'Luồng gió mới' trong hoạt động của các nhà văn hóa thôn ở huyện Nông Cống

Với những đổi mới, sáng tạo trong cách tổ chức, quản lý, nhiều địa phương trên địa bàn huyện Nông Cống đã phát huy hiệu quả công năng của các nhà văn hóa (NVH) thôn, góp phần xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, gìn giữ, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp.

Nhà văn hóa thôn Cao Nhuận, xã Vạn Thiện.

Từ sáng sớm, không gian NVH thôn Liên Minh (xã Vạn Thiện) đã rộn rã tiếng cười. Người đá bóng, người đánh bóng chuyền hơi, người tập dưỡng sinh. Mỗi người lựa chọn một môn thể thao phù hợp với sức khỏe và lứa tuổi của mình. Không khí dần lắng xuống khi đến giờ đi làm và sôi động trở lại khi tối đến. Tiếng nhạc vang lên, các cô, các chị bắt đầu nhảy Zumba. Ngoài sân, vẫn có người tập dưỡng sinh, hoặc đánh bóng chuyền hơi. Anh Nguyễn Văn Trung, bí thư, trưởng thôn Liên Minh, chia sẻ: Khuôn viên NVH thôn Liên Minh rộng hơn 3.000m2, với một sân bóng đá mi-ni, sân bóng chuyền hơi và một sân chơi chung ngay cạnh NVH. Để phát huy triệt để công năng của NVH, thôn đã đa dạng các bộ môn thể thao, các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Hiện, thôn có 1 câu lạc bộ (CLB) nhảy Zumba, 2 CLB bóng chuyền hơi, 1 CLB bóng đá, 1 CLB văn nghệ thu hút đông đảo người dân tham gia.

Không chỉ là nơi rèn luyện sức khỏe, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, NVH thôn trên địa bàn huyện còn là nơi triển khai học tập, quán triệt các nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với người dân. Hình thức triển khai khá đa dạng, như qua các cuộc họp của thôn, các hội đoàn thể, hay những buổi xây dựng kịch bản, luyện tập văn nghệ tuyên truyền nhiệm vụ chính trị của địa phương. Với một số địa phương, NVH thôn gắn với đình làng được xem là nơi gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống. Điển hình, như thôn Cao Nhuận (xã Vạn Thiện) – thôn duy nhất trong xã có NVH được xây dựng trên nền đình làng cũ. Nhìn khuôn viên NVH cũng như cách xây dựng, bài trí người ta có thể nhận thấy khung cảnh cổ kính, gần gũi của nông thôn Việt Nam và tín ngưỡng thờ phụng Thành hoàng làng của người dân. Ông Đào Xuân Đài, trưởng ban công tác mặt trận thôn Cao Nhuận chia sẻ: NVH thôn – đình làng là nơi để con cháu thể hiện lòng thành kính đối với những người có công gây dựng và bảo vệ làng xóm. Đồng thời, với không gian văn hóa làng, xã xưa, nhiều hoạt động văn hóa, nhiều tiết mục văn nghệ, trò chơi, trò diễn gắn với đình làng được người dân gìn giữ và phát huy.

Không chỉ riêng xã Vạn Thiện, mà NVH thôn ở các xã Tế Lợi, Minh Nghĩa, Thăng Long, Công Liêm... đều được sử dụng hiệu quả, góp phần tạo diện mạo mới cho địa phương và làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân. Hiện, toàn huyện có 100% thôn, làng, tiểu khu có NVH; trong đó, 183/201 nhà đạt chuẩn. 100% xã, thị trấn đạt chuẩn tiêu chí văn hóa nông thôn mới. Toàn huyện có hơn 400 CLB văn hóa, văn nghệ, thể thao; 84% gia đình được công nhận gia đình văn hóa; 41% người tập thể dục, thể thao thường xuyên; 35% hộ gia đình thể thao.

Có được kết quả trên là do những năm qua, huyện đã chú trọng thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Ðảng, Nhà nước về xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở. Trong đó có việc, dành quỹ đất, quy hoạch đất để xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao từ xã đến các thôn, làng. Nhiều xã đã có cơ chế hỗ trợ xây dựng, hoàn thiện các thiết chế trên địa bàn. Cùng với đó, huy động xã hội hóa từ Nhân dân, các doanh nghiệp, tổ chức để xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm phương tiện phục vụ các hoạt động tại NVH.

Từ việc đầu tư đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, các địa phương trên địa bàn huyện cũng chú trọng đổi mới, sáng tạo cách thức tổ chức, hoạt động nhằm thổi “luồng gió mới” cho các NVH. Tổ chức bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ quản lý và tổ chức các hoạt động văn hóa cơ sở. Đồng thời, tích cực thành lập các đội, CLB văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao. Đặc biệt, để nâng cao trách nhiệm và hiệu quả sử dụng NVH, các địa phương đã giao việc quản lý, bảo vệ, sử dụng NVH cho người dân. Từ đó, các thôn, làng, khu phố bầu ban chủ nhiệm, ban quản lý điều hành NVH; xây dựng nội quy, quy chế hoạt động của NVH lồng ghép với xây dựng hương ước, quy ước phù hợp với phong tục, tập quán của địa phương.

Ông Đặng Minh Thư, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Nông Cống cho biết: Phần lớn các NVH trên địa bàn được quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả công năng. NVH đã thực sự trở thành một điểm sinh hoạt cộng đồng thiết thực của người dân. Từ sinh hoạt, trao đổi thông tin, nâng cao hiểu biết đến giao lưu văn hóa, văn nghệ, rèn luyện sức khỏe... tất cả đều được diễn ra tại NVH. Bên cạnh đó, NHV cũng góp phần bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Thực tế cho thấy, nhiều giá trị văn hóa ở địa phương đã được giữ gìn, nuôi dưỡng, phát huy từ thế hệ này sang thế hệ khác từ những NVH.

Bài và ảnh: Thùy Linh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/luong-gio-moi-trong-hoat-dong-cua-cac-nha-van-hoa-thon-o-huyen-nong-cong/132403.htm