Lương không đủ sống, phi công chiến đấu Mỹ bỏ đi lái máy bay dân sự?

Cho tới thời điểm hiện tại việc quản lý phi công của Quân đội Mỹ thực tế đã tỏ ra khá lỏng lẻo, thậm chí Lầu Năm Góc vẫn không rõ đã có bao nhiêu phi công chiến đấu của mình giải ngũ, chuyển sang lái máy bay dân sự.

Trong thời kỳ khó khăn vì thiếu phi công chiến đấu như hiện nay, quân đội Mỹ mới có đủ lý do để lục lại sổ sách, tìm kiếm chính xác số lượng phi công đã bỏ ra ngoài lái máy bay dân sự. Tuy nhiên tới lúc này, Lầu Năm Góc mới bàng hoàng nhận ra họ không có đủ số liệu và căn cứ để đếm xem đã mất bao nhiêu phi công dày dặn kinh nghiệm vào tay các hãng hàng không giá rẻ của Mỹ.

Theo thông tin được Sputnik đăng tải, hiện tại Không quân Mỹ chỉ đủ 73% số phi công mà họ cần cho các hoạt động của mình trên toàn cầu. Đây là con số thống kê ước chừng gần chính xác vì nó không nêu rõ số liệu 73% kia có bao gồm phi công phụ hay không.

Vấn đề "cơm áo, gạo tiền" đang khiến phi công quân sự Mỹ dứt áo rời bỏ quân đội thay vì gắn bó vì lý tưởng như trước đây. Nguồn ảnh: John Q. Public.

Vấn đề "cơm áo, gạo tiền" đang khiến phi công quân sự Mỹ dứt áo rời bỏ quân đội thay vì gắn bó vì lý tưởng như trước đây. Nguồn ảnh: John Q. Public.

Một thiếu sót lớn nhất của Không quân Mỹ đó là họ không có các tài liệu ghi lại về việc tại sao phi công chiến đấu Mỹ lại bỏ không lực để chuyển sang dân sự và thậm chí còn không ghi rõ số lượng phi công Mỹ đã bỏ nghiệp nhà binh.

Điều này dẫn tới việc Không quân Mỹ sẽ hoàn toàn không biết làm cách nào để khắc phục được vấn nạn phi công chiến đấu "bỏ việc" trong tương lai vì bản thân họ cũng không biết vấn đề nảy sinh từ đâu.

Thậm chí, những điều chỉnh của quân đội Mỹ còn khiến vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn. Ví dụ như vào năm ngoái, Trung tâm Chỉ huy Cơ động Không quân Mỹ đã tăng thời gian phục vụ của những phi công lái máy bay vận tải hoặc máy bay tiếp liệu lên từ 3 tới 4 năm ở căn cứ đóng quân của mình thay vì thời hạn đóng quân là 2 tới 3 năm như trước đây.

Điều này có nghĩa là các phi công này sẽ có nguy cơ phải đóng quân ở nước ngoài lên tới tối đa 4 năm trước khi được trở về Mỹ - điều mà không một quân nhân nào mong muốn.

Ít ra thì phi công lái máy bay dân sự cũng không phải mặc bộ đồ bay bó sát và đóng bỉm khi bay trên không như phi công quân sự. Nguồn ảnh: Tnooz.

Không quân Mỹ cũng tính tới việc gia tăng thu nhập cho các phi công của mình, tối đa có thể tăng thêm 35.000 USD/năm cho mỗi phi công. Tuy nhiên với nhiều phi công dân sự có thể kiếm được tới vài trăm nghìn USD (trước thuế) mỗi năm thì con số tăng thêm của Không quân Mỹ rõ ràng là chưa đủ hấp dẫn.

Không quân Mỹ cũng không cho rằng các phi công của họ bỏ ra ngoài lái máy bay dân sự vì mong muốn được lái máy bay... xịn hơn loại Không quân sử dụng vì thực tế cho thấy, nhiều loại máy bay vận tải của Không quân Mỹ cũng được sản xuất bởi Boeing và tất nhiên là cũng hiện đại và thoải mái không kém gì máy bay dân sự.

Cuối cùng, Không quân Mỹ tạm kết luận rằng việc chuyển đổi lái máy bay quân sự sang dân sự quá dễ dàng cũng là một phần khiến lực lượng này rơi vào tình trạng thiếu phi công trầm trọng. Hiện nay theo quy định của Mỹ, các chứng chỉ của quân đội về thể lực, trình độ và số giờ bay cũng như khả năng bay hoàn toàn phù hợp với cả lĩnh vực dân sự và tất nhiên, mỗi phi công Mỹ với hàng nghìn giờ bay kinh nghiệm luôn là mục tiêu săn đón của mọi hãng hàng không lớn trên thế giới chứ không riêng gì các hãng hàng không của Mỹ.

Mời độc giả xem Video: Gian nan quá trình huấn luyện phi công chiến đấu Mỹ.

Tuấn Anh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/quan-su/luong-khong-du-song-phi-cong-chien-dau-my-bo-di-lai-may-bay-dan-su-1075941.html