Lương tối thiểu vùng năm 2018 tăng 6,5%, đã thực sự thỏa mãn?

Sau hai phiên họp, sáng nay (7/8), Hội đồng tiền lương quốc gia đã chính thức chốt mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 là tăng 6,5%. Tuy nhiên, cả hai bên đều không thực sự hài lòng với kết quả này.

Theo đó, Hội đồng tiền lương quốc gia đã đưa ra phương án cuối cùng là tăng 6,5% (từ 180.000 đồng đến 230.000 đồng) đưa tiền lương lần lượt từ vùng I đến vùng IV là 3,98 triệu; 3,53 triệu; 3,09 triệu và 2,76 triệu đồng.

Trước đó, tại phiên họp thứ nhất ngày 26/7 tại Đồ Sơn (Hải Phòng), Tổng liên đoàn lao động Việt Nam (LĐLĐ VN) đề xuất mức 13,3%, còn VCCI đề xuất không tăng.

Tại cuộc họp lần 2, hôm 28/7 tại Hà Nội, mức đề xuất đã thu hẹp lại với 3%. Tổng LĐLĐ VN đề xuất tăng 8% và VCCI đề xuất tăng 5%.

Theo ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động - Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia cho biết, trong cuộc họp sáng nay, Hội đồng đã đưa ra hai phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 là tăng trung bình 6,5% và 7% để bỏ phiếu.

Kết quả bỏ phiếu có 6/14 thành viên hội đồng chọn phương án tăng 7%, 8/14 thành viên hội đồng chọn phương án tăng 6,5%. Do đó, hội đồng quyết định lựa chọn phương án tăng 6,5% để trình lên Chính phủ.

Đến phiên họp thứ 3 Hội đồng tiền lương quốc gia đã chốt được phương án tăng lương cuối cùng.

Đến phiên họp thứ 3 Hội đồng tiền lương quốc gia đã chốt được phương án tăng lương cuối cùng.

Ông Diệp cũng cho biết, việc có sự “vênh” nhau trong đề xuất tăng lương của đại diện người lao động và doanh nghiệp là bình thường. Về phía người lao động luôn mong muốn cải thiện lợi ích tiền lương cao nhất. Trong khi đó, doanh nghiệp mong muốn giảm chi phí, tăng lợi nhuận và tích lũy phục vụ sản xuất, tạo giá trị thăng dư.

Theo ông, việc xác định mức sống tối thiểu cần dựa trên nhu cầu lương thực thực phẩm và phi lương thực thực phẩm. Hai bên đều có phương án tính toán về mức sống tối thiểu riêng của mình.

“Tuy nhiên, sự chênh lệch giữa lương tối thiểu và mức sống tối thiểu là vấn đề chung của các quốc gia. Ngay cả ở châu Mỹ, lương tối thiểu vẫn chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu”, ông Doãn Mậu Diệp cho biết.

Mức tăng chưa thực sự thỏa mãn

Với phương án này, đại diện cho người sử dụng lao động, ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN cho biết, chưa thỏa mãn mới mức tăng này.

Tuy nhiên, ông Chính nói: "Với mức tăng 6,5% thì lộ trình tăng lương tối thiểu đáp ứng mức sống tối thiểu có thể phải kéo dài đến sau năm 2020. Mức tăng này thể hiện sự chia sẻ rất lớn của người lao động với doanh nghiệp".

Còn phía đại diện cho người sử dụng lao động, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) cho biết là cũng chưa hài lòng với kết quả này.

"Việc tăng lương tối thiểu giúp tăng mức sống của người lao động nhưng cần phải đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển và có sức cạnh tranh" - Ông Phòng nói.

Mức đề xuất này thực tế đã vượt khả năng chi trả của doanh nghiệp, trong khi đang cần phải tạo “dư địa” cho doanh nghiệp có cơ sở phát triển bền vững và cạnh tranh.

Ông cho biết, “VCCI mong muốn người lao động phải phấn đấu hơn trong công việc, nâng cao trình độ tay nghề, kỷ luật lao động và năng suất lao động. Qua đó có thêm tiền thưởng về năng suất lao động, thưởng cải tiến kỹ thuật, chế độ phúc lợi xã hội khác mà chủ doanh nghiệp mang lại. Chỉ có sự cố gắng của 2 bên thì mức sống của người lao động mới có thể tăng lên được”.

Cần nâng cao mức sống cho người lao động

Liên quan đến mức thu nhập cũng như chất lượng nguồn nhân lực nước ta, ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ KHCN) cho biết, từ năm 2011 đến nay, tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam đạt khoảng 4,5%/năm.

So với các nước trong khu vực, đơn cử như Thái Lan, Philippines và Indonesia, chúng ta có cao hơn một chút, nhưng so với các nước trong khu vực thì vẫn đang thấp hơn nhiều.

Còn theo PGS-TS Ngô Trí Long - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) - để tạo điều kiện cho người lao động có thể nâng cao tay nghề, doanh nghiệp cần đảm bảo mức sống để người lao động có phần chi phí đầu tư cho học tập, tập huấn.

Đồng thời cũng phải đầu tư công nghệ, máy móc phù hợp, đồng bộ. Bởi, nếu NLĐ có tay nghề cao, nhưng thao tác trên phương tiện lao động cũ kỹ, lạc hậu, cũng không thể nâng cao năng suất. Thực tế cho thấy, đời sống của NLĐ đang rất khó khăn, do đó muốn lôi kéo và tạo sự đồng thuận cần phải cải thiện đời sống cho NLĐ.

Nguồn lao động cần được nâng cao tay nghề.

Hiện, mức lương tối thiểu vùng đang được áp dụng như sau: Mức 3.750.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I. Mức 3.320.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II.

Mức 2.900.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III. Mức 2.580.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.

P.V (tổng hợp theo Dân Trí, Lao Động, VNE)

Pháp luật Net

Nguồn Pháp Luật Net: http://phapluatnet.vn/tin-trong-nuoc/luong-toi-thieu-vung-nam-2018-tang-6-5-da-thuc-su-thoa-man