'Luồng gió mới' cho VHNT Quảng Ninh hơn 60 năm trước

Năm 1958, đoàn văn nghệ sĩ trung ương do nhà thơ Huy Cận, lúc đó là Thứ trưởng Bộ Văn hóa, dẫn đầu đã thực tế 'ba cùng' ở Vùng mỏ, mang đến luồng gió mới cho những sáng tác về công nhân mỏ.

Lớp vẽ công nhân do họa sĩ Hoàng Công Luận hướng dẫn trong một buổi thực hành. Ảnh tư liệu của họa sĩ Vũ Quý

Ông Hoàng Tuấn Dương, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Than Quảng Ninh, nhớ lại: Riêng đoàn nhà văn chia làm 3 nhóm đi xuống các mỏ. Nhóm của nhà thơ Huy Cận thực tế ở mỏ Đèo Nai, nhóm của nhà thơ Trinh Đường thực tế ở Hòn Gai và nhóm của nhà văn Nguyễn Dậu thực tế ở mỏ Lộ Trí (thuộc Công ty Than Thống Nhất ngày nay). Gần một năm sau đó, Huy Cận có tập thơ “Trời đã sáng rồi”, Tạ Hữu Yên có tiểu thuyết “Lửa than”, Nguyễn Dậu có “Mở hầm”. Nhóm nhà văn này còn thường xuyên đứng lớp bồi dưỡng viết văn sau khi thành lập “Tổ bạn viết trẻ” cho các cây bút của ngành Than tại khu vực Cẩm Phả. Ngay trong năm 1958, nhà văn Võ Huy Tâm đã có truyện ngắn “Chiếc cán búa” được trao giải ba của báo Văn nghệ. Đến tháng 10/1959, tạp chí Người Vùng mỏ đã phát hành số đầu tiên đăng tải rất nhiều sáng tác từ trong những đợt thực tế này.

Tháng 4/1964, nhạc sĩ Đỗ Nhuận dẫn đầu một đoàn nhạc sĩ gồm Hoàng Vân, Phạm Tuyên, Trọng Bằng, Trần Quý, Chu Minh, Tân Huyền, Văn Dung v.v.. về Vùng mỏ thực tế sáng tác. Từ đó họ đã có những ca khúc đóng đinh trên sân khấu ca nhạc Vùng mỏ như: “Những ngôi sao ca đêm” của Phạm Tuyên, “Đường đi lên mỏ” của Tân Huyền, “Bài ca công nhân Vùng mỏ” của Đỗ Nhuận, “Tôi là người thợ lò” của Hoàng Vân, “Bài ca thợ lò” của Hoàng Hiệp, “Nhịp máy khoan” của Trọng Bằng, “Trái tim đỏ trên đất mỏ Vàng Danh” của Chu Minh, “Đất mỏ anh hùng” của Xuân Giao, “Những người lái xe trên tầng” của Thành Long v.v.. Các ca khúc được viết thời điểm đó đã vẽ nên một không gian âm nhạc Vùng mỏ với những đặc trưng riêng đẹp về ca từ và giai điệu.

Cũng từ sự tiếp xúc này, sau đó một loạt nhạc sĩ nghiệp dư của Vùng mỏ đã được hình thành như: Lê Nguyên Thêm (mỏ Hà Lầm), Văn Tích (mỏ Đèo Nai), Vũ Đạm (Xí nghiệp bến Hòn Gai, nay là Công ty Tuyển than Hòn Gai), Đức Nhuận (Nhà máy Cơ khí Cẩm Phả) v.v.. Âm nhạc của các nhạc sĩ giai đoạn này ít coi trọng ca từ và giai điệu mà chú trọng tiết tấu nhanh, sôi động phản ánh cuộc sống đang hối hả, năng động của Vùng mỏ.

Ngoài âm nhạc và văn học ra thì mỹ thuật Quảng Ninh cũng đã có những "vụ mùa bội thu" sau những chuyến thực tế sáng tác có chất lượng này. Như đã nói ở trên, năm 1958, đi cùng nhà thơ Huy Cận còn có các họa sĩ Nguyễn Anh Thường, Hoàng Công Luận, Nguyễn Yên, Lưu Yên, Vũ Duy Nghĩa. Họ vừa thực tế sáng tác, vừa tham gia giảng dạy cho các lớp vẽ công nhân. Sau đó một vài năm, Ty Văn hóa - Thông tin, Liên hiệp Công đoàn tỉnh và Hội Văn nghệ Quảng Ninh đã mở nhiều lớp, nhiều trại sáng tác hội họa ở TX Hồng Gai và cử người đi học Trường Đại học mỹ thuật Hà Nội hay Trường Cao đẳng mỹ thuật công nghiệp. Từ môi trường thuận lợi đó, nhiều người từ công nhân đã trở thành họa sĩ vững tay nghề, được kết nạp vào Hội Mỹ thuật Việt Nam, như: Nguyễn Hoàng (mỏ Hà Lầm), Bùi Đình Lan và Lê Vân Hải (mỏ Đèo Nai), Ngô Phương Cúc (mỏ Hà Tu).

Nhờ sự phát triển nhanh chóng của lực lượng văn nghệ sĩ đến năm 1979, Chi hội VHNT Công ty Than Hòn Gai (Công ty Than Hòn Gai là tiền thân của Tổng Công ty Than Việt Nam, sau này là TKV) ra đời và là chi hội VHNT đầu tiên của một đơn vị kinh tế trong cả nước. Mỗi năm, Chi hội đều tổ chức các trại sáng tác, các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho thợ mỏ. Từ các trại sáng tác này, nhiều tác phẩm lớn đã ra đời như: Tiểu thuyết “Thời gian đang đi” của Nguyễn Sơn Hà, tiểu thuyết “Mảnh đời của Huệ” của Võ Khắc Nghiêm, tập truyện “Mùa than trôi” của Tô Ngọc Hiến, phim tài liệu “Vùng mỏ con người và lịch sử” của Đặng Huỳnh Thái v.v..

Một chuyến thực tế sáng tác dưới lò Mông Dương của các văn nghệ sĩ. Ảnh tư liệu của Công ty Than Mông Dương.

Cho đến tận bây giờ, ngành Than vẫn thường xuyên phối hợp với các hội chuyên ngành ở trung ương như: Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam v.v.. tổ chức cho văn nghệ sĩ đi thực tế sáng tác tại các mỏ. Các chuyến thực tế cho thấy đề tài công nhân mỏ luôn có sức hút lớn đối với lực lượng sáng tác văn học nghệ thuật. Không ít tác giả từ Trung ương đến các địa phương, ở nhiều ngành nghề khác nhau sau mỗi chuyến thực tế còn gắn bó lâu dài với mảng đề tài thợ mỏ, đồng hành cùng người thợ mỏ trên lĩnh vực lao động có tính đặc thù này. Các tác phẩm văn xuôi đã tích cực khắc họa hình ảnh thợ mỏ trải qua nhiều thử thách để vươn lên, trưởng thành.

Không ít tác giả khi đi thực tế sáng tác ở các mỏ còn khích lệ, gây dựng phong trào sáng tác của đội ngũ công nhân. Nhờ đó mà thời gian gần đây, lực lượng văn nghệ sĩ ngành Than đã và đang được bổ sung và có nhiều thành tựu đáng khích lệ. Nhiều hội viên đã nhận được những danh hiệu của tỉnh, của Trung ương. Đến nay, trong ngành Than đã có trên 50 người là Nghệ sĩ Vùng mỏ, nhiều người được tặng huy chương vàng, huy chương bạc tại các kỳ hội diễn.

Huỳnh Đăng

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/201810/luong-gio-moi-cho-vhnt-quang-ninh-hon-60-nam-truoc-2406074/