Lương Mông nhiều cái nhất...

Những năm về trước, nhắc tới Lương Mông, ai cũng nghĩ về xã xa xôi, cách trở, khó khăn nhất huyện Ba Chẽ. Cuộc sống của người dân thiếu thốn đủ đường và cái nghèo, cái lạc hậu đeo bám mãi không buông. Thế nhưng, đến Lương Mông bây giờ, người ta lại thấy một cuộc sống ấm no, trù phú đang hiện diện. Tất cả đã đổi thay, bắt đầu từ nếp nghĩ của người dân...

Một góc xã Lương Mông nhìn từ trên cao. Ảnh: CTV

Một góc xã Lương Mông nhìn từ trên cao. Ảnh: CTV

Xã NTM đầu tiên của huyện

Từ trung tâm huyện Ba Chẽ lên xã Lương Mông chỉ có con đường độc đạo men theo tỉnh lộ 330, những năm trước đây được mệnh danh là "đoạn đường đau khổ", bởi lắm đèo dốc, đường nhỏ hẹp, quanh co. Tuyến đường gần 50km nhưng muốn từ xã xuống huyện hay ngược lại phải mất từ 3-5 tiếng đồng hồ, Lương Mông đã xa lại càng xa hơn...

Đó là câu chuyện của trước đây, giờ lên Lương Mông, chiếc xe máy của chúng tôi đã có thể bon bon trên con đường trải nhựa phẳng phiu từ nguồn vốn đầu tư nâng cấp của tỉnh và huyện. Trở lại Lương Mông lần này chúng tôi còn thấy sự đổi thay rất lớn ở nơi đây.

Ông Vi Văn Diễn, Chủ tịch UBND xã là người có thâm niên công tác gần 20 năm ở Lương Mông nên hiểu rành rọt những đổi thay của vùng đất này. Rót chén chè nóng mời khách, ông Diễn cho chúng tôi biết, năm 2010, khi xã mới bắt tay vào thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), so với các địa phương khác thì Lương Mông có xuất phát điểm thấp, chỉ đạt 3/20 tiêu chí. Không những thế, với địa bàn rộng nhưng có sự chia cắt, nên chi phí đầu tư các hạng mục hạ tầng NTM tương đối lớn. Trong khi đó, nhận thức của đại đa số người dân bị hạn chế, sự trông chờ, ỷ lại cao, là những khó khăn, áp lực khi triển khai thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí NTM.

Trường Mầm non xã Lương Mông được đầu tư xây mới khang trang, đảm bảo chất lượng dạy học cho trẻ em.

Năm 2015, Lương Mông quyết tâm đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2017 sẽ về đích NTM. Ở thời điểm đó cả huyện Ba Chẽ chưa có xã nào dám nghĩ đến chuyện này, thậm chí nhiều người đã hoài nghi việc xã muốn về đích sớm thực chất chỉ là chạy theo thành tích.

"Để thay đổi nếp nghĩ, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc tiểu số là thách thức lớn của chính quyền xã. Nhưng đây lại là mấu chốt của cả vấn đề, bởi khi người dân đã hiểu, đã tin, thì triển khai mọi công việc mới thuận lợi, dễ dàng. Vì vậy, chúng tôi chọn cách dân vận theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm; gỡ khó từng tiêu chí NTM. Đặc biệt, quá trình xây dựng NTM, xã luôn xác định lấy dân làm gốc cho mọi phong trào, việc gì có lợi cho dân thì ưu tiên làm trước, nên dần được bà con tin tưởng, ủng hộ." - Chủ tịch UBND xã Lương Mông cho biết thêm.

Bắt tay vào giai đoạn bứt phá xây dựng NTM, Lương Mông đã dành nhiều nguồn vốn đầu tư các công trình giao thông, điện, đường, trường, trạm… Bộ mặt nông thôn đã khởi sắc nhờ chính những công trình này. Đến nay, 100% các tuyến đường liên xã, thôn đã được bê tông hóa, giúp người dân đi lại thuận tiện.

Tận dụng ưu thế từ rừng, tạo động lực phát triển kinh tế để xóa đói nghèo, xã đã hỗ trợ người dân tham gia phát triển sản xuất vào các mô hình, như: Trồng ba kích tím, trà hoa vàng, rừng gỗ lớn, quế… Từ những công trình, dự án hỗ trợ sản xuất, đã giúp người dân được hưởng lợi trực tiếp, qua đó việc huy động đóng góp công sức tham gia vào chương trình xây dựng NTM được thuận lợi hơn; đời sống thu nhập của bà con được cải thiện, nâng cao hơn.

Trồng và chế biến quế đang là hướng đi giúp các hộ dân trong xã Lương Mông nâng cao thu nhập.

Tuy nhiên, giữa tháng 8/2017, Lương Mông lại bị trận lũ lịch sử càn quét, gây thiệt hại kinh tế gần 40 tỷ đồng. Nặng nhất là nhiều tuyến đường giao thông, trong đó có 3 cây cầu, ngầm (Cổ Ngựa, Khe Là, Khe Giấy) bị sập, lũ cuốn trôi. Sau trận lũ đó, một số tiêu chí như: Giao thông, môi trường, điện… đã không đáp ứng được yêu cầu trong Chương trình xây dựng NTM. Thêm nữa, rất nhiều diện tích hoa màu, đất sản xuất cho bà con cũng bị lũ tàn phá. Cuộc sống của người dân lại gặp nhiều khó khăn.

Câu chuyện về đích NTM tưởng chừng như không thể thực hiện. Chính lúc này, vai trò của cán bộ xã lại càng được phát huy. Công tác dân vận tiếp tục được thực hiện đến từng gia đình, từng hộ dân, để bà con yên tâm khôi phục sản xuất và chung tay với địa phương khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ.

Cùng với đó, nhiều lực lượng tình nguyện từ xã đến huyện được tăng cường trực tiếp đến các thôn, xóm, giúp dân khắc phục hậu quả trận lũ. Những hộ có diện tích hoa màu bị ảnh hưởng đã được hỗ trợ kịp thời ngay sau đó. Hệ thống điện, đường, ống dẫn nước bị hư hỏng đều được các đơn vị sớm sửa chữa, khắc phục, nhằm giúp người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Từ sự quyết tâm này, cuối năm 2017 Lương Mông trở thành địa phương đầu tiên của huyện Ba Chẽ được công nhận về đích NTM. Đây là nền tảng bứt phá để xã tiếp tục nâng cao đời sống thu nhập, xóa nghèo bền vững cho nhân dân.

Diện mạo mới ở tuyến đường trung tâm xã Lương Mông.

Vóc dáng “phố thị” vùng cao

Đến Lương Mông những ngày này thấy đời sống của bà con nơi đây đã và đang khởi sắc rõ nét. Tuyến đường trung tâm xã hiện ra như một góc “phố thị” giữa núi rừng bạt ngàn với những ngôi nhà tầng kề nhau mọc lên. Đường giao thông, trường học, chợ trung tâm, nhà văn hóa… đều đưọc đầu tư nâng cấp, phục vụ đời sống dân sinh ngày một tốt lên.

Không chỉ là xã đầu tiên của Ba Chẽ về đích NTM, Lương Mông còn sở hữu “3 cái nhất” của huyện. Đó là: Xã có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất với 12/389 hộ, còn 3,08% (giảm 5,29% so với năm 2017); thu nhập bình quân đạt 38,5 triệu đồng/người/năm (cao nhất so với 6 xã trong huyện); tỷ lệ nhà ở kiên cố hóa đạt hơn 90% (cao nhất huyện). Đặc biệt, chuyển biến lớn từ suy nghĩ đến cách làm đã và đang giúp nhiều hộ nghèo trong xã tự có ý thức vươn lên trong cuộc sống.

Mô trình trồng cam của gia đình ông Lê Phương Cử, xã Lương Mông (bên phải) mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Điển hình như trường hợp chị Đặng Thị Dung, thôn Đồng Giảng B (27 tuổi, dân tộc Dao) lấy chồng từ sớm, đến nay đã có 4 con. Trước đây vợ chồng chị không có việc làm ổn định nên bị cái nghèo đeo bám. Năm 2017, trận lũ quét làm ngôi nhà tạm của gia đình chị Dung hư hỏng không thể ở được nữa. Đầu năm 2018, từ chương trình di dời nhà ở ra khỏi vùng sạt lở nguy hiểm, gia đình chị được xã hỗ trợ 30 triệu đồng, chị vay mượn thêm 60 triệu đồng đầu tư xây mới ngôi nhà cấp 4 để an cư, lạc nghiệp.

Cuối năm 2018, gia đình chị thoát khỏi diện nghèo. Chị Dung chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi cũng như nhiều hộ khác trong thôn sợ thoát nghèo lắm. Bởi thoát nghèo là sẽ bị cắt nguồn hỗ trợ của Nhà nước. Nhưng bây giờ, chúng tôi nhận thức khác rồi, phải thoát nghèo để còn làm giàu. Có vốn hỗ trợ sản xuất, lại được giới thiệu, chuyển giao mô hình kinh tế, tôi nghĩ thoát nghèo không khó nữa. Năm nay, gia đình tôi quyết tâm thoát khỏi diện cận nghèo. Hiện gia đình tôi đang tập trung phát triển mô hình chăn nuôi gà, dự kiến trồng thêm keo để tăng nguồn thu nhập.

Ông Vi Văn Quốc, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Xóm Mới cho chúng tôi biết: Từ năm 2010 trở về trước, cuộc sống của các hộ dân trong thôn Xóm Mới nghèo khó lắm. Người dân chủ yếu ở nhà tạm bợ. Giao thông đi lại cách trở, hễ có bị ốm đau, bệnh tật chỉ nằm ở nhà cúng bái rất lạc hậu… Tuy nhiên, từ khi thực hiện xây dựng NTM, nhiều hộ dân đã được hỗ trợ xây nhà ở kiên cố, biết áp dụng máy móc, thay đổi giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao vào sản xuất. Đặc biệt, giao thông trong thôn xóm được nâng cấp, xây mới, giúp đi lại thuận tiện hơn. Hiện tại, thôn Xóm Mới không còn hộ nghèo, nhiều nhà cao tầng đã được xây dựng. Nhà nào cũng có ti vi, xe máy, thậm chí có hộ còn sắm cả ô tô để làm ăn...

Cầu Cổ Ngựa được xây mới, thay thế cây cầu cũ bị lũ cuốn trôi năm 2017, giúp trẻ em xã Lương Mông đến trường thuận tiện hơn.

"Lương Mông hiện đang triển khai chương trình NTM nâng cao. Đến hết năm 2020, xã phấn đấu không còn hộ nghèo, nâng mức thu nhập từ 38,5 triệu đồng lên thành 50 triệu đồng/người/năm. Sắp tới, xã sẽ tiếp tục hỗ trợ các dự án, mô hình sản xuất tập trung để người dân nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả. Đồng thời, giữ vững và nâng cao các tiêu chí NTM đã đạt." - Chủ tịch UBND xã Lương Mông Vi Văn Diễn nhấn mạnh.

Trên con đường trải nhựa phẳng phiu từ Lương Mông trở về trung tâm huyện, ngắm nhìn bạt ngàn đồi keo, quế, những cánh đồng lúa tươi tốt, chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn sự trù phú, sung túc ở nơi đây. Chắc chắn rằng chỉ một thời gian nữa thôi, khi trở lại Lương Mông, chúng tôi sẽ lại có những bất ngờ, ngỡ ngàng về sự đổi thay của mảnh đất vùng cao này.

Phạm Tăng

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201905/luong-mong-nhieu-cai-nhat-2441136/