Lương tối thiểu vùng 2019: Đại diện người sử dụng lao động đã đưa ra mức tăng 2%

Đại diện người sử dụng lao động – Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng 2019 là 2% thay cho đề xuất không tăng lương trước đó - Đây là diễn biến đáng chú ý tại phiên họp thứ 2 của Hội đồng tiền lương quốc gia về tăng lương tối thiểu vùng năm 2019.

Trước đó tại phiên họp lần thứ nhất (diễn ra ngày 9-7), Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 là 8% (từ 220.000 -330.000 đồng/tháng). Trong khi phía VCCI đề xuất không tăng lương tối thiểu vùng trong năm 2019 để tạo điều kiện cho doanh nghiệp bồi dưỡng sức doanh, nâng cao năng lực chi trả, dùng các kinh phí nếu có cho việc đào tạo, nâng cao năng lực tay nghề cho người lao động, đáp ứng yêu cầu công việc, tăng năng suất lao động, từ đó tiếp tục tăng lương tối thiểu trong thời gian tới.

Thông tin về đề xuất tăng 2% tại phiên họp lần này, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam cho biết là nhằm bảo đảm hài hòa giữa đời sống người lao động và hoạt động của doanh nghiệp.

“Trước đó, khu vực doanh nghiệp đã phải chi phí cho tăng lương tối thiểu 2018: “Từ ngày 1-7, lương cơ sở dành cho công chức, viên chức trong khu vực công đã tăng thêm 90.000 đồng (từ 1.300.000 lên 1.390.000 đồng). Trong khi trước đó 7 tháng, từ ngày 1-1-2018, lương tối thiểu của khu vực doanh nghiệp đã tăng thêm từ 180.000 - 230.000 đồng. Việc điều chỉnh mức đề xuất 2% đã phần nào tính tới sự cân đối giữa đảm bảo năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cải thiện chất lượng việc làm, tạo thêm nguồn việc làm mới”, ông Hoàng Quang Phòng nói.

Phiên họp thứ 2 Hội đồng tiền lương quốc gia.

Đại diện đàm phán của VCCI cũng cho hay, mức đề xuất điều chỉnh 2% đã phải vượt qua nhiều quan điểm trái chiều. “Trước phiên đàm phán này, nhiều Hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước đã gửi kiến nghị đề xuất không điều chỉnh lương tối thiểu vùng 2019, như: Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc, Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam...”.

Trong khi đó, quan điểm của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam – đại diện cho người lao động tại phiên đàm phán lần thứ 2 vẫn đề xuất mức tăng 8%. Theo ông Vũ Quang Thọ - thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia, Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn (Tổng LĐLĐ VN) có 3 lý do để Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam bảo vệ quan điểm giữ nguyên đề xuất tăng 8 %.

“Lý do thứ nhất là mức trượt giá hiện nay đã gần 4% vì vậy việc điều chỉnh lương tối thiểu không thể ở mức 2% như đề xuất của VCCI. Vì nếu như vậy, người lao động chưa thể giải quyết được bài toán chi phí sinh hoạt tối thiểu cho mình và gia đình.

Thứ 2, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2018 ước tính tăng hơn 7,0% so với cùng kỳ năm trước. Đây là kết quả đáng ghi nhận trong nhiều năm qua. Kết quả cao như vậy một phần do công sức đóng góp của người lao động. Giới chủ cũng cần để người lao động được hưởng thành tựu về phát triển kinh tế.

Thứ 3 là việc tuân thủ lộ trình của Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương, theo đó: Việc điều chỉnh mức lương tối thiểu đáp ứng mức sống tối thiểu vào năm 2020. Nếu chúng ta không duy trì mức tăng 8% cho năm 2019, sang năm 2020, tỉ lệ tăng lương tối thiểu sẽ phải rất cao để thực hiện lộ trình đã nêu của Nghị quyết Trung ương. Đây là điều mà VCCI nên cân nhắc” - ông Vũ Quang Thọ nói.

Đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng bày tỏ băn khoăn về cách tính mức sống tối thiểu để làm căn cứ tính lương tối thiểu 2019. “Sự chưa đồng thuận của các bên ở chỗ, giá cả thị trường tăng theo năm nhưng việc xây dựng “rổ hàng hóa” với định lượng 54 mặt hàng thiết yếu trong cuộc sống lại giảm đi” - ông Lê Đình Quảng -Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) nhận định. Cụ thể, nếu như năm 2016, bộ phận kỹ thuật tính mức giá của "rổ hàng hóa" là 660.000 đồng. Nhưng trước đó, cùng các tiêu chí và định lượng như vậy nhưng "rổ hàng hóa" của năm 2014 lại là 720.000 đồng.

Cũng theo ông Lê Đình Quảng, bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tiền lương quốc gia đang tính chi phí lương thực chiếm 48%, năng lượng và giáo dục là 52 %. Tuy nhiên chi phí về lương thực quá cao. Vì đời sống đang càng lên cao, nhu cầu phi lương thực ngày càng lớn chứ không thể dừng ở mức 52 % được.

Với sự chênh lệch khoảng cách trong đề xuất giữa các bên, Hội đồng tiền lương quốc gia vẫn chưa chốt mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2019. Các bên sẽ chuẩn bị cho phiên đàm phán thứ 3.

39 % người lao động chi tiêu tằn tiện và không đủ sống

Trước đó, từ tháng 4 đến tháng 6-2018, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tiến hành khảo sát các vấn đề liên quan đến việc làm, tiền lương, chi tiêu tại 25 tỉnh, TP, ngành Trung ương có đông lao động công nghiệp, dịch vụ, đại diện các loại hình doanh nghiệp và vùng lương. Kết quả khảo sát cho thấy, lương cơ bản trung bình năm 2018 đã cao hơn lương tối thiểu 39,8%, vùng I cao hơn 36,6%, vùng II cao hơn 27,9%, vùng III cao hơn 39,3% và vùng IV cao hơn 44,7%.

Tuy nhiên, qua khảo sát cũng còn một bộ phận người lao động nhận được mức lương cơ bản thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, cụ thể vùng I là 2,35%, vùng II là 10,87%, vùng III là 3,34% và vùng 4 là 4,45%. So sánh thu nhập với chi tiêu của người lao động và gia đình, chỉ có 17,4% người lao động có dư dật và tích lũy; 43,7% cho biết vừa đủ trang trải cho cuộc sống; 26,5% phải chi tiêu tằn tiện và kham khổ; 12,5% cho biết thu nhập không đủ sống. Tiền lương đã tăng thêm nhưng người lao động vẫn còn rất khó khăn để trang trải cuộc sống. Tỷ lệ người lao động phải chi tiêu “tằn tiện, kham khổ” tăng lên 5,8%. Nhiều người lao động buộc phải làm thêm để có thêm thu nhập trang trải.

Thanh Hải

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/luong-toi-thieu-vung-2019-dai-dien-nguoi-su-dung-lao-dong-da-dua-ra-muc-tang-2-119434.html