'Lượng' và 'chất' của đô thị

Tỷ lệ đô thị hóa luôn được coi là thước đo sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Những quốc gia có thu nhập đầu người cao nhất thế giới, cũng là những nước mà tỷ lệ dân cư đô thị luôn ở khoảng 80%. 'Con hổ châu Á' Hàn Quốc có tỷ lệ đô thị hóa ở mức 75%. Ngược lại, tỷ lệ đô thị hóa luôn ở mức thấp với những nước nghèo, hoặc đang phát triển. Việt Nam, đang ở mức hơn 34%. Chương trình phát triển đô thị từ 2012 đến 2020, Việt Nam phấn đấu đạt tỷ lệ đô thị hóa là 45% vào năm 2020.

Thông thường, hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội của đô thị có nhiều ưu việt hơn so với nông thôn, từ những con đường trải nhựa, hệ thống chiếu sáng, thoát nước, y tế, đến công trình văn hóa... Mỗi khi ốm đau chẳng hạn, nếu ở nông thôn người ta sẽ thấy bất tiện đủ đường. Đi chữa bệnh phải di chuyển một quãng đường dài, đến một nơi "lạ nước, lạ cái". Ở quê, một ngày đẹp trời muốn ra rạp xem phim, đến nhà hát xem kịch, cũng là điều không dễ thực hiện. Điều kiện công ăn việc làm cũng thuận lợi hơn. Từ xưa, dân gian cũng đã tổng kết: "Giàu nhà quê không bằng ngồi lê thành thị". Kinh tế chính là lý do thiết thực nhất khiến dòng người từ nông thôn đổ ra thành thị không ngừng tăng lên.

Thủ đô Hà Nội vốn có tốc độ đô thị hóa cao. Gần đây, bốn huyện gồm Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức đều đã xin những ưu đãi về chính sách để "thăng hạng" lên quận vào năm 2020. Danh sách này vừa mới có thêm huyện Đan Phượng gia nhập. Đây chắc chắn sẽ là kỷ lục về tăng trưởng đô thị trong lịch sử Hà Nội. Không chịu "thua chị kém em", hàng loạt thành phố, thị xã cũng đang rậm rịch "lên đời" cho khu vực ngoại thành.

Đô thị có nhiều yếu tố ưu việt hơn nông thôn. Song, mỗi khi báo chí đưa tin một huyện nào đó chuẩn bị "lên quận", hoặc một thành phố, thị xã nào đó "mở rộng địa giới hành chính", dư luận thường đón nhận một cách khá bàng quan. Sự háo hức dường như chỉ xảy ra với giới kinh doanh nhà đất. Người ta luồn lách vào mọi ngõ ngách mua đất "đi tắt, đón đầu" các dự án. Những người buôn bán cũng hào hứng một cách thận trọng hơn. Vì dự án, rồi dân số tăng lên, thường kéo theo lượng hàng lưu thông tăng trưởng. Thậm chí, nhiều người nhìn sự "lên quận" trong ít nhiều hoài nghi.

Có người giải thích người Việt mình "chê" văn minh đô thị, là bởi người Việt mình thích "cố thủ" với cái làng. Hình như cũng có lý. Trong lịch sử đất Việt, làng vốn được như một "hằng số văn hóa". Biết bao tập tục, rồi cả quá trình giữ nước, dựng nước, đều bắt đầu từ làng. Dứt ra khỏi không gian làng, là điều không phải ai cũng sẵn sàng.

Nhưng cái tình cảm ấy, thực ra không phải là lý do chính khiến người ta từ chối hướng đến cái văn minh hơn. Những thông tin thường xuất hiện nhất trên phương tiện thông tin đại chúng về hai đô thị hàng đầu của đất nước là gì? Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều có chung những "đặc sản" là kẹt xe, vỉa hè bị lấn chiếm, còn tồn tại nhiều khu tập thể cũ nát, xuống cấp nghiêm trọng. Tất nhiên, cũng không thiếu những khu nhà lụp xụp, bẩn thỉu ngay giữa nội đô. TP Hồ Chí Minh có thêm một đặc sản không phải ai cũng muốn được trải nghiệm là ngập lụt. Hà Nội thì mưa to mới ngập, TP Hồ Chí Minh không mưa cũng vẫn ngập, nếu triều cường tăng. Gần đây, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh công bố chỉ số quan trắc ô nhiễm môi trường. Người ta được biết thêm rằng, hiếm khi người Thủ đô và người Sài Gòn được hít thở không khí trong lành.

Người nông thôn lắm khi nhìn người đô thị với cái nhìn thương cảm. Còn nhiều người đô thị, nếu không vì miếng cơm manh áo, "thoát" được khỏi thành phố là điều họ luôn mong mỏi.

Mở rộng không gian đô thị có thể đem lại nguồn thu khổng lồ cho ngân sách, nhất là từ lĩnh vực đất đai. Nhưng liệu phát triển "lượng", có đi kèm với tăng "chất"? Đô thị Việt Nam vẫn bình thản phát triển theo kiểu "vết dầu loang". Hà Nội không phải ngoại lệ. Trong khi đó, những đô thị vệ tinh - được xem như giải pháp để tháo gỡ những vấn nạn của đô thị trung tâm - lại đủng đỉnh như không cần tiến bước. Một sớm mai thức dậy, thình lình những nông dân biến thành người thành phố mà không có sự chuẩn bị nào về mặt văn hóa - xã hội. Cùng với những nan giải hạ tầng, không dễ để những thị dân non trẻ ấy đóng góp một cách tích cực ngay vào xây dựng văn hóa đô thị. Người ta có thể là những nông dân ưu tú trong không gian làng xã. Nhưng họ là những "thị dân non" khi làng lên phố. Và không phải ai khác, "thị dân non" (gồm cả người mới nhập cư) lại thêm một lần tạo nên ấn tượng không mấy tốt đẹp về đô thị.

Tập trung giải quyết những vấn nạn của đô thị hiện tại, rồi mới tính chuyện mở rộng, hay tiếp tục phát triển đô thị kiểu "vết dầu loang" với tốc độ ngày một nhanh hơn? Nếu không có câu trả lời thích đáng, người dân vẫn thích "cố thủ" với ngôi làng, và không mấy thiện cảm với tiến trình "lên phố".

TUỆ MINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/38280802-luong-va-chat-cua-do-thi.html