Lương sếp doanh nghiệp Nhà nước có thể lên tới 1,8 tỷ đồng/năm

Từ năm 2016 có những thay đổi đáng kể trong mức lương của các lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước mà theo đó, nếu lợi nhuận trên 1.500 tỷ đồng thì lương tối đa của chủ tịch tập đoàn có thể đạt 151 triệu đồng/tháng...

Theo Vneconomy, từ 2016, lương tối đa của chủ tịch tập đoàn kinh tế là 36 triệu đồng/tháng khi lợi nhuận đạt được dưới 50 tỷ đồng, còn lợi nhuận trên 1.500 tỷ đồng thì lương có thể đạt 151 triệu đồng/tháng (khoảng 1,8 tỷ đồng/năm).

Đó là thông tin được Chính phủ nêu tại báo cáo về "việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2011 – 2016" để phục vụ giám sát tối cao của Quốc hội với lĩnh vực này trong cả ngày 28/5.

Chính phủ cho biết, trong giai đoạn 2013-2015, không còn tình trạng doanh nghiệp Nhà nước xây dựng định mức lao động không sát để hưởng lương cao.

Lương của các lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước thay đổi đáng kể từ năm 2016.

Tiền lương của người lao động được xác định trên năng suất lao động và người quản lý doanh nghiệp trên cơ sở đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Giai đoạn từ năm 2016 đến nay, nhà nước vẫn tiếp tục quy định tiền lương phải gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh nhưng thay đổi phương thức xác định quỹ tiền lương thực hiện chỉ dựa vào thực hiện năm trước sang căn cứ thực hiện năm trước và kế hoạch trong năm.

Theo đó, tiền lương của người quản lý trực tiếp được xác định gắn với quy mô, độ phức tạp của quản lý (hạng doanh nghiệp) tương ứng với mức lương cơ bản (lương tối đa của chủ tịch tập đoàn kinh tế là 36 triệu đồng/tháng) và hệ số điều chỉnh tăng thêm gắn với hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Điểm khác là việc mở rộng hệ số tăng thêm tối đa từ 0,5 lên 1,0 lần mức lương cơ bản áp dụng đối với doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ngân hàng, tài chính, viễn thông có lợi nhuận 1.000 tỷ đồng trở lên, lĩnh vực khai thác và chế biến dầu khí, khoáng sản, điện, thương mại, dịch vụ có lợi nhuận 700 tỷ đồng trở lên, lĩnh vực còn lại có lợi nhuận 500 tỷ đồng trở lên.

Quy định được đảm bảo là chủ tịch tập đoàn kinh tế có thể đạt mức lương tối đa là 72 triệu đồng/tháng.

Tiền lương kế hoạch của người quản lý doanh nghiệp được xác định gắn với bảo toàn và phát triển vốn, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với nhà nước, với cổ đông (trả cổ tức), với người lao động (tiền lương, bảo hiểm). Lợi nhuận kế hoạch dưới 50 tỷ đồng thì tiền lương của người quản lý không quá 36 triệu đồng/tháng (gọi là mức lương cơ bản).

Nhà nước áp dụng hệ số tăng thêm tối đa từ 0,5 lên 2,5 lần đối với doanh nghiệp có quy mô lợi nhuận lớn 700 tỷ - 1.500 tỷ đồng, tùy theo lĩnh vực hoạt động. Theo đó, mức lương bình quân của người quản lý có thể đạt 126 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, nếu lợi nhuận thực hiện vượt kế hoạch thì người quản lý được hưởng thêm tối đa không quá 20% mức tiền lương bình quân kế hoạch. Theo quy định này, mức tiền lương tối đa của người quản lý công ty có thể đạt 151,2 triệu đồng/tháng.

Năm 2017, số người quản lý chuyên trách giảm xuống 2.261 người, tiền lương bình quân tăng nhẹ, lên 30,79 triệu đồng/tháng, thu nhập bình quân lại giảm còn 32,99 triệu đồng/tháng.

Trong khi đó, thù lao bình quân với người quản lý không chuyên trách nhích lên 4,65 triệu đồng/tháng, thu nhập bình quân lên 4,98 triệu đồng/tháng, Chính phủ cho biết nhiều con số cụ thể.

Báo Dân Trí cho hay, theo khái quát chung của Chính phủ, thời gian qua, các quy định của cơ quan điều hành về chính sách tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước đã có nhiều đổi mới, khắc phục hạn chế, khoảng cách quá lớn giữa người lao động và cán bộ quản lý. Nhà nước đã quy định trách nhiệm trong việc giao quyền tự chủ cho doanh nghiệp trong tuyển dụng lao động.

Tiền lương của người lao động được xác định trên năng suất lao động và người quản lý doanh nghiệp trên cơ sở đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Đ.V (Tổng hợp)

Nguồn Người Đưa Tin: http://nguoiduatin.vn/luong-sep-doanh-nghiep-nha-nuoc-co-the-len-toi-18-ty-dongnam-a371896.html