Lương thấp, vất vả, cô giáo mầm non quyết định nghỉ việc dù đã vào biên chế

Trong khi nhiều người chấp nhận dạy hợp đồng hàng chục năm với đồng lương bèo bọt để 'mai phục' vào biên chế, thì cô Hoàng Kim Anh lại có một quyết định bất ngờ. Năm học mới này, cô sẽ rời bục giảng dù thi đỗ viên chức ngành giáo dục 1 năm nay.

Áp lực công việc, lương thấp, cô giáo Hoàng Kim Anh quyết định viết đơn nghỉ việc. Ảnh: NV

“Tiếc, nhưng không thể cố…”

Đó là chia sẻ của Hoàng Kim Anh (SN 1994, giáo viên Trường Mầm mon Pác Miau huyện Bảo Lâm, Cao Bằng) với phóng viên, sau khi lá đơn xin nghỉ việc của cô gây “bão mạng” những ngày qua.

Để đưa ra được quyết định này, Kim Anh đã đắn đo rất nhiều, vượt qua sự phản đối của gia đình. Vì nói như mẹ cô: “Nhiều giáo viên nỗ lực bao nhiêu năm còn không vào được biên chế, vậy mà con gái vào được rồi, nay lại đi bỏ việc”.

“Tôi cũng tiếc lắm. Năm 2015, sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Cao Bằng, tôi từng đi làm nhiều công việc khác nhau từ nhân viên kinh doanh, đến việc bán hải sản, đặt tráp ăn hỏi… Năm 2016, địa phương có đợt thi tuyển viên chức. Tôi đăng ký tham gia và đỗ, được phân công vào làm việc tại huyện Bảo Lâm. Năm đó, có vài trăm người thi, chỉ mình tôi được.

Vì thế khi biết tôi định nghỉ, các anh chị đồng nghiệp động viên nhiều lắm, vì tiếc cho tôi. Phòng tổ chức cũng gọi cho tôi khuyên nhủ và nói sẽ cho thời gian để suy nghĩ lại, mong tôi quay lại trường tiếp tục cống hiến cho ngành.

5.9 là ngày khai giảng, dù rất nhớ bọn trẻ, nhưng tôi quyết định không trở lại trường. Tôi cũng tiếc, nhưng không cố được nữa…” – Kim Anh nghẹn ngào.

Hoàng Kim Anh quyết định viết đơn xin nghỉ việc sau một năm vào biên chế của ngành giáo dục. Ảnh: NV

Phải yêu nghề mới làm được giáo viên?

Cô giáo trẻ trải lòng, hơn một năm qua cô đã thấu hiểu được nỗi vất vả của những giáo viên mầm non, nhất là những người đang công tác ở những điểm trường miền núi, vùng khó khăn. Đi lại vất vả, cuộc sống còn thiếu thốn đủ thứ.

"Tôi thấy công việc của một giáo viên mầm non thật sự áp lực. Sáng đến lớp từ 7 giờ, lau dọn lớp học, thay quần áo bẩn cho các cháu cũng hết thời gian rồi.

Đến trưa thì xếp bàn ra cho trẻ ăn cơm, ăn xong rồi lại lau dọn dẹp bàn, quét lớp, lau lớp. Rồi dỗ cho trẻ ngủ. Các con ngủ nhưng giáo viên có được ngủ đâu, phải thức trông vì sợ trẻ bị làm sao. Sau đó lại cho các con dậy ăn chiều, ăn xong lại lau dọn. Làm quần quật đến 5 giờ chiều, lau dọn lớp sạch sẽ thì mới được về.

Rồi các con lỡ bị làm sao, phụ huynh lại trách mắng. Có đồng nghiệp của tôi còn bị phụ huynh kiện vì dọa con họ rằng sẽ không cho ăn cơm vì cháu quá nghịch” - Kim Anh kể.

Áp lực, luôn chân luôn tay suốt 10 tiếng/ngày, Kim Anh nhận lại 4,3 triệu đồng/tháng, số tiền mà theo cô chỉ đủ chi phí cho bản thân.

“Gia đình tôi không khá giả lắm, phải nuôi em ăn học và phụ giúp mẹ, nên với đồng lương này tôi không lo nổi cho mọi người. Trên này cái gì cũng đắt đỏ, tiền nhà thuê đã mất 800.000 đồng/tháng, rồi sinh hoạt phí, ăn uống. Đấy là tôi còn thi đỗ được vào biên chế, chứ với các giáo viên dạy hợp đồng, lương chỉ hơn 2 triệu mà công việc cũng vậy, chẳng bớt đi phần nào.

Nơi tôi công tác còn có hai anh chị cùng làm giáo viên, rồi yêu nhau, xây dựng gia đình. Đến ngày đưa vợ đi sinh, anh còn phải vay tiền ngân hàng, vì đồng lương ít ỏi của anh chị chỉ đủ chi tiêu hằng ngày.

Yêu nghề là một chuyện, còn cơm áo gạo tiền nữa chứ. Vì thế tôi quyết định bỏ việc để ra ngoài làm, có thể là kinh doanh hay một công việc nào khác" - Kim Anh chia sẻ.

Cũng theo Kim Anh, nghề giáo phải thật sự yêu thì mới làm được. Cô thừa nhận: "Có lẽ tình yêu của tôi với nghề giáo chưa đủ lớn. Dù rất thương trẻ, nhưng thương thôi chưa đủ”.

Đặng Chung

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/luong-thap-vat-va-co-giao-mam-non-quyet-dinh-nghi-viec-du-da-vao-bien-che-563049.ldo