Lương tối thiểu tăng khắp Đông Nam Á

Mức lương tối thiểu của công nhân tại các nhà máy ở Đông Nam Á đang tăng khá nhanh nhưng xu hướng này có thể gây trì trệ dòng vốn đầu tư của nước ngoài khi khu vực này mất đi lợi thế thu hút đầu tư nước ngoài có chi phí nhân công thấp.

Mức tương tối thiểu của công nhân ngành may mặc và giày dép ở Campuchia tăng nhanh trong những năm gần đây. Ảnh: Reuters

Nhiều nước Đông Nam Á tăng lương tối thiểu

Lương tối thiểu khắp các nước Đông Nam Á đang dần tăng để bắt kịp với chi phí sinh hoạt ngày càng gia tăng đồng thời giúp thúc đẩy nhu cầu mua sắm trong khu vực. Một số nước Đông Nam Á tăng lương tối thiểu để ngăn ngừa các vụ đình công của người lao động khi giá cả hàng hóa gia tăng. Tờ Nikkei Asian Review cho biết đầu năm nay, chính phủ Campuchia đã nâng lương tối thiểu cho công nhân làm việc trong ngành dệt may và giày dép lên 170 đô la/tháng, tăng 11% so với năm trước và tăng gần gấp đôi so với mức 100 đô la/tháng vào năm 2014.

Đảng cầm quyền Nhân dân Campuchia của Thủ tướng Hun Sen đang nỗ lực tăng lương cho công nhân để giành được sự ủng hộ của họ trong các cuộc bầu cử. Hồi tháng 3, ông Hun Sen nói rằng chính phủ sẽ tăng lương tối thiểu của công nhân lên mức 250 đô la Mỹ vào năm 2023, tức ngang mức lương tối thiểu hiện nay ở Malaysia, một trong những nền kinh tế phát triển nhất ở Đông Nam Á. Trong khi đó, tại Myanmar, kể từ tháng 5-2018, mức lương tối thiểu của người lao động đã tăng lên mức 4.800 kyat (3 đô la) cho mỗi ngày làm việc 8 tiếng, cao hơn 33% so với năm ngoái.

Lãi cơ bản tăng ở Mỹ đang khiến tiền tệ của các nền kinh tế mới nổi suy yếu. Người dân ở các nước phụ thuộc vào nhập khẩu như Myanmar đang kêu gọi chính phủ trả lương cao hơn để giúp bù đắp cho chi phí đang gia tăng của các nhu yếu phẩm hàng ngày. Lào, một trong những nước nghèo nhất ở khu vực Đông Nam Á, cũng đang đối mặt với tình huống tương tự. Chính phủ Lào đã tăng mức lương tối thiểu thêm 22% lên mức 130 đô la/tháng trong năm nay, gấp 3 lần so với năm 2012 khi đồng kíp suy yếu, đẩy tăng giá cả hàng hóa nhập khẩu. Một lý do khác khiến Lào tăng lương tối thiểu: ngăn ngừa nguy cơ công nhân sang nước khác làm việc để có mức lương cao hơn.

Để thực hiện cam kết trong cuộc vận động tranh cử của Thủ tướng Mahathir Mohamad, chính phủ Malaysia dự kiến tăng lương tối thiểu trên toàn quốc vào tháng 1-2019 lên mức 1.050 ringgit (251 đô la)/tháng. Theo kế hoạch, đến năm 2023, mức lương tối thiểu ở Malaysia sẽ tăng lên mức 1.500 ringgit (358 đô la)/tháng.

Hồi tháng 4, Ủy ban Tiền lương trung ương Thái Lan quyết định nâng mức lương tối thiểu lên mức 308-330 baht (9,2-9,9 đô la)/ngày tùy theo tỉnh.

Đầu tư nước ngoài có thể trì trệ

Lương tối thiểu tăng cao hơn sẽ giúp thúc đẩy sức mua của người tiêu dùng ở Đông Nam Á nhưng nếu mức tăng lương vượt nhanh hơn với mức tăng giá hàng hóa và mức tăng trưởng kinh tế, điều này có thể làm teo tóp lợi nhuận của các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động ở các nước Đông Nam Á, khiến họ giảm đầu tư.

Kết quả cuộc khảo sát các công ty Nhật hoạt động ở châu Á và châu Đại Dương, do Tổ chức xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (JETRO) thực hiện, cho thấy 40% nói rằng họ dự báo lợi nhuận hoạt động sẽ suy giảm trong năm 2018, một phần là do chi chí nhân công tăng.

Koji Kobayashi, nhà kinh tế cao cấp của Viện nghiên cứu Mizuho (Nhật Bản), nhận định mức lương tối thiểu tăng nhanh ở Đông Nam Á có thể khiến đầu tư ở các ngành sử dụng nhiều lao động rơi vào trì trệ. Năm ngoái, Công ty sản xuất tóc giả Artnature (Nhật Bản) đã phải bán một nhà máy chỉ mới vận hành 3 năm ở Campuchia cho một doanh nghiệp Hồng Kông. Chi phí nhân công tăng là một trong những yếu tố dẫn đến quyết định bán nhà máy.

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/280942/luong-toi-thieu-tang-khap-dong-nam-a.html