Lương thấp 'nảy mầm' tham nhũng, quan liêu

Các chuyên gia tham dự Hội thảo khoa học 'Bối cảnh và khả năng cải cách tiền lương' yêu cầu tinh giản biên chế để cải cách tiền lương vì 'lương thấp là mảnh đất cho tình trạng quan liêu, tham nhũng có cơ hội phát triển' như nhận định của nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc.

Cải cách tiền lương để nâng cao chất lượng công vụ. (Ảnh minh họa)

Cải cách tiền lương để nâng cao chất lượng công vụ. (Ảnh minh họa)

Lương chưa đủ khuyến khích năng suất lao động

Theo đánh giá chung, lương của công chức mới chỉ đảm bảo khoảng 50-60% nhu cầu, không đủ tái tạo sức lao động và có tích lũy và quá thấp so với trình độ đào tạo, yêu cầu công việc, trách nhiệm công vụ của công chức. Phân tích tác động tiêu cực của mức lương “không phản ánh đúng giá trị sức lao động của công chức, một loại lao động đặc biệt - lao động quyền lực”, ông Thang Văn Phúc chỉ rõ, lương thấp khiến các giá trị xã hội của người công chức bị giảm sút, làm cho hiệu lực thực thi công vụ thấp, dễ bị tổn thương, phát sinh tham nhũng, tiêu cực vì người hưởng lương không sống được bằng lương nên phải “tranh thủ” tìm các khoản thu nhập khác. Không những thế, lương thấp vừa “đẩy chất xám” khỏi khu vực công vừa không đủ sức thu hút nhân tài cho khu vực này.

Nhìn ở góc độ tiền lương tối thiểu của người lao động (NLĐ), PGS-TS Trần Đình Thảo, Trưởng khoa Tổ chức và quản lý nhân lực, Đại học Nội vụ Hà Nội cho rằng việc tăng lương tối thiểu không dựa vào năng suất cùng việc ràng buộc lương tối thiểu với hệ thống an sinh tạo nên sức ép lên cả doanh nghiệp và ngân sách nhà nước, thu nhập NLĐ không thực sự được cải thiện. Đồng thời, cách xác định mức lương tối thiểu chung bị phụ thuộc ngân sách nhà nước, chưa gắn với nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ. Hệ số trung bình quá thấp nên chưa cải thiện được đời sống, chưa khuyến khích được cán bộ, công chức và NLĐ có hệ số lương thấp.

Một nguyên nhân không nhỏ khiến mức lương hiện nay không tương ứng với công sức của công chức và NLĐ được các chuyên gia nhấn mạnh là thiết kế hệ thống bảng lương, mức lương, các loại phụ cấp theo lương ngày càng tỏ ra bất cập, mâu thuẫn.

Giải quyết thách thức “tiền đâu” để cải cách

Ông Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh, cải cách chính sách tiền lương là một trong những chương trình trọng tâm cải cách hành chính và luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm giải quyết. Tuy nhiên, điểm mấu chốt và đang là thách thức lớn nhất để thực hiện cải cách tiền lương là nguồn tiền. “Nhiều lần chúng ta bàn tới cải cách tiền lương. Nhưng khi nói tới “tiền đâu?” thì dừng. Đây là một thách thức phải vượt qua”- ông Thang Văn Phúc nói.

Không những thế, cải cách tiền lương còn liên quan nhiều đến cải cách hành chính, cải cách công vụ, biên chế nên không thể nói cải cách là thực hiện ngay được trong ngày một ngày hai mà cần có sự thực hiện đồng bộ. Trong đó, cơ chế quản lý đội ngũ cán bộ công chức có tính quyết định đến việc cải cách tiền lương. Vì vậy, theo các chuyên gia, tinh giảm biên chế sẽ là biện pháp hàng đầu khi thực hiện cải cách tiền lương công chức.

Hiến kế cho việc tìm nguồn cải cách tiền lương, ông Thang Văn Phúc thấy cần đẩy mạnh tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp để tăng thêm nguồn chi trả tiền lương, kiểm soát các thu nhập ngoài lương, thiết kế lại hệ thống thang bảng lương đơn giản, phù hợp hơn. Đồng thời phải đổi mới cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Ông Nguyễn Quang Dũng, Vụ trưởng Vụ Tiền lương (Bộ Nội vụ) cho biết, cần thực hiện cơ chế khoán để các cơ quan tự chủ, chuyển những khoản chi không phải cho con người như hội họp, đi nước ngoài chuyển sang chi cho tiền lương.

Theo ông Dũng, “đối với các đơn vị sự nghiệp phải thực hiện đổi mới tự chủ theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí tiền lương và giao tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp tự quyết định tuyển bao nhiêu người và chi trả lương thì mới có hiệu quả trong sắp xếp nguồn lực trong khu vực nhà nước. Giả sử nếu chỉ trông chờ tăng lương cơ sở từ 1,21 triệu đồng lên 1,4 triệu đồng hay 1,5 triệu đồng thì hiện nay nguồn chi ngân sách nhà nước không thể đảm bảo mà phải dựa trên cơ sở tinh giản biên chế, sắp xếp bộ máy và đặc biệt là thực hiện tự chủ mạnh hơn trên cơ sở tính giá dịch vụ đối với đơn vị sự nghiệp”.

Hoàng Thanh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/thoi-su/luong-thap-day-cong-chuc-vao-tieu-cuc-299382.html