Lương tối thiểu vùng năm 2019: Những cơ sở để Tổng LĐLĐVN đề xuất mức tăng 8%

Qua 2 phiên họp của Hội đồng Tiền lương Quốc gia (HĐTLQG) năm 2018, vẫn chưa có kết quả cuối cùng, do các bên đề xuất mức điều chỉnh tiền lương tối thiểu (LTT) năm 2019 còn có khoảng cách khá lớn.

CNLĐ tại các doanh nghiệp đang mong mỏi có được mức điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2019 phù hợp để họ yên tâm làm việc, sinh sống. Ảnh: QUẾ CHI

Đại diện người sử dụng lao động (NSDLĐ) đề xuất tăng 2% sau đó đề nghị tăng 4%, Tổng LĐLĐVN đề xuất tăng 8%. Các bên về căn bản đã dựa vào mức sống tối thiểu của NLĐ và lộ trình điều chỉnh tăng LTT theo tinh thần của Nghị quyết số 27 ngày 21.5.2018 về việc quy định năm 2020 bảo đảm tiền LTT bằng mức sống tối thiểu. Bài viết này muốn làm rõ hơn những luận cứ khách quan và chủ quan của Tổng LĐLĐVN trong việc đề xuất làm căn cứ.

Trước hết số liệu về mức chi phí cho lương thực, thực phẩm (LTTP) và phi LTTP trong rổ hàng hóa khi tính mức sống tối thiểu của NLĐ. Đây là những số liệu rất quan trọng làm tiền đề cho việc đề xuất các mức LTT năm 2019. Nhưng số lượng các hàng hóa trong rổ hàng hóa lại tương đối ổn định, cho phép sử dụng kết quả khảo sát ở một năm gần đây, xác định số lượng và cơ cấu các hàng hóa sau đó điều chỉnh bởi các yếu tố tác động.

Thực tế khi dự báo mức sống tối thiểu năm 2019, kế thừa kết quả tính toán năm 2016, hình như bộ phận kỹ thuật thuộc HĐTLQG đã lúng túng trong việc điều chỉnh. Thay vì tính thêm phần trượt giá và một phần tăng trưởng kinh tế để tính mức sống tối thiểu, thì bộ phận kỹ thuật chỉ tính phần bù mức trượt giá mà bỏ quên công sức đóng góp của NLĐ vào tăng trưởng hằng năm.

Chúng tôi cho rằng, cách làm như vậy sẽ gây những sai lệch về số liệu thống kê, tạo ra những sai số cho kết quả phân tích. Thành thử, sau 3 năm, mức sống tối thiểu vùng I năm 2019 chỉ tăng hơn năm 2016 là 11,5%. Hơn nữa, phần chi cho LTTP không những không tăng, mà còn giảm bớt, giá trị rổ hàng hóa LTTP năm 2014 là 724.000đ/tháng, đến năm 2018 chỉ còn 640.000đ (?). Đây là kết quả thiếu thuyết phục, gây hoài nghi cho các bên trong HĐTLQG. Bên đại diện cho tập thể CNLĐ rất băn khoăn và bày tỏ sự thiếu tin tưởng với số liệu này.

Thứ hai, theo quy luật chung của tất cả các nền kinh tế phát triển và đang phát triển trên thế giới, xã hội càng tiến bộ, càng văn minh, phần chi cho LTTP của người dân giảm đi, phần chi cho hàng hóa phi LTTP sẽ tăng lên tương ứng. Trong cơ cấu tiền lương và thu nhập, người ta phải dành và tiêu dùng đúng, đủ số tiền để tạo ra lượng calo tối thiểu cần thiết, duy trì những hoạt động của con người (khoảng từ 2.000 - 2.500 kCalo/ngày).

Phần còn lại trong tiền lương và thu nhập, con người dành chi cho đi lại, giáo dục, văn hóa, vui chơi, giải trí và những hàng hóa phi LTTP khác, góp phần làm giàu thêm đời sống văn hóa tinh thần của NLĐ. Vì vậy, phần chi cho LTTP đang giảm dần, tương ứng là phần chi cho phi LTTP tăng lên. Theo Tổng cục Thống kê, năm 1995, tỉ lệ chi cho tiêu dùng LTTP nước ta là 60,86%, năm 2000 giảm xuống còn 47,9% thì đến năm 2005, tỉ lệ này chỉ chiếm 42,5%.

Thứ ba, trong thống kê mức sống dân cư và mức sống tối thiểu của NLĐ, chúng ta thừa nhận rằng, đây là 2 kết quả tính toán có những điểm chung, nhưng dứt khoát mức sống của NLĐ hưởng lương có cơ cấu tiến bộ hơn. Điều này cũng đồng nghĩa với phần chi phí cho LTTP của NLĐ giảm và phần chi phí cho phi LTTP tăng lên so với xu hướng chi tiêu trung bình mức sống dân cư. Vì hầu hết NLĐ đang sống ở các vùng đô thị hoặc ngay sát các đô thị tập trung.

Số đông trong NLĐ đang có khó khăn về nhà ở, hộ khẩu (thường trú), nên họ đang phải chi phí cao hơn khi sử dụng dịch vụ y tế, học tập và các dịch vụ khác. Tất cả những chi tiết đó cũng khẳng định rằng, phần chi cho hàng hóa phi LTTP của NLĐ tăng lên. Cũng là vì lý do đó mà Tổng LĐLĐVN đề xuất phần chi cho LTTP là 45%; phần chi cho phi LTTP là 55% trong cơ cấu chi tiêu tối thiểu của NLĐ là hợp lý.

Ngoài ra, việc đưa ra chỉ số giá tiêu dùng (CPI) với gần 500 mặt hàng để xác định mức sống tối thiểu và tính năng suất lao động xã hội, tăng trưởng kinh tế của nền kinh tế (cả nông nghiệp) áp đặt cho lao động hưởng lương là chưa thỏa đáng. Do đó, cần xác định mức tăng chỉ số CPI cho các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu mà NLĐ đang sử dụng hằng ngày; tính toán mức tăng trưởng kinh tế, năng suất lao động ở các ngành công nghiệp và dịch vụ mà đông đảo NLĐ hưởng lương tham gia để làm căn cứ đề xuất mức điều chỉnh phù hợp.

Đây là những lý do để Tổng LĐLĐVN đề xuất điều chỉnh mức LTT năm 2019 phải tăng là 8%. Những số liệu trên được dẫn ra nhằm khẳng định lại một lần nữa: Đề xuất trên của Tổng LĐLĐVN là xuất phát từ thực tiễn, từ cuộc sống, đồng thời đây cũng là những mong muốn, bức xúc, mà hơn chục triệu CNLĐ làm việc trong các doanh nghiệp hiện nay đòi hỏi. Điều chỉnh tiền LTT không chỉ là những con số, mà cao hơn, là lòng dân, quy tụ sự đồng thuận của số đông, tạo ra sức mạnh của dân tộc.

PGS-TS VŨ QUANG THỌ (Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn)

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cong-doan/luong-toi-thieu-vung-nam-2019-nhung-co-so-de-tong-ldldvn-de-xuat-muc-tang-8-622572.ldo