

Khi hương bánh chưng tỏa thơm nồng khắp ngõ xóm, lúc ấy Tết mới thực sự đến với Làng Đông (Ảnh: M.T)

Gói bánh ngày Tết, không cốt ý để ăn mà còn là cách để giữ gìn truyền thống, ngày tụ hội gia đình đầy đủ, quay quần bên cha mẹ và con cháu. Đây cũng là nét văn hóa truyền thống của dân tộc và đó cũng là ý nghĩa của ngày Tết cổ truyền của dân tộc” – ông Yên chia sẻ.

Mộc Thanh

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/luu-giu-huong-vi-tet-co-truyen-tai-lang-dong-86857.html