Lương Văn Can - nhà kinh tế học tiên phong

Lương Văn Can (1854 - 1927), Thục trưởng Đông Kinh Nghĩa Thục (1907), thủ lĩnh của phong trào Nghĩa thục đầu thế kỷ XX.

Ông là nhà nho yêu nước, thức thời duy tân tiêu biểu. Không chỉ đổi mới tư tưởng về giáo dục, văn hóa, về lựa chọn con đường cứu nước, sự khác lạ ở ông là tư tưởng thực nghiệp, tầm tư duy kinh tế nhạy bén. Ông xứng đáng là nhà kinh tế học tiên phong của lịch sử Việt Nam hiện đại.

Từ Quốc dân độc bản
Lương Văn Can, tự Ôn Như, hiệu Sơn Lão, quê làng Nhị Khê, tỉnh Hà Đông (nay là xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội), sinh ra trong một gia đình bình dân. Năm 21 tuổi, ông đậu cử nhân. Được giao chức Giáo thụ phủ Hoài Đức nhưng ông không nhận mà ở nhà mở trường dạy học, cùng vợ buôn bán ở số 4 Hàng Đào (Hà Nội).
Là người yêu nước, có ý chí mạnh mẽ, ông sớm tham gia các hoạt động yêu nước, sớm tiếp cận “tân thư, tân văn” và tham gia phong trào Duy tân.

Chân dung Lương Văn Can (1854 - 1927).

Chân dung Lương Văn Can (1854 - 1927).

Sau khi hội kiến với Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu, Lương Văn Can và các nhà nho, nhân sĩ trí thức đã thành lập Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội. Trường do ông làm Thục/hiệu trưởng, Nguyễn Quyền là Giám học, khai giảng vào tháng 3/1907 và bị giải tán vào tháng 11 cùng năm. Trường có 4 ban (Giáo dục; Cố động; Trước tác; Tài chính). Trường chủ trương đổi mới toàn diện về giáo dục cả về đối tượng, mục đích, nội dung và phương pháp dạy/học. Trường đã biên soạn được khá nhiều sách giáo khoa, tài liệu giảng dạy, cập nhật nhiều kiến thức mới, thiết thực về chính trị, kinh tế, xã hội và khoa học kỹ thuật thiết thực, học không vì bằng cấp mà để có kiến thức “làm người” như Tân đính Luân lý Giáo khoa thư, Văn minh Tân học sách, Quốc dân độc bản, Nam quốc địa dư, Cải lương mông học Quốc sử Giáo khoa thư.
Một sự đổi mới quan trọng là nhà trường đã đưa kiến thức kinh tế vào nội dung giảng dạy. Trong số đó có sách Quốc dân độc bản được đánh giá là thiết thực và phát hành được nhiều nhất. Sách gồm 2 tập, có 79 bài phổ biến những kiến thức cơ bản nhất về chính trị, luật pháp, quân sự, ngoại giao, nhưng vẫn ưu tiên các kiến thức về kinh tế, có tới 25 bài (bài số 41 - thuế khóa, các bài từ bài 56 đến bài 79) đề cập trực tiếp đến các vấn đề thuộc về kinh tế, kỹ nghệ như: 41. Thuế khóa... 56. Sản nghiệp; 57. Pháp luật bảo vệ sản nghiệp và lợi ích sản nghiệp đưa lại...
Sách này không đề tên tác giả, chắc là do một nhóm các thức giả biên soạn, nhưng chắc chắn có vai trò to lớn của Lương Văn Can vì ông là Thục trưởng và trực tiếp phụ trách ban Trước tác của trường. Trong thực tiễn hoạt động của Đông Kinh Nghĩa Thục, Lương Văn Can là người có quan điểm chấn hưng thực nghiệp rất nhất quán. Ông và các đồng chí đã mở nhiều hiệu buôn bán không chỉ ở Hà Nội mà ở các địa phương khác trong cả nước, không chỉ để lo tài chính cho trường mà như là xây dựng các “mô hình” cho cộng đồng noi theo.
Như vậy là, từ nhà nho vốn không trọng nghề buôn chỉ trọng văn chương khoa cử, Lương Văn Can đã tiếp nhận tư tưởng mới để tự thay đổi mình và tiến tới thay đổi nhận thức của cả cộng đồng, xã hội về mọi lĩnh vực, trong đó có kinh tế. Trước ông cũng đã có một một số nhà canh tân chú trọng đến đổi mới lĩnh vực kinh tế, nhất là Nguyễn Lộ Trạch, nhưng nhận thức chưa có tính hệ thống, toàn diện và nhất là họ chưa có điều kiện thực nghiệm, thực chứng nên sức thuyết phục, hấp dẫn chưa thực sự cao. Phải chăng, Đông Kinh Nghĩa Thục là một nhân tố thúc đẩy sự xuất hiện nhiều doanh nhân người Việt, góp phần hình thành giai cấp tư sản, tiểu tư sản bản địa hồi đầu thế kỷ XX?
Đến Kim cổ cách ngôn và Thương học phương châm
Từ Đông Kinh Nghĩa Thục đã nhanh chóng phát triển thành phong trào nghĩa thục khá rầm rộ trong cả nước. Nhà cầm quyền Pháp lo sợ nhận định: "Không còn là một câu chuyện hoang đường khi khẳng định rằng Đông Kinh Nghĩa Thục đã là một cái lò phiến loạn ở Bắc Kỳ" và đã ra lệnh giải tán nhà trường sau 9 tháng thành lập (12/2007).
Ngày 27/6/1908, tại Hà Nội xảy ra vụ đầu độc lính Pháp. Chính quyền Pháp bắt Lương Văn Can để điều tra nhưng không có chứng cớ buộc tội nên phải thả.
Ngày 26/4/2013, Việt Nam Quang Phục hội đánh bom khách sạn Hà Nội. Nghi ngờ nhóm Đông Kinh Nghĩa Thục cũ có liên quan, thực dân Pháp bắt giam Lương Văn Can sau đó đày biệt xứ ở Nam Vang (Campuchia) đến cuối năm 1921 mới thả ra.
Bị đày biệt xứ ở Campuchia nhưng Lương Văn Can không ngừng hoạt động. Ông đã cùng với vợ lập một đường dây xuất khẩu hàng hóa giữa Hà Nội và Nam Vang (Campuchia). Tại đây, ông thiết lập một hệ thống cửa hàng bán lẻ rất có hiệu quả. Với kinh nghiệm thực tiễn, ông không ngừng cập nhật kiến thức về kinh tế - kinh doanh, tổng kết đúc rút thành sách để phổ biến cho đồng bào. Ông có 2 quyển sách bàn về việc kinh doanh là “Thương học phương châm” và “Kim cổ cách ngôn” bàn về cách buôn bán, làm giàu và đạo đức kinh doanh đầu tiên của người Việt Nam.
Sách Thương học phương châm bàn/dạy về cách kinh doanh. Trong sách này Lương Văn Can đưa ra nhiều quan điểm rất mới về thương mại và khoa học thương mại. Ông nhận định về vai trò của nghề buôn khác hẳn với tư duy của các nhà nho xưa: “Cổ nhân thường khinh sự buôn bán là mạt nghệ, bởi vì người đời xưa trọng đạo đức mà khinh công lợi… Bấy giờ các đại quốc do thông thương mà làm được phú cường, các nhà đại tư bản do kinh thương mà phú gia địch quốc, thế thì sự buôn cũng chẳng nên câu nệ như xưa mà chẳng lưu tâm nghiên cứu”. Ông chỉ ra 10 nguyên nhân dẫn đến tình trạng thương mại Việt Nam không phát triển: Không thương phẩm; Không thương hiệu; Không có chữ tín; Không có kiên tâm; Không có nghị lực; Không biết trọng nghề; Không có thương học; Kém đường giao tiếp; Không tiết kiệm và Khinh hàng nội hóa. Sách phổ biến các kiến thức kinh doanh hiện đại như: Tư bản, Tổ chức sự buôn, Tính toán, Sổ sách, Thư từ, Thương hiệu, Thương điếm… Từ đó, tác giả cổ vũ mọi người học nghề buôn, phát triển nghề buôn để cho dân giàu nước mạnh.
Chắc vì xuất phát điểm là một nhà Nho, nhà văn hóa - giáo dục, rất chú trọng yếu tố đạo đức nên ông đã đồng thời biên soạn sách Kim cổ cách ngôn để bàn/dạy về đạo đức của người/nghề kinh doanh. Theo ông, ai cũng cần của cải nhưng của cải phải có nguồn gốc đàng hoàng, trong sáng, được làm ra trung thực, minh bạch. Của cải phải được sử dụng một cách hợp lý, tiết kiệm. Tiết kiệm cũng là một đạo đức. Buôn bán là một nghề và là nghề chân chính, lương thiện, không chỉ thu lợi và có ích cho cá nhân mà còn có ích cho cả cộng đồng, xã hội. Kinh doanh là phụng sự xã hội. Kinh doanh mà có tâm, có tín thì bền vững và phát triển.
Với hai cuốn sách này, có thể nói rằng Lương Văn Can là tác giả Việt Nam đầu tiên viết về kinh tế học hiện đại, đã trình bày một cách có hệ thống những vấn đề kinh tế, kinh doanh và đề xuất những quan điểm vừa có tính lý thuyết vừa có tính thực tiễn, thực hành sâu sắc.
Tư tưởng duy tân của Lương Văn Can vô cùng mới mẻ, toàn diện và phong phú không chỉ về chính trị, văn hóa, giáo dục mà cả về kinh tế. Để có một tư duy kinh tế sâu sắc và thực dụng như vậy là kết quả của một quá trình nghiên cứu và tổng kết thực tiễn công phu, sáng tạo của Lương Văn Can. Nhiều vấn đề ông đưa ra đã 100 năm nhưng vẫn còn thiết thực và hấp dẫn. Điều rất đáng quý nữa là, Lương Văn Can không chỉ có lý thuyết, có tư tưởng, ông là nhà yêu nước và hành động thực tiễn nhiệt thành. Ông là nhà cách mạng tài ba và kiên trung bên cạnh hai ngôi sao sáng nhất là Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu.

Với hai cuốn sách Thương học phương châm và Kim cổ cách ngôn, có thể nói rằng Lương Văn Can là tác giả Việt Nam đầu tiên viết về kinh tế học hiện đại, đã trình bày một cách có hệ thống những vấn đề kinh tế, kinh doanh và đề xuất những quan điểm vừa có tính lý thuyết vừa có tính thực tiễn, thực hành sâu sắc.

Trong Thương học phương châm, Lương Văn Can chỉ ra 10 nguyên nhân dẫn đến tình trạng thương mại Việt Nam không phát triển: Không thương phẩm; Không thương hiệu; Không có chữ tín; Không có kiên tâm; Không có nghị lực; Không biết trọng nghề; Không có thương học; Kém đường giao tiếp; Không tiết kiệm và Khinh hàng nội hóa.

Vĩnh Khánh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/thong-diep-tu-lich-su-luong-van-can-nha-kinh-te-hoc-tien-phong-415455.html