Lương hưu tăng lên bao nhiêu?

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) vừa đề xuất 2 phương án tăng lương hưu, trợ cấp cho 8 nhóm đối tượng. Mức tăng có thể từ 10 - 15% tùy vào thời điểm điều chỉnh là ngày 1/7/2021 hoặc 1/1/2022. Vậy tăng thế nào để người hưởng lương có thể trang trải cuộc sống nhưng cũng không quá tạo gánh nặng cho ngân sách trong bối cảnh khó khăn cần được cân nhắc một cách kỹ lưỡng.

Lương đối với người về hưu là vô cùng quan trọng.

Lương đối với người về hưu là vô cùng quan trọng.

Tăng 10 hay 15%?

2 phương án tăng lương hưu và trợ cấp xã hội được Bộ LĐTB&XH đề xuất gồm: Sẽ tăng 10% lương hưu nếu mốc thời gian tăng là từ 1/7/2021. Vì sao lại lựa chọn mức tăng như vậy theo lý giải của Bộ LĐTB&XH thì với mức tăng này được cho là để bù đắp trượt giá, chia sẻ một phần thành quả từ phát triển kinh tế năm 2019 (GDP tăng 7,02%) và năm 2020 không điều chỉnh lương hưu lẫn trợ cấp bảo hiểm xã hội.

Nếu chốt phương án này, số người được điều chỉnh từ Ngân sách nhà nước chi trả khoảng hơn 925.000 người, dự kiến kinh phí tăng thêm trong 6 tháng còn lại của năm 2021 là 44.538 tỉ đồng, bao gồm cả khoản đóng bảo hiểm y tế. Số người được thụ hưởng từ nguồn Quỹ Bảo hiểm xã hội khoảng 2,15 triệu người, với số người hưởng lương như vậy, dự kiến ngân sách sẽ tăng thêm khoảng 144.585 tỉ đồng.

Với đề xuất thứ 2 việc tính toán tăng lương sẽ rơi vào thời điểm đầu năm 2022 với đề xuất tăng 15%. Theo phương án này, Ngân sách Nhà nước sẽ chi trả cho gần 897.000 người với kinh phí dự kiến tăng thêm trong năm 2022 là 47.226 tỉ đồng. Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH) chi trả cho khoảng 2,28 triệu người với kinh phí dự kiến tăng thêm 168.000 tỉ đồng.

Đặc biệt, dự thảo của Bộ LĐTB&XH có ưu ái hơn với một số đối tượng đặc biệt. Đó là những người nghỉ hưu trước năm 1995 và đang hưởng lương hưu thấp dưới 2,5 triệu đồng, sau khi điều chỉnh lương vẫn thấp hơn 2,3 triệu đồng/tháng thì tăng thêm 200.000 đồng mỗi tháng; mức từ 2,3 đến dưới 2,5 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh cho đủ 2,5 triệu đồng/tháng.

Nhóm này có khoảng 426.000 người thuộc 8 nhóm thụ hưởng, trong đó có công chức, viên chức, người lao động; quân nhân; công an... Kinh phí tăng thêm sau điều chỉnh khoảng 348 tỉ đồng nếu điều chỉnh từ ngày 1/7/2021; tăng thêm 700 tỉ đồng nếu điều chỉnh từ ngày 1/1/2022.

12 lần tăng lương vẫn không đuổi kịp đà tăng giá

Bà Phạm Thị Thuận, ở khu 7 thị trấn Cái Rồng, Vân Đồn, Quảng Ninh, có 20 năm làm ở mỏ cát Vân Hải, do sức khỏe yếu nên xin nghỉ mất sức, rồi nghỉ hưu trước tuổi từ năm 1996. Do nghỉ hưu trước tuổi, khi đi giám định trước tuổi, bà chỉ nhận được 61% lương với mức lương chưa đến 1 triệu đồng/tháng vào thời điểm đó.

Cho đến nay, qua nhiều lần điều chỉnh lương, mức lương của bà cũng chỉ hơn 2 triệu đồng/tháng. Bà Thuận cho biết, dẫu biết rằng những năm gần đây tình hình dịch bệnh đã ảnh hưởng đến sức khỏe nền kinh tế, tuy nhiên, với mức lương ít ỏi như vậy, bà không đủ trang trải những nhu cầu tối thiểu. Bà mong rằng Nhà nước sẽ có những chính sách hợp tình, hợp lý để những người trông chờ vào đồng lương hưu giống như bà có thể cải thiện cuộc sống của mình.

Là người không trong diện 8 đối tượng đề xuất được tăng lương hưu trong dịp này nhưng bà Nguyễn Hạnh Hòa ở Trinh Nữ, Yên Mô, Ninh Bình cũng mong muốn Nhà nước nên xem xét điều chỉnh tăng lương cho đối tượng hưu trí, nhất là những người nghỉ hưu trước năm 1993 bởi vì lương của họ hiện rất thấp.

Theo lời bà Hòa, từ năm 2008 đến nay Chính phủ đã 12 lần điều chỉnh mức lương hưu theo mức cao hơn bình quân nhưng vẫn không thể đáp ứng được kỳ vọng của nhiều người. Nguyên nhân là bởi, so với giá cả thị trường như giá vàng, giá xăng đều tăng đến mức chóng mặt, thậm chí tăng từng ngày, trong khi đó tiền lương hưu chỉ được điều chỉnh theo từng năm.

“Ngay khi Bộ LĐTBXH có đề xuất tăng thêm 15% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 12/2021, những người hưởng lương hưu như chúng tôi vô cùng vui mừng vì đó là chủ trương trương phù hợp với thực tế, đặc biệt trong thời điểm mà dịch bệnh xảy ra khiến đời sống của hàng vạn người lớn tuổi gặp khó khăn”, bà Hòa kỳ vọng.

Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động (Tổng LĐLĐVN) cho biết, ở góc độ cá nhân, ông hoàn toàn ủng hộ đề xuất tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cho 8 nhóm đối tượng trên.

“Tiền lương hưu phải đảm bảo cuộc sống của người lao động và gia đình họ. Đối tượng có lương hưu thấp đại đa số là người lao động trực tiếp chứ không phải cán bộ, công chức. Những đối tượng này lúc đi làm đã khó khăn rồi, khi về hưu với mức lương hưu thấp, cuộc sống lại càng khó khăn hơn. Hơn nữa, nhiều người về hưu có sức khỏe yếu, gặp nhiều bệnh tật. Vì vậy, việc tăng tiền lương hưu cho những đối tượng trên là cần thiết trong bối cảnh hiện nay”, ông Quảng cho biết.

Tăng hay không phải nằm trong đề án tổng thể cải cách lương

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi thì lựa chọn tăng từ ngày 1/7 năm nay là cần thiết hơn trong bối cảnh mức lương hưu của người về hưu đang rất thấp. Với 8 nhóm đối tượng như dự thảo đề xuất, Nhà nước cần dành nguồn lực ưu tiên để xem xét tăng lương hưu cho nhóm này, đặc biệt là những người về hưu trước năm 1995 và sau năm 1995 đang có mức thấp dưới 2,5 triệu đồng.

Ngoài việc tăng lương hưu Chính phủ cần đẩy mạnh cải cách tiền lương theo lộ trình đề ra từ 1/1/2022. Khi cải cách chính sách tiền lương thì phải đồng bộ với cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Theo ông Lợi, không phủ nhận việc tăng lương trong bối cảnh ngân sách khó khăn là vấn đề không hề đơn giản, song theo ông Lợi, Chính phủ có thể xem xét cân đối nguồn lực.

Bởi vì, việc điều chỉnh lương hưu cũng là một trong những tiền đề để thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương. Chính phủ cần dành nguồn lực từ Ngân sách Nhà nước để giải quyết việc điều chỉnh lương hưu trước, vì rõ ràng trước sau gì chúng ta vẫn phải làm, điều này cũng vừa đáp ứng được nhu cầu đảm bảo đời sống cho người lao động về hưu đang khó khăn.

Điều chỉnh lương hưu và trợ cấp như thế nào, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân cho rằng cần đặt trong tổng thể tiến trình cải cách tiền lương chúng ta đang làm. Tất nhiên, do tác động của bệnh dịch chúng ta đã lùi thời điểm cải cách tiền lương sang đầu năm 2022, tuy nhiên, việc này cần tiếp tục thực hiện.

“Tôi nghĩ chính các bộ, ngành phải tham mưu cho Chính phủ, chứ không phải mình mong muốn đi sớm, tăng sớm là được. Rõ ràng việc tăng lương phải có tính đồng bộ và hài hòa với các chính sách, đối tượng khác”, ông Huân nói.

Cũng theo ông Huân, hiện nay nguồn để tăng lương hưu bao gồm 2 nguồn. Trong đó, nguồn đối với người về hưu trước ngày 1/1/1995 sẽ do Ngân sách Nhà nước chi trả, còn những người nghỉ hưu từ ngày 1/1/1995 trở lại đây thì sẽ do Quỹ Bảo hiểm xã hội chi trả. Vì vậy, việc điều chỉnh tăng lương hưu có thể không ảnh hưởng hoàn toàn đến Ngân sách Nhà nước mà chỉ chiếm một phần.

“Vì lẽ đó tôi cho rằng, điều quan trọng là Ban chỉ đạo cải cách chính sách tiền lương cần phải xác định rõ lộ trình điều chỉnh, hai là thời điểm, ba là mức điều chỉnh giữa lương hưu với các chính sách ưu đãi người có công khác, thậm chí cả tiền lương của nhóm đối tượng đang làm việc. Những mối quan hệ này phải làm sao hài hòa, còn nếu xác định tăng lương hưu là bước đi độc lập với tăng lương của người tại chức thì thời điểm điều chỉnh có thể sẽ khác nhau”, ông Huân bày tỏ.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc đề xuất tăng lương hưu tối thiểu xuất phát từ mong muốn chính đáng của người lao động là lương hưu cần đáp ứng được mức sống, điều kiện sinh hoạt của người nghỉ hưu. Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, Chính phủ đã điều chỉnh lương hưu hằng năm cùng với thời điểm điều chỉnh tiền lương tối thiểu, lương cơ sở để đời sống của người nghỉ hưu đỡ khó khăn. Tuy nhiên, nguyên tắc của BHXH là mức hưởng được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng và có sự chia sẻ giữa những người tham gia BHXH. Do đó, việc điều chỉnh tăng lương hưu, ngoài mong muốn chính đáng của người nghỉ hưu còn phải bảo đảm các nguyên tắc của Quỹ BHXH, khả năng cân đối quỹ và nguồn bù đắp cho phần thiếu hụt đó. Đối với trường hợp về hưu trước năm 1995 cần tính toán để bảo đảm lương hưu đạt được mức lương tối thiểu. Nếu tiền lương của những người về hưu thấp hơn mức sống tối thiểu, Nhà nước cần có trách nhiệm bù, bảo đảm ở góc độ an sinh, xã hội.

Nguyên Khánh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/luong-huu-tang-len-bao-nhieu-559515.html