Lương tăng hơn năng suất đang 'ăn mòn' lợi nhuận doanh nghiệp

Đó là nhận định được đưa ra trong Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2018 với chủ đề 'Hiểu thị trường lao động để tăng năng suất', do Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội công bố sáng 8/5.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Tăng lương tối thiểu vượt quá tốc độ tăng năng suất lao động

Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2018 chỉ rõ, xét trong mối liên hệ giữa lương tối thiểu, lương bình quân và năng suất lao động, đại diện của các công đoàn cho rằng mức lương tối thiểu hiện tại được đặt dưới mức tối thiểu của người lao động và do đó tăng lương tối thiểu nhanh hơn là điều thiết yếu để cải thiện mức sống của họ.

Tuy nhiên, lương tối thiểu và lương trung bình, nếu vượt quá tốc độ tăng năng suất lao động, sẽ dần dần nhưng nghiêm trọng phá vỡ sự cân bằng của nền kinh tế về nhiều mặt, đặc biệt là cản trở sự tích tụ vốn con người, làm giảm động lực của các nhà đầu tư, lợi nhuận của doanh nghiệp và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

Nghiên cứu được trình bày trong Báo cáo cho thấy, mặc dù các doanh nghiệp Việt Nam đạt được tăng trưởng năng suất tương đối cao nhưng chưa theo kịp được tốc độ tăng lương.

Tính theo loại hình sở hữu và cả ngành kinh tế, chỉ có doanh nghiệp nhà nước và các ngành phục vụ tiện ích công cộng (nước và điện) mới có tốc độ tăng lương thấp hơn tốc độ tăng năng suất.

Ngành sản xuất, thương mại và xây dựng, tăng trưởng tiền lương gần như bằng tăng trưởng năng suất lao động.

Còn lại, các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp tư nhân và các ngành có năng suất tăng trưởng thấp (khai thác mỏ, bưu điện, viễn thông, vận tải), mức tăng năng suất lao động nhỏ hơn tăng trưởng tiền lương.

Đáng chú ý, thống kê từ Báo cáo chỉ rõ: Nếu lương tối thiểu của doanh nghiệp tăng 1% thì lương trung bình tăng 0,32% và lao động giảm 0,13%, tỷ lệ lợi nhuận giảm 2,3 điểm phần trăm.

Việc tăng lương tối thiểu tại các doanh nghiệp tư nhân và FDI đã làm giảm việc làm trong tất cả các ngành công nghiệp. Doanh nghiệp có quy mô lớn hơn (thể hiện qua số lượng lao động nhiều hơn) thì cắt giảm việc làm nhiều hơn.

Về đầu tư máy móc, khi lương tối thiểu tăng, các ngành công nghiệp thâm dụng lao động như dệt may, sản phẩm gỗ và nội thất có xu hướng thay thế lao động bằng máy móc, trong khi các ngành công nghiệp thâm dụng vốn như điện tử và sản xuất máy móc lại giảm đầu tư máy móc. Điều này cho thấy doanh nghiệp chỉ tiếp tục mở rộng sản xuất và đầu tư vào máy móc (để thay thế lao động) trong những ngành Việt Nam đang có lợi thế so sánh tĩnh. Còn với một số ngành quan trọng khác, doanh nghiệp có thể không muốn mở rộng vì lo ngại giá lao động sẽ tiếp tục tăng trong tương lai, và do dó mất đi lợi thế so sánh.

Trước những bất cập trên, PGS. TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, một trong hai tác giả đồng chủ biên Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2018 không khỏi lo ngại: "Lương tối thiểu đang gây "sốc" cho doanh nghiệp"

PGS. TS Nguyễn Đức Thành công bố tóm tắt Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2018. (Ảnh: DNVN/Minh Hoa).

Bởi vì, theo PGS. TS Nguyễn Đức Thành, về nguyên tắc, lương của người lao động phải tăng cùng năng suất lao động để doanh nghiệp phát triển ổn định. Lương tăng hơn năng suất sẽ "ăn mòn" lợi nhuận của doanh nghiệp. Tích lũy tư bản của doanh nghiệp từ đó chậm lại, thu hút lao động ít hơn, không mở rộng được sản xuất, tạo ra một vòng xoáy "luẩn quẩn". Đó là chưa kể đến việc mức đóng bảo hiểm của doanh nghiệp cho lao động đang rất cao so với các nước trên thế giới. Gánh nặng mà doanh nghiệp phải chịu ngày càng chất chồng.

Mục tiêu quan trọng hàng đầu vẫn là thúc đẩy tăng năng suất lao động

Với nhận định lương tối thiểu đã tăng lên ở mức cao trong thập kỷ qua, việc tăng lương có thể tác động tiêu cực lớn hơn đến lao động, làm suy giảm cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt, Báo cáo khuyến nghị: Điều chỉnh mức tăng lương nói chung, lương tối thiểu nói riêng phải phù hợp với mức tăng trưởng năng suất lao động chứ không theo ý chí chủ quan hoặc mục đích chính trị.

Lương tối thiểu sẽ không hiệu quả nếu được xem là một chính sách bảo trợ xã hội. Thay vào đó, các cơ quan chức năng cần xem xét thêm các chính sách phụ trợ cho người lao động không có hợp đồng lao động hoặc những nhóm người thiệt thòi và dễ tổn thương.

Chính phủ cần lựa chọn thúc đẩy năng suất lao động như một mục tiêu quan trọng hàng đầu trong kế hoạch trung và dài hạn.

Lương tối thiểu là một công cụ để hỗ trợ người lao động, nhưng bản chất vấn đề phải nằm ở năng suất lao động. Nếu không có sự cải thiện vững chắc của năng suất, nỗ lực tăng lương tối thiểu sẽ dần thủ tiêu sức cạnh tranh của nền kinh tế, dẫn tới thất nghiệp nhiều hơn.

Minh Hoa

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/y-kien/luong-tang-hon-nang-suat-dang-an-mon-loi-nhuan-doanh-nghiep-1545.html