Lương Văn Can: Chấn hưng thực nghiệp, thương nghiệp

Tuy chỉ đỗ cử nhân nhưng Lương Văn Can (1854-1927) tự là Hiếu Liêm và Ôn Như hiệu là Sơn Lão đã đi vào lịch sử nước nhà là một người thầy đào tạo ra nhiều bậc chí sĩ yêu nước, nhà cách mạng, nhà văn hóa. Không những vậy, ông còn mở ra một đường lối kinh doanh cho giới doanh thương nước nhà…

Sáng lập Đông Kinh nghĩa thục

Lương Văn Can sinh ra tại làng Nhị Khê, huyện Thường Tín tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Gia đình ông tuy nghèo nhưng cha mẹ ông vẫn cầm cố đất đai để ông và em trai là Lương Ngọc Lâm theo nghiệp đèn sách. Lúc nhỏ, ông theo học cụ Tú Liêm.

Đó là một nhà nho yêu nước, sau vì hành động chống Pháp nên bị xử tử. Chính Lương Văn Can đã khẳng khái xin triều đình cho mang xác thầy về chôn và được triều đình nhà Nguyễn đồng ý.

Khi trưởng thành, ông theo học cử nhân Nguyễn Huy Đức (là học trò Tiến sĩ Vũ Tông Phan – người sáng lập Hội Hướng thiện đền Ngọc Sơn).

Tuy nền tảng kiến thức sâu rộng nhưng học tài thi phận, Lương Văn Can chỉ đỗ được cử nhân năm 20 tuổi.

Và “học vị” này về sau đã được người đương thời gọi là cụ cử Can. Đỗ cử nhân nên triều đình bổ ông làm Giáo thụ ở Hoài Đức. Ông không nhận mà về nhà mở trường dạy học.

Bối cảnh xã hội cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX ở nước ta trong giai đoạn bị Pháp đô hộ.

Trước cảnh nước mất nhà tan, các nhà nho đau đáu tìm đường cứu nước.

Lối học cử nghiệp không còn hấp dẫn và trở nên bất lực trước văn minh phương Tây.

Các nhà nho tiến bộ nhận thấy sự thất bại của nhóm cách mạng Lương Khải Siêu và Khang Hữu Vi ở Trung Quốc nên kỳ vọng canh tân theo con đường của nước Nhật. Vì vậy, căn nhà số 4 Hàng Đào của Lương Văn Can trở thành nơi tụ họp của bạn bè bốn phương.

Các nhà cách mạng như Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu từng đến đây để bàn thế sự. Và chính từ ngôi nhà số 4 và số 10 Hàng Đào lịch sử, vào tháng 3/1907 đã ra đời ngôi trường Đông Kinh nghĩa thục.

Những sáng lập viên chính của Đông Kinh nghĩa thục gồm: Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Đào Nguyên Phổ, Phan Tuấn Phong, Đặng Kinh Luân, Dương Bá Trạc, Lê Đại, Vũ Hoành, Phan Đình Đối, Phan Huy Thịnh, Nguyễn Hữu Cầu, Hoàng Tăng Bí.

Trường Đông Kinh nghĩa thục ra đời với những lớp học không thu tiền.

Lương Văn Can được tín nhiệm bầu làm Thục trưởng (Hiệu trưởng). Không chỉ Lương Văn Can mà cả gia đình ông đã cống hiến tâm sức, trí lực và tài sản cho trường.

Thậm chí, để có thêm tiền mở lớp gia đình ông phải bán tiệm buôn Quảng Bình An ở phố Hàng Ngang.

Mục đích của trường là: Nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc và chí tiến thủ của quần chúng; Truyền bá một nền tư tưởng học thuật mới và một nếp sống văn minh tiến bộ; Phối hợp hành động với các sĩ phu đã xuất dương và hỗ trợ các phong trào Đông Du của Phan Bội Châu và phong trào Duy Tân của Phan Chu Trinh đang phát triển trong cả nước.

Đông Kinh nghĩa thục nhanh chóng trở thành một phong trào và lan rộng ra nhiều tỉnh thành ở phía Bắc. Vì vậy, trong phiên họp Hội đồng quân sự Đông Dương, nhà cầm quyền Pháp đã nhận định: “Không còn là một câu chuyện hoang đường khi khẳng định rằng Đông Kinh Nghĩa Thục đã là một cái lò phiến loạn ở Bắc Kỳ”.

Vì vậy, trường hoạt động đến tháng 12/1907 thì bị đóng cửa.

Ngày 26/4/1913, Lương Văn Can bị nghi ngờ có dính líu tới vụ đánh bom tại khách sạn Hà Nội của Việt Nam quang phục hội nên ông bị bắt giam. Tháng 8/1913, tòa xét xử, ông bị lưu đày sang Nam Vang (Campuchia).

Xây nền thương nghiệp

Đông Kinh nghĩa thục ngoài đào tạo về kiến thức, khoa học phương Tây còn chú trọng thương nghiệp.

Lương Văn Can chủ trương: Thực nghiệp càng phát triển nước càng giàu.

Vai trò của thương nhân được đề cao chứ không phải đứng hàng thứ 4 trong xã hội như quan niệm phong kiến (sĩ, nông, công, thương, binh). Không chỉ tuyên truyền lý thuyết mà các nhà nho tân tiến còn bắt tay kinh doanh.

Tại Hà Nội, ông Đỗ Quang Cơ cùng một số người mở hiệu buôn Đồng Lợi Tế ở phố Mã Mây chuyên bán hàng nội, ông Vũ Hoành mở hiệu thuốc bắc Tụy Phương ở gần ga Hàng cỏ, ông Hoàng Tăng Bí và Nguyễn Quyền mở công ty Đông Thành Xương ở phố Hàng Gai vừa bán tạp hóa vừa làm công nghệ như dệt xuyến hoa Đại đóa, ướp trà.

Rồi lập tiếp Quảng Nam Hiệp thương công ty. Nguyễn Quyền lập hiệu Hồng Tân Hưng ở phố Hàng Bồ buôn bán và làm đồ sơn.

Tuy Đông Kinh nghĩa thục chỉ tồn tại mấy tháng nhưng tư tưởng chấn hưng thực nghiệp, thương nghiệp của trường đã lan rộng ra nhiều tỉnh thành.

Học tập theo các chí sĩ Đông Kinh nghĩa thục hàng loạt công ty ra đời như: Nghiêm Xuân Quảng (Hà Nội) buôn bán the lụa Thái Bình; hiệu buôn Phúc Lợi Tế ở Phúc Yên; hiệu buôn Hưng Lợi Tế ở Hưng Yên của Nguyễn Tùng Hương; hiệu buôn Sơn Thọ của Nguyễn Trác ở Việt Trì… cùng với đó là khẩu hiệu được quảng bá như “Chấn hưng nội hóa, bài trừ ngoại hóa”.

Trong quá trình bị đày biệt xứ sang Nam Vang (thủ đô của Campuchia lúc đó), Lương Văn Can không chịu bó tay ngồi yên. Ông nhận thấy nơi đây là một thị trường đầy tiềm năng và khéo xây dựng sẽ biến nơi đây thành cở sở cách mạng.

Thế là ông tìm cách liên lạc về với gia đình ở trong nước quyết định thành lập một đường dây buôn bán xuyên quốc gia. Hiệu buôn ở Nam Vang được mở mang tên Đại Thanh chuyên buôn bán các loại hàng hóa từ Việt Nam sang.

Khi đó, con gái út của Lương Văn Can là Lương Thị Trí chỉ mới 7 tuổi cũng sang Nam Vang buôn bán. Tiếp đà thành công, Lương Văn Can mở thêm hiệu Hưng Thạnh và giao cho con dâu Nguyễn Thị Hồng trông nom.

Hiệu Hưng Thạnh phát triển thành hiệu buôn lớn. Tầng trệt bán hàng tấm và tạp hóa, tầng trên đóng giày và làm mũ.

Công việc kinh doanh ở Nam Vang đem lại nguồn thu lớn và Lương Văn Can chuyển tiền về trợ giúp các chiến sĩ cách mạng trong nước.

Khi công việc kinh doanh đi vào ổn định, Lương Văn Can giao lại toàn bộ công việc cho con và bắt tay vào soạn sách. Một trong những cuốn đáng chú ý là “Thương học châm ngôn”.

Đến nay sách vẫn còn trong dạng bản thảo, được lưu giữ tại Thư viện Khoa học Trung ương và gia đình tác giả. Đây là cuốn sách bàn về buôn bán và cách làm giàu đầu tiên của Việt Nam, nên có thể coi ông là “người thầy của doanh thương Việt Nam”.

Cách đây hàng thế kỷ, nhưng tư tưởng về nền kinh tế toàn cầu được Lương Văn Can nhìn rõ, ông viết: “Đương buổi thế giới cạnh tranh này, các nước phú cường không đâu là chẳng đu tài thi sức ở trong trường thương chiến, văn minh càng tiến bộ, buôn bán càng thịnh đạt”. Và ông nhận rõ 10 nguyên nhân của giới thương nhân Việt Nam.

Thứ nhất: Không có thương phẩm. Dân ta chỉ biết sản xuất thủ công nên sản phẩm không có chất lượng cao;

Thứ hai: Không có thương hội. Người Việt buôn bán tự phát, có người nghĩ tới nhưng chưa biết cách;

Thứ ba: Không có tin thực. Hàng Tây, hàng Tàu đều có giá nhất định, buôn bán không mặc cả, còn ta cứ đua giá nhau.

Thứ tư: Không có kiên tâm. Thấy làm thất bại thì chuyển sang làm nghề khác.

Thứ năm: Không có nghị lực. Đây là đức tính vô cùng cần thiết vì công việc buôn bán xảy ra lắm bất trắc.

Thứ sáu: Không biết trọng nghề. Xã hội theo tư tưởng nho giáo xem thường nghề buôn nên không phát triển.

Thứ bảy: Không có thương học. Ông cho rằng các nước văn minh đều có trường dạy thương học.

Thứ tám: Kém đường giao thiệp. Nhà buôn ta mắc hạn chế kém giao tiếp.

Thứ chín: Không biết tiết kiệm. Vì vậy, giàu có đến mấy cũng trở nên quẫn bách. Thứ 10: Khinh nội hóa. Tư tưởng trọng ngoại nên không kích thích hàng hóa trong nước phát triển.

Lương Văn Can cho rằng nhà buôn cần có đủ “thương đức, thương tài” để cạnh tranh với tư bản nước ngoài.

Thương nhân cần phải hiểu được ý nghĩa của việc kinh doanh không nhất thiết là phải kiếm lời bằng mọi giá.

Buôn bán là nghề chân chính, lương thiện. Buôn bán không chỉ đem lại cái lợi cho cá nhân mà còn giúp ích cho cộng đồng…

Những hạn chế của đội ngũ thương nhân Việt Nam cách đây một thế kỷ theo cái nhìn của Lương Văn Can nay đã khắc phục được ít nhiều nhưng vẫn chưa đủ mạnh để có thể cạnh tranh trên trường quốc tế.

Vào thời đó, những tên tuổi như Bạch Thái Bưởi – ông vua vận tải, hay Nguyễn Sơn Hà – chủ hãng sơn vẫn còn ít ỏi và chưa thành đội ngũ để ngành thương nghiệp Việt Nam thay da đổi thịt…

Tháng 11 năm 1921, sau 8 năm bị đày, Lương Văn Can trở về Hà Nội. Ông tiếp tục soạn sách, mở trường Ôn Như.

Vợ chồng ông hết lòng vì nước nên sẵn sàng cung cấp tiền của cho chí sĩ.

Những người con của ông cũng cống hiến, hy sinh vì nước khi còn trẻ như: Lương Trúc Đàm, Lương Nghị Khanh và Lương Ngọc Quyến.

Tháng 3/1927, bà Lê Thị Lễ - vợ Lương Văn Can mất. Đến ngày 13/6/1927 thì ông mất.

Trước khi nhắm mắt, Lương Văn Can dặn con cháu: “Bảo quốc túy, tuyết quốc sỉ”, nghĩa là: Hãy giữ tinh hoa của nước, rửa nhục cho nước.

Từ Khôi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/luong-van-can-chan-hung-thuc-nghiep-thuong-nghiep-tintuc407690