'Lưỡng giới' - Lịch sử được mã hóa trong bộ gien

Cuốn sử thi gia đình này không chỉ tái hiện lại vận mệnh của một gia tộc di dân mà còn khái quát vận mệnh chung của thế giới trước những vấn đề lịch sử

Tiểu thuyết "Lưỡng giới" (Zét Nguyễn dịch, Phương Nam và NXB Phụ nữ ấn hành 2019) của Jeffrey Eugenides từ lúc mới ra đời đã được công nhận là kiệt tác mới của văn học đương đại Mỹ.

Thân phận người di cư

"Tôi được sinh ra hai lần: lần đầu tiên, là một bé gái, vào một ngày trời quang mây tạnh ở thành phố Detroit tháng 1-1960; và sinh ra một lần nữa, là một cậu thiếu niên, trong phòng phẫu thuật ở thành phố Petoskey tháng 8-1974".

Một trong những tiểu thuyết Mỹ lớn nhất của thế kỷ XXI đã bắt đầu như thế. Được dựng lên trên một thế bấp bênh, một sự mập mờ để rồi dẫn dụ độc giả từ bán đảo Tiểu Á đến vùng đô thị Detroit của nước Mỹ. Đoạn mở đầu gợi nhắc đến những tác phẩm dữ dội như "Cái trống thiếc" của Günter Grass hay "Những đứa con của nửa đêm" của Salman Rushdie với những sự ra đời "thần kỳ" dự báo một cuộc đời dị thường phía trước. Cô bé Calliope Stephanides (và sau này là chàng Cal) sinh ra ở Mỹ trong một gia đình di cư gốc Hy Lạp. Mang trong mình khiếm khuyết về gien, Calliope dù sinh ra trong hình hài bé gái nhưng thực chất là nam. Toàn bộ cuốn tiểu thuyết là cuộc hành trình lặn sâu vào cơ thể, đi vào cái bên trong tới tận cấp độ "gien" để tìm lời giải cho cái "gien" khiếm khuyết ấy, để rồi truy ngược về quá khứ, tái dựng lịch sử của những con người nhỏ bé ở một thôn làng bình dị trên bán đảo vùng Tiểu Á. Thông qua đó, lịch sử một dân tộc được dựng lên, với chiến tranh, tình yêu, lưu lạc, loạn luân, bội phản… Ngay từ tên tác phẩm đã cho thấy một sự lưỡng phân.

"Lưỡng giới" có tên gốc là "Middlesex", đây vừa là tên địa danh có thật, nơi mà cô bé Calliope lớn lên, nó cũng có nghĩa đen là "giới tính giữa". Từ đó, "Lưỡng giới" không còn là chuyện giới tính cá nhân mà là thế lưỡng nan của những người di cư, băn khoăn về nguồn cội của mình, cảm giác về sự thiếu quê hương. Là công dân Mỹ nhưng cảm thấy mình không thuộc về nước Mỹ, mang trong mình dòng máu Hy Lạp nhưng không phải là dân Hy Lạp, như thấy bản thân phân mảnh giữa hai giới tính trong chính cơ thể của mình.

Hòa vào dòng chảy của văn học di cư, "Lưỡng giới" ở một khía cạnh nào đó đã hé mở cho chúng ta phần nào thân phận của những người di cư đến "tân thế giới".

Bìa sách “Lưỡng giới” xuất bản tại Việt Nam. Ảnh: PHƯƠNG NAM

Bìa sách “Lưỡng giới” xuất bản tại Việt Nam. Ảnh: PHƯƠNG NAM

Mang tầm vóc sử thi

Thoạt tiên, Eugenides dự định viết một tiểu thuyết hư cấu mỏng nhưng rồi câu chuyện đã vượt ra ngoài những dự định của tác giả. Một câu chuyện mang tầm vóc sử thi dịch chuyển giữa những châu lục, dịch chuyển giữa hai vùng văn hóa, bước từ cuộc chiến tranh thế giới sang cuộc chiến tranh lạnh, kéo dài theo những con tàu của dân nhập cư đầu thế kỷ XX đến chuyến xe bỏ trốn của một thiếu niên ở thế kỷ XXI. Mở rộng sự khảo sát về căn tính của mình không chỉ về mặt xã hội học mà còn là sinh học, ở một cấp độ rất tế vi, đi về đến ngọn nguồn đầu tiên, điểm bắt đầu "lời nguyền" của dòng họ, khẳng định sự ràng rịt của bản thể với những liên hệ dân tộc sâu xa, máu mủ, bất chấp thời gian hay khoảng cách địa lý cũng không thể chối bỏ hay tách rời được.

Eugenides duy trì tài tình giữa hai giọng kể xen kẻ, giữa cô bé Calliope ngổ ngáo với người đàn ông Cal chững chạc, luân phiên hoán đổi câu chuyện và cân bằng nó giữa cái chủ quan của ngôi thứ nhất với cái khách quan của ngôi thứ ba, để diễn tả một thực tại biến động trong tâm hồn cá nhân, hấp thụ những biến động của xã hội Mỹ với những cuộc cách mạng về màu da, giới tính.

Jeffrey Eugenides mất gần một thập niên để hoàn thành tác phẩm "Lưỡng giới", và thành tựu ông thu được hoàn toàn xứng đáng. Năm 2015, dựa trên đánh giá của những nhà phê bình, cũng như độc giả và lượng sách tiêu thụ, trang BBC của Anh đã có công bố danh sách 12 tiểu thuyết xuất sắc nhất từ đầu thế kỷ XXI tới nay, "Lưỡng giới" là một trong số đó. Cuốn sử thi gia đình này không chỉ tái hiện lại vận mệnh của một gia tộc di dân mà còn khái quát vận mệnh chung của thế giới trước những vấn đề lịch sử. Ở đó có những vấn đề phổ quát nhất, mang tính toàn cầu nhất với những điều nhỏ bé nhất, cá nhân nhất. Và những điều đó không đối chọi với nhau, mỗi bên đều tìm được một chỗ đứng của mình trong cuốn tiểu thuyết đồ sộ này.

Nhà văn đã bước vào văn chương đầy tự tin bởi ông có sau lưng mình cả một truyền thống văn học, với những thần thoại, sử thi, anh hùng ca, bi - hài kịch. Trong "Lưỡng giới" đầy ắp những gợi nhớ về những nhân vật trong thần thoại Hy Lạp và cũng giống như nhà thơ mù Homer của hàng ngàn năm trước, Eugenides mở ra thi giới của mình bằng lời hiệu triệu Thi Thần.

Dù không phủ nhận công sức của Eugenides nhưng gần đến cuối tác phẩm, hình như tác giả cũng bắt đầu loay hoay như nhân vật của mình. Một kết thúc có phần hơi vội vã cho một hành trình mê đắm mà độc giả đã dõi theo từ đầu chí cuối.

Không phải "nhà văn một cuốn"

Bắt đầu sự nghiệp từ năm 1993 với tiểu thuyết đầu tay "The Virgin Suicides" (tạm dịch: "Trinh nữ tự sát"), Jeffrey Eugenides ngay lập tức được công nhận như một nhà văn trẻ triển vọng của Mỹ. Các nhà xuất bản săn đón, độc giả mong chờ nhưng khoảng thời gian dài sau tiểu thuyết đầu tay là sự yên ắng của Jeffrey Eugenides. Thậm chí, có những dự đoán về "sự chín non" và ác ý gọi Eugenides là nhà-văn-một-cuốn. Eugenides vẫn bình thản, nghiền ngẫm từng chữ và khi tiểu thuyết "Lưỡng giới" ra đời, công chúng Mỹ thấy rằng sự chờ đợi này là xứng đáng.

Sau "Lưỡng giới", cũng phải thêm 9 năm nữa để Jeffrey Eugenides hoàn thành tiểu thuyết thứ ba: "The Marriage Plot" (tạm dịch: "Mưu đồ hôn nhân", 2011) khẳng định vị trí chắc chắn của mình trong giới văn chương. Tuy không phải là nhà văn có "năng suất" cao nhưng chất lượng thì tuyệt hảo.

Huỳnh Trọng Khang

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/luong-gioi-lich-su-duoc-ma-hoa-trong-bo-gien-20190719211844213.htm