Lupus ban đỏ nguy hiểm như thế nào?

90% ca mắc lupus ban đỏ là nữ giới và bệnh này có yếu tố di truyền cao.

Mới đây thông tin diễn viên Phương Trang qua đời vào ngày 12-2 do bệnh lupus ban đỏ đã làm nhiều người bất ngờ. Phương Trang qua đời khi cô còn rất trẻ (24 tuổi) sau một thời gian chiến đấu với căn bệnh này.

Nguyên nhân của bệnh lupus nói riêng và các bệnh lý tự miễn nói chung là do cơ thể có những sai lệch về đáp ứng miễn dịch, dẫn đến hệ miễn dịch chống lại chính những cơ quan trong cơ thể.

Theo TS y sinh học phân tử Bùi Chí Bảo, người sáng lập Trung tâm Công nghệ Y khoa DNA (TP.HCM), trong số các bệnh nhân bị lupus ban đỏ có 90% là nữ giới. Lứa tuổi thường gặp là từ 15 đến 50 tuổi và bệnh chiếm tỉ lệ 50/100.000 dân.

Triêu chứng của lupus ban đỏ hệ thống có thể xuất hiện đột ngột hoặc từ từ sau nhiều tháng, nhiều năm. Biểu hiện trên da là dễ nhận thấy nhất, trong đó hồng ban có dạng hình cánh bướm ở mặt là một dấu hiệu rất đặc trưng.

Ngoài ra, thương tổn trên da còn gặp ở những vùng hở khác như cổ, bàn tay... Chúng rất nhạy cảm với ánh nắng. Niêm mạc trong miệng, vùng hầu họng dễ lở loét nhưng không đau. Tóc vàng, dễ gãy và rụng nhiều.

Các cơ quan như tim, phổi, khớp, máu, tâm thần kinh cũng có các triệu chứng. Cụ thể, bệnh nhân sẽ cảm nhận được cơn đau ngực, khó thở. Phổi có thể suy hô hấp. Khớp bị viêm cũng rất dễ gặp ở người bị lupus ban đỏ khiến họ khó di chuyển.

Cạnh đó, thiếu máu làm da nhợt nhạt. Bệnh nhân có thể bị rối loạn phương hướng, giảm tri giác, mất trí nhớ; có thể đau đầu dữ dội hay co giật toàn thân.

Thực tế trên lâm sàng, phần lớn các bệnh nhân đến khám vì các biểu hiện không đặc hiệu như sút cân, mệt mỏi, chán ăn, sốt nhẹ âm ỉ, rụng tóc. Ngoài ra còn bị viêm loét miệng kéo dài, đau các khớp nhỏ. Thậm chí nhiều trường hợp chỉ vì bị đau mỏi cơ, rối loạn kinh nguyệt.

Hiện các nguyên nhân gây bệnh lupus ban đỏ vẫn chưa được chứng minh rõ ràng. Tuy nhiên, có một số yếu tố có vai trò nổi bật gây nên. “Trong đó yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng. Nếu người có tiền sử gia đình anh chị em ruột bị mắc lupus ban đỏ hệ thống thì nguy cơ mắc cao hơn 20 lần so với người bình thường”, TS Bảo nhận định.

TS Bảo cho biết thêm, các nhà nghiên cứu cũng cho rằng bệnh này còn có thể do yếu tố môi trường như nhiễm khuẩn, hóa chất, ánh nắng mặt trời, nội tiết ở nữ giới trong độ tuổi sinh sản.

Một số loại thuốc như hydralazine, procainamide, isoniazid, sulfonamide, phenytoin, penicillamine có thể gây bệnh giống như lupus nên dễ chẩn đoán nhầm với lupus thực sự. Các thuốc tránh thai cũng đã được ghi nhận là có vai trò trong việc khởi động hay làm bệnh nặng thêm.

Hiện chưa có phương pháp chữa khỏi hoàn toàn bệnh lupus ban đỏ nhưng có thể kiểm soát được nếu điều trị đúng cách ngay từ đầu. “Do bệnh có yếu tố di truyền nên nếu gia đình có người bị lupus ban đỏ hệ thống, bạn nên làm xét nghiệm gene di truyền để kiểm tra khả năng mắc bệnh của bản thân”, TS Bảo khuyên.

Ngoài ra, cần có lối sống lành mạnh, tránh các tác nhân từ môi trường để tránh bệnh tiến triển nặng hay dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Không được tự ý ngừng thuốc đột ngột khi không có chỉ định của bác sĩ.

ANH KHOA

Nguồn PLO: https://plo.vn/suc-khoe/lupus-ban-do-nguy-hiem-nhu-the-nao-889722.html