Lương tối thiểu vùng năm 2020: Có đảm bảo mức sống tối thiểu?

Hôm nay (14/6), Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ có phiên họp đầu tiên bàn về phương án tăng lương tối thiểu vùng (LTTV) năm 2020.

Các chuyên gia lao động dự báo mùa đàm phán năm nay sẽ có những phiên họp rất “nóng” và quyết liệt giữa đại diện các bên về điều chỉnh tăng mức LTTV năm 2020 đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động (NLĐ).

Lương tối thiểu vùng phải tăng tối thiểu 7,7%

Nghị quyết số 27 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng về cải cách chính sách tiền lương đã nêu rõ về tiền lương đối với khu vực DN. Theo đó, thực hiện điều chỉnh tăng mức LTTV phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội, khả năng chi trả của DN để đến năm 2020 mức lương tối thiểu đảm bảo mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ.

Thông tin về việc thực hiện mức LTTV năm 2019 tăng trung bình 5,3% cho 4 vùng, một đại diện Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết: Các DN, nhất là DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), công ty lớn đều tuân thủ nghị định của Chính phủ quy định mức LTTV 2019.

Người lao động làm việc tại khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh rút tiền lương qua thẻ ATM. Ảnh: Phạm Hùng

Người lao động làm việc tại khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh rút tiền lương qua thẻ ATM. Ảnh: Phạm Hùng

Trả lời câu hỏi về mức LTTV năm 2020 sẽ tăng lên bao nhiêu phần trăm để đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ, Phó Trưởng ban Lê Đình Quảng phản hồi: “Với cách tính của Tổng Liên đoàn năm ngoái, năm nay mức LTTV tăng khoảng 7% mới đạt được 100%. Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng đã đặt ra mục tiêu đến năm 2020 LTTV đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ nên tôi nghĩ tăng mấy phần trăm không quan trọng bằng xác định được mức sống tối thiểu”.

Trong khi ấy, TS Nguyễn Hữu Dũng – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động – Xã hội (Bộ LĐTB&XH), đã có nhiều năm nghiên cứu về chính sách tiền lương, đưa ra quan điểm: Về nguyên tắc, phương án tăng LTTV phải đảm bảo đủ phần thiếu hụt nhu cầu sống tối thiểu.

Theo mục tiêu Đề án Cải cách chính sách tiền lương hiện hành, mức tăng LTTV đạt được vào năm 2020 là khoảng 8,7%, cộng với bù trượt giá ở mức khoảng 4% và mức tăng GDP 6,6% - 6,8% như kế hoạch Quốc hội thông qua thì mức tăng tiền LTTV năm 2020 phải là 12,7%. Nhưng với mức tăng này là khá cao so với năm 2019 (gấp 2,4 lần). Phương án lùi thấp nhất có thể tăng 7,7% (trong đó bù trượt giá là 4% và bù thiếu hụt đảm bảo mức sống tối thiểu là 3,7%).

Nếu theo phương án này, sẽ phải lỗi hẹn mục tiêu bảo đảm nhu cầu mức sống tối thiểu vào năm 2020. Như vậy, có thể đến năm 2021, thậm chí đến năm 2022 mới về đích LTTV đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ.

Băn khoăn cách tính mức sống tối thiểu

Một trong những vấn đề được các chuyên gia bàn luận nhiều trong việc thương lượng tăng LTTV năm 2020 đó chính là xác định nhu cầu sống tối thiểu. Nó bao gồm nhu cầu về lương thực, thực phẩm được tính trên 45 mặt hàng thiết yếu bảo đảm 2.300 Kcalo/ngày, nhu cầu phi lương thực, thực phẩm của bản thân NLĐ; chi phí nuôi con bằng 70% chi phí của NLĐ. Vì không có công thức chung nên thời gian qua, đại diện cho các bên luôn tranh luận gay gắt về cách xác định nhu cầu sống tối thiểu.

Chẳng hạn, năm ngoái, bộ phận Kỹ thuật Hội đồng tiền lương quốc gia xác định tỷ lệ lương thực, thực phẩm là 48%; phi lương thực, thực phẩm 52%. Trong khi đó, Tổng Liên đoàn đề nghị tỷ lệ lương thực, thực phẩm 45%; phi lương thực, thực phẩm 55%. Với cách tính nhu cầu sống tối thiểu của hai bên theo các tỷ lệ khác nhau đã chênh tới 300.000 đồng. Vì thế, Tổng Liên đoàn rất mong muốn có một cơ quan Nhà nước có thẩm quyền như Tổng cục Thống kê đưa ra các tiêu chí rõ ràng để các thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia thảo luận về mức sống tối thiểu.

Để giải quyết vấn đề này, nguyên thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia Vũ Quang Thọ cho biết, năm 2018, Viện Công nhân - Công đoàn đã đề xuất với Tổng Liên đoàn, Thủ tướng Chính phủ mời Viện Dinh dưỡng làm trung gian đi khảo sát và công bố cách xác định nhu cầu sống tối thiểu. Sau đó hai bên gồm Tổng Liên đoàn và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nỗ lực thực hiện những khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng.

Nhưng đến thời điểm này, chưa có tổ chức độc lập nào đứng ra công bố về mức sống tối thiểu. Theo ông Vũ Quang Thọ, trong những năm qua, Hội đồng tiền lương quốc gia đã có nhiều nỗ lực để tiền LTTV gần đạt bằng mức sống tối thiểu. Nhưng đến thời điểm này, đời sống của công nhân trong các khu công nghiệp vẫn rất khó khăn.

Vì thế, các chuyên gia và NLĐ rất kỳ vọng vào những phiên họp của Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ đạt được mức tăng LTTV 2020 đảm bảo mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ. Để LTTV là yếu tố, động lực góp phần nâng cao năng suất lao động.

Oanh Trần

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/luong-toi-thieu-vung-nam-2020-co-dam-bao-muc-song-toi-thieu-345554.html