Lương nhà giáo

Nhà giáo hiện nay đang phải chịu nhiều áp lực. Trước hết đó là áp lực từ công cuộc đổi mới giáo dục. Tiếp đến là yêu cầu đòi hỏi cao và chính đáng của học sinh, phụ huynh cũng như kỳ vọng của xã hội. Trong khi lao động sư phạm là lao động đặc biệt, vừa là lao động khoa học vừa là lao động mang tính sáng tạo, song có một thực tế là lâu nay không ít giáo viên vẫn chưa đủ sống bằng đồng lương của mình.

Thu nhập của nhà giáo luôn là trăn trở của cả người trong và ngoài ngành giáo dục. Chuyện những thày giáo luyện thi có mức lương khủng, những cô giáo mê mải dạy thêm cả dịp hè kiếm bộn tiền… thực chất không đại diện cho thu nhập chung của ngành giáo dục. Nghề giáo trong mắt của nhiều người vẫn là nghề vất vả, thời nay thì đó còn là một trong số những nghề phải đối mặt với hiểm nguy, với bạo lực học đường.

Xưa phong trào dạy thêm chưa phổ biến, nữ giáo viên phải làm thêm nghề may là phổ biến; còn các thày giáo phải kiêm thêm nghề sửa xe đạp, sửa chữa cơ khí… Xã hội hiện đại cũng góp phần làm giảm gánh nặng vật lộn mưu sinh của thày cô giáo. Nhưng rõ ràng, phải thực sự yêu trẻ, yêu nghề thì người ta mới có thể tâm huyết trọn đời.

Vậy đổi mới giáo dục phải bắt đầu từ đâu? Mang băn khoăn này gặp các chuyên gia, phần lớn câu trả lời đều giống nhau. Rằng điều chúng ta phải thay đổi đầu tiên hiện nay chính là chính sách về tiền lương cho nhà giáo. Hiện tiền lương rất thấp để cho giáo viên có thể yên tâm giảng dạy. Tuy không cần phải quá cao nhưng chí ít cũng phải đủ để họ yên tâm nuôi sống bản thân mình, nuôi sống được gia đình mình.

Câu nói “có thực mới vực được đạo” - nếu áp dụng vào nghề giáo hiện nay, được hiểu theo nhiều nghĩa đều đúng cả. Ấy là việc được trao thực quyền sáng tạo, được quan tâm hơn nữa về cả đời sống vật chất và tinh thần. Cách đây ít lâu, câu chuyện về việc bỏ biên chế giáo viên cũng đã khiến nhiều nhà giáo chạnh lòng.

Dư luận khi ấy cũng đặt ra một câu hỏi lớn: Mục đích của cuộc “cách mạng” bỏ công chức, viên chức giáo viên là tăng tính cạnh tranh, nhằm thu hút người tài cho ngành giáo dục, nhưng liệu cải cách theo hướng ấy có thực sự giúp các nhà giáo sống được bằng lương không? Hiện những người làm nghề cũng vẫn còn phấp phỏng với chủ trương tinh giản biên chế giáo viên, liệu họ có nằm trong số 10% tinh giản máy móc cho đủ chỉ tiêu trên giao hay không? Vấn đề này thực sự “nóng” được nêu ra bàn bạc trong Hội nghị tổng kết năm học năm 2017-2018, triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019, bởi thực tế ở nhiều địa phương đây là vấn đề khó khăn, mâu thuẫn. Theo phân tích, nhu cầu học tập của con em chúng ta ngày càng cao, tỉ lệ trẻ em đến lớp cao.

Đơn cử như tỉnh Phú Thọ đã tiến hành rà soát quy hoạch bằng sáp nhập các trường, giải thể trường nhỏ… Riêng với phần biên chế, tỉnh thực hiện giảm 10% từ nay đến 2021. Phú Thọ có 24.000 giáo viên biên chế, nếu như thế thì giảm đến 2.400 giáo viên. Tuy nhiên, tỉnh lại đang thiếu giáo viên mầm non gay gắt. Ngoài ra ở một số tỉnh như Cà Mau, ĐắcLắk…cũng gặp tình trạng tương tự, khiến chủ trương tinh giản giáo viên gây bức xúc trong dư luận.

Cũng chính từ mức lương quá thấp, lại chịu nhiều áp lực nên không ít thầy cô giáo nhiệt huyết đã phải chuyển nghề, hoặc xin ra khỏi biên chế. Trước đó, trong báo cáo gửi Bộ Nội vụ và Bộ LĐTBXH, Bộ GDĐT nêu nhiều bất hợp lý trong cách chi trả lương. Theo báo cáo này, tổng hợp thông tin dựa trên báo cáo của 40/63 tỉnh thành và khảo sát thực tế cho thấy, tổng thu nhập bình quân nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập do Nhà nước đảm bảo 100% chi thường xuyên trong khoảng từ 3 - 10 triệu đồng/tháng, tùy thuộc vào thâm niên công tác của giáo viên.

Bộ GDĐT cũng chỉ ra: Thang bảng lương của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục hiện nay chưa phản ánh đúng theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương khóa 8 và Nghị quyết số 29/NQ/TW, đó là lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng. Dựa trên thực tế tiền lương, Bộ GDĐT cũng đề nghị cần trả lương cho giáo viên theo mức độ và hiệu quả công việc.

Đề xuất nêu rõ: Việc áp dụng hệ thống thang bảng lương giống nhau cho những công việc khác nhau không còn phù hợp với quy định vị trí việc làm hiện nay. Việc xếp chung một hạng viên chức sẽ khó thu hút những người có tài năng, tâm huyết vào những vị trí việc làm quan trọng. Hiện tại, nhà giáo có trình độ khác nhau nhưng xếp lương cùng bảng do hạng chức danh như nhau, mặc dù công việc có thể được phân công khác nhau. Theo đó, Bộ kiến nghị Chính phủ xây dựng hệ thống thang bảng lương riêng; Thủ trưởng đơn vị được quyền quyết định mức lương lao động tùy thuộc vào vị trí công việc.

Trong quá trình góp ý cho Luật Giáo dục (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, cần sớm thể chế hóa quan điểm của Đảng về chính sách lương nhà giáo, từ đó bảo đảm nhà giáo có thu nhập cao, có thang, bảng lương riêng tương xứng với vị trí, vai trò của nhà giáo trong giáo dục và trong xã hội. Bởi chính sách lương giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng giáo viên.

Dẫu thế, trong khi chính sách đãi ngộ để thu hút người tài riêng ngành giáo dục không thể quyết định được; chế độ lương cho giáo viên đã được quy định bằng thang bảng lương của Nhà nước, thì việc nâng mức sống cho giáo viên từ ngân sách quốc gia hiện vẫn chỉ là mong đợi, trông ngóng của người làm nghề.

Hương Lê

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/luong-nha-giao-tintuc423103