Lưu dân tủi thân

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, tiến độ xây dựng dự án sắp xếp, bố trí dân cư trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, Tây Nam Bộ còn chậm (tính đến cuối năm 2017 còn 35 dự án chưa hoàn thành).

Một khu định cư của dân di cư tự do ở xã Ea K'bang, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Nhân dân

Nguyên nhân do nguồn ngân sách Trung ương bố trí thực hiện các dự án đầu tư, bố trí, sắp xếp ổn định dân di cư còn hạn chế (mới đáp ứng khoảng 40% so với nhu cầu) dẫn đến nhiều dự án xây dựng dang dở kéo dài... Làm không đạt được mục tiêu đề ra của chương trình, gây thất thoát, làm giảm hiệu quả đầu tư.

Vấn đề người dân các tỉnh vùng núi phía Bắc di cư tự do vào các tỉnh Tây Nguyên chưa bao giờ hết nóng bởi những những hệ lụy tới sự phát triển kinh tế xã hội mà nó gây ra. Trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, ông Y Biêr Niê - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk thông tin: Đắk Lắk có 17 dự án để sắp xếp ổn định dân di cư tự do nhưng chỉ mới triển khai được 13/17 dự án. Và trong 17 dự án này chưa có dự án nào hoàn thành đúng tiến độ, mục tiêu đề ra vì trung ương chưa bố trí đủ vốn để thực hiện.

“Nếu 17 dự án này hoàn thành, sẽ bố trí ổn định cho khoảng 6.527 hộ dân. Tôi đề nghị Chính phủ quan tâm, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan, sớm bố trí đủ vốn để triển khai thực hiện hoàn thành 17 dự án này” - ông Y Biêr nói.

Ở các tỉnh Tây Nguyên, phổ biến đời sống người dân di cư tự do rất khó khăn. Từ đó sinh ra bất chấp pháp luật. Nhiều nhóm gia đình, “nhảy dù” vào giữa rừng, tổ chức lập làng, sinh sống trong cảnh tăm tối; không điện, đường, trường, trạm... Trẻ con không giấy khai sinh, không được đến trường.

Ông Ninh Xuân Hiền, lưu dân sống tại tiểu khu 1644, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) nói: “Chúng tôi gần như không có quyền công dân vì không có hộ khẩu thường trú, con cháu không được đến trường bởi không có giấy khai sinh... Chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng sớm có giải pháp hỗ trợ” - ông Hiền nói.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, những người di cư tự do dù thế nào cũng là đồng bào Việt Nam. Việc chúng ta “quên” thừa nhận những lưu dân này một công dân là điều bất hợp lý.

“Tôi mong muốn Quốc hội nghiên cứu và đề nghị Chính phủ có chính sách hết sức rõ ràng đầu tư cho các tỉnh này để bà con đỡ cảm thấy tủi thân, hiện nay không được học hành, mà các địa phương cũng đã có sự quan tâm nhưng không thể thấu được” - đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói.

HỮU LONG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cau-chuyen-quan-ly/luu-dan-tui-than-609904.ldo