Lương công nhân không đủ sống, lấy gì để sáng tạo?

PGS.TS.Vũ Quang Thọ cho rằng, cuộc CMCN 4.0 đòi hỏi nguồn lao động sáng tạo và chuyên nghiệp... Tuy nhiên, con người có thể sáng tạo được không khi lương công nhân Việt Nam hiện không đủ sống?

Liên quan đến vấn đề CMCN 4.0 có tác động lớn đối với thị trường lao động Việt Nam, PGS.TS Vũ Quang Thọ - Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có bài tham luận chia sẻ về vấn đề này tại Diễn đàn khoa học "Việc làm, tiền lương và NSLĐ Việt Nam trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0".

PGS.TS Vũ Quang Thọ chia sẻ về vấn đề tác động CMCN 4.0 đối với các ngành nghề và lĩnh vực tại Việt Nam. Ảnh: CIRD

Trí tuệ nhân tạo ngày càng trở nên phổ biến?

CMCN 4.0 được biết tới là các hệ thống thực và ảo bổ sung cho nhau. Với hệ thống ảo, từ ý tưởng sản phẩm được định hình, thiết kế, sau đó được tạo ra trong hệ thống thực, được giới thiệu, quảng bá và kết nối với người tiêu dùng qua hệ thống ảo và được vận chuyển tới người tiêu dùng trong hệ thống thực. Công nghệ in 3D giúp sản xuất ra sản phẩm, đáp ứng yêu cầu cá nhân của từng người tiêu dùng nên sản xuất hàng loạt được thay thế bằng sản xuất đơn chiếc theo nhu cầu cá nhân. Sản phẩm tiêu dùng sẽ mang tính cá nhân hóa cao. Mô hình sản xuất và lưu thông sản phẩm, liên kết giữa hệ thống thực và ảo, tạo ra sự thay đổi việc làm trong các lĩnh vực và từ đó tác động tới cung cầu của thị trường lao động.

CMCN 4.0 sẽ làm thay đổi việc làm trong tất cả các ngành nghề và lĩnh vực.

Trong ngành ngân hàng: Trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence), cùng với dữ liệu lớn… sẽ làm thay đổi cách quản lý danh mục rủi ro, quản lý khách hàng và quản lý cơ sở dữ liệu. Mô hình ngân hàng số trở nên phổ biến, thay đổi hoàn toàn kênh phân phối và các sản phẩm dịch vụ ngân hàng truyền thống: Kênh bán hàng qua internet, mobilebanking, tablet banking, mạng xã hội. Việc phát triển ngân hàng số và giao dịch không giấy tờ sẽ là xu thế phát triển mạnh. Các thị trường tài chính toàn cầu được kết nối, từ đó thuận lợi cho công việc chăm sóc khách hàng theo phương thức từ xa qua video-call, làm thay thế hoàn toàn cách giao tiếp thông thường của con người. Mặc dù chưa được pháp luật thừa nhận, song đồng tiền điện tử không do các ngân hàng trung ương phát hành, có thể được sử dụng trong hệ thống giao dịch ngân hàng, có thể tác động xấu tới mục tiêu ổn định giá cả.

Trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, giải trí: Robot có thể làm những việc như pha chế đồ uống, bán hàng, chế biến đồ ăn, dọn nhà… giống như một con người. Tại Nhật Bản, Hàn Quốc, robot bắt đầu xuất hiện khá nhiều trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Tại khu vực lễ tân khách sạn, cơ quan, công ty, cửa hàng, khi có khách đến, robot có thể tự động nhận dạng, ghi nhớ để chào hỏi. Robot nhớ được sở thích, trả lời các nhu cầu của khách hàng bằng giọng nói hoàn toàn như con người. Như vậy, ngay đến các công việc mà con người vốn cho rằng cần sự giao tiếp, sự khéo léo, thì robot cũng làm được.

Trong lĩnh vực viễn thông: Những ngành nghề từ trước tới nay sử dụng lượng lớn nhân sự tưởng rằng không thể thay thế bằng robot như call center - hệ thống tổng đài trả lời trong ngành viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, cũng có thể bị đe dọa.

Trong lĩnh vực giao thông công cộng: Thế hệ ô tô không người lái sẽ phát triển. Khoa học chứng minh: xe tự lái đảm bảo an toàn giao thông cao gấp nhiều lần vì không có tình trạng say rượu bia, vượt đèn đỏ, phóng nhanh vượt ẩu. Hiện ô tô không người lái đã được đưa vào ứng dụng tại Mỹ. Hãng Uber đã đặt hàng chục ngàn xe loại này để đưa vào vận hành taxi không người lái.

Trong lĩnh vực y tế: Trí tuệ nhân tạo có thể lướt duyệt cùng lúc hàng triệu hồ sơ bệnh án để cung cấp cho các bác sĩ những lựa chọn điều trị dựa trên bằng chứng chỉ trong vòng vài giây; công nghệ của CMCN 4.0 cho phép con người có thể tìm hiểu rõ ràng, thường xuyên về tình hình sức khỏe của mình. Các bác sĩ chỉ cần nhập dữ liệu người bệnh để được phân tích, so sánh với kho dữ liệu khổng lồ có sẵn và đưa ra gợi ý hướng điều trị chính xác.

Trong lĩnh vực giáo dục: Mọi môn học đều có thể ứng dụng công nghệ ảo cho giáo dục. Ví dụ: Để thực hành lái máy bay, công nghệ thực tế ảo sẽ cho phép học viên đeo một chiếc kính, nhìn thấy phía trước là cabin và học lái máy bay như thật. Giáo viên lịch sử truyền thống chuẩn bị tranh ảnh để học sinh hiểu hơn về một trận đánh, một di tích hay cách thức giao tiếp với nhau trong xã hội cổ đại, nhưng cũng chỉ là tưởng tượng qua ngôn ngữ và hình ảnh. Giờ đây, nhờ công nghệ thực tế ảo, học sinh có thể đeo kính ảo để nhập vai ngay, chứng kiến những trận đánh, ngắm nhìn di tích, mang lại cảm xúc và sự ghi nhớ sâu sắc, giúp bài học trở nên sâu sắc hơn. Như vậy, trong tương lai, số lượng giáo viên ảo có thể nhiều hơn lượng giáo viên thực rất nhiều.

Trong lĩnh vực nông nghiệp: Với CMCN 4.0, sẽ không còn là nông nghiệp thuần túy như trước đây. Ví dụ: khi chưa có công nghệ hỗ trợ, cây không hấp thụ được 80-90% lượng phân bón, do bón sai thời điểm, sai cách thức dẫn tới lãng phí lớn. Công nghệ IoT với hàng loạt hệ thống cảm biến và đầu đo (sensor) có thể giúp bón phân đúng thời điểm, cách bón khoa học vào chỗ thích hợp, với lượng cần thiết, vừa đủ cho cây, giúp tiết kiệm chi phí so với phương thức truyền thống. Như vậy, các nước phát triển thiếu nguồn nhân lực nông nghiệp có thể tự sản xuất lương thực, thực phẩm bằng diện tích đất chỉ bằng 1/100 hay 1/1000 so với các nước đang phát triển làm, nhưng với năng suất cao hơn nhiều lần, nhờ cách chăm sóc khoa học và không cần phải nhập sản phẩm từ các nước đang phát triển nữa. Nông dân công nghệ thấp sẽ dần mất đi việc làm và nguồn tiêu thụ vào tay nông dân công nghệ cao. Khi đó, nông dân - nhóm người vốn bấp bênh nhất về công việc cũng sẽ rơi vào tình trạng thất nghiệp.

Trong ngành dệt may, da giày, điện tử, những ngành hiện đang sử dụng đông lao động sẽ đối mặt với nguy cơ mất việc làm vào tay robot. Cạnh tranh bằng chi phí nhân lực giá rẻ không còn là lợi thế. Quá trình thay thế con người bằng máy móc đang diễn ra. Tốc độ diễn ra nhanh hay chậm tùy thuộc vào so sánh tương đương giữa giá thành máy móc và giá thành sử dụng nhân công. Báo cáo mới đây của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cung cấp số liệu đáng lo ngại khi mà hơn 2/3 trong số 9,2 triệu lao động ngành dệt may và da giày tại Đông Nam Á đang bị đe dọa bởi sự bùng nổ nhanh chóng của ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, khoảng 86% lao động của Việt Nam, 88% lao động của Campuchia và 64% lao động Indonexia trong ngành may mặc, da giày sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề từ làn sóng tự động hóa, công nghiệp hóa của ngành. Ngành dệt may có thể sẽ hoàn toàn tự động hóa (từ khâu tự động quét cơ thể người để lấy số đo, cho đến hoàn thiện sản phẩm cuối cùng); ngành lắp rắp ô tô cũng có thể sẽ hoàn toàn tự động hóa.

Con số báo động: Khoảng hơn 200.000 người có trình độ từ đại học trở lên và khoảng 80.000 người có trình độ cao đẳng đang trong tình trạng tìm kiếm việc làm, hoặc không có việc làm?

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, thị trường lao động Việt Nam thời gian qua tiếp tục được phát triển theo hướng hiện đại hóa và định hướng thị trường; khuôn khổ luật pháp, thể chế, chính sách thị trường lao động từng bước được hoàn thiện. Chất lượng cung tăng lên; cơ cấu cầu lao động có chuyển dịch tích cực; thu nhập, tiền lương được cải thiện, năng suất lao động và tính cạnh tranh của nguồn nhân lực tăng lên.

Những điểm sáng nổi bật của thị trường lao động của Việt Nam thời gian qua bao gồm việc chuyển dịch theo hướng tốt hơn, số người làm công ăn lương, có quan hệ lao động tăng dần. Hiện số lao động trong lĩnh vực nông nghiệp còn khoảng 40% lao động xã hội, cơ bản đạt mục tiêu đề ra là giảm lao động nông nghiệp xuống dưới 40% trong giai đoạn 2015-2020. Tỉ lệ người trong độ tuổi lao động tham gia lực lượng lao động vẫn duy trì ở mức cao, khoảng 76%. Tỉ lệ lao động có việc làm phi chính thức ngoài hộ nông, lâm nghiệp, thủy sản là 57,1%; năng suất lao động theo giá hiện hành ước tính đạt 84,5 triệu đồng/lao động (tương đương khoảng 3.853 USD/lao động).

Năm 2017, cả nước đã tạo việc làm cho gần 1,6 triệu người. Tỉ lệ thất nghiệp của Việt Nam cũng ở mức thấp so với khu vực, trong đó, tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị giảm xuống chỉ còn 3,19%. Chất lượng việc làm, thu nhập của người lao động đều đặn được tăng lên, mức độ phân biệt giữa việc trả công cho lao động nam và nữ cũng đã thu hẹp. Số lao động làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng tiếp tục tăng. Trong năm 2017, cả nước đã đưa hơn 130.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, vừa mang về cho ngân sách quốc gia nguồn lực tài chính, vừa tích lũy được kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng làm việc. Theo dự báo, từ nay đến năm 2025, lực lượng lao động Việt Nam tăng 1,28%/năm. Lực lượng lao động xã hội sẽ tăng từ gần 55 triệu người năm 2017 lên 62 triệu người vào năm 2025.

Tuy vậy, tại thị trường lao động Việt Nam mấy năm qua, số người thất nghiệp có trình độ cao đẳng, đại học trở lên, vẫn rất cao. Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện có khoảng hơn 200.000 người có trình độ từ đại học trở lên và khoảng 80.000 người có trình độ cao đẳng đang trong tình trạng tìm kiếm việc làm, hoặc không có việc làm. Nhiều sinh viên khi ra trường có việc làm, nhưng lại làm trái ngành, nghề được đào tạo. Tình trạng doanh nghiệp tìm cách sa thải lao động từ 35, 40 tuổi vì nhiều lý do đã xuất hiện thời gian qua và có xu hướng chưa chấm dứt. Đa số lao động bị sa thải hoặc mất việc đều muốn nhận bảo hiểm thất nghiệp một lần, chưa quan tâm đến việc học nghề, tìm kiếm cơ hội việc làm khác, để có thể quay lại thị trường lao động. Nếu những hạn chế, bất cập nêu trên không sớm được khắc phục thì thị trường lao động Việt Nam trong bối cảnh CMCN 4.0 có nguy cơ đổ vỡ với quy mô lớn.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, CMCN 4.0 tạo ra nguy cơ mất lao động hàng loạt song sẽ mang tới nhiều ngành nghề mới, cơ hội mới.

"Lạc quan nhìn lại các cuộc cách mạng trong quá khứ, bao giờ cũng có những lao động, ngành nghề mất đi, nhưng cũng sẽ sản sinh ra lao động, ngành nghề mới", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại sự kiện Đối thoại chính sách cao cấp về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, trong khuôn khổ Hội nghị các quan chức cao cấp APEC lần thứ 2 (SOM 2) ở Hà Nội.

Phó Thủ tướng cho rằng, cuộc CMCN 4.0 và kỷ nguyên số, không chỉ giúp tăng năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế mà còn mở ra một chân trời kết nối giữa con người với con người.

Đối với thị trường lao động Việt Nam, trong CMCN 4.0, những yếu tố mà từ trước đến giờ, ta tự coi là có ưu thế như lực lượng lao động thủ công trẻ, dồi dào, giá rẻ, sẽ không còn là thế mạnh nữa, thậm chí bị đe dọa nghiêm trọng. Với sự bùng nổ ứng dụng Internet, công nghệ số, thiết bị thông minh, robot, vào sản xuất như hiện nay, đang đặt ra nhiều thách thức cho nguồn nhân lực Việt Nam. Vì vậy, trong tương lai gần, Việt Nam cũng có thể sẽ phải chịu sức ép về vấn đề giải quyết việc làm và phải đối mặt với sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp hoặc thiếu việc làm vì quy mô dân số lớn, nhưng chất lượng nguồn nhân lực nhìn chung còn thấp và chưa thích ứng với yêu cầu của cuộc CMCN 4.0. 46 triệu lao động Việt Nam chưa qua đào tạo sẽ đứng trước nguy cơ không có cơ hội tham gia làm những công việc có mức thu nhập cao, bị thay thế bởi robot, trang thiết bị công nghệ thông minh… Trong tương lai, người dân có thể mất việc làm bởi những lĩnh vực mà công nghệ robot có thể tác động tới bao trùm từ dệt may, dịch vụ, giải trí cho đến y tế, giao thông, giáo dục...

Tác động đến nguồn lực chất lượng cao, đặc biệt là các kỹ sư công nghiệp, và các robot thực hiện công việc nhiều hơn, sẽ bị phá hoại nếu các kỹ sư không điều khiển được chúng. Do đó, các kỹ sư công nghiệp phải tìm hiểu sâu thế giới của công nghệ thông tin và truyền thông để đối phó với các hệ thống phức tạp. Như vậy, với CMCN 4.0 không phải biến các kỹ sư thành các nhà khoa học dữ liệu chuyên nghiệp hoặc các chuyên gia, mà thay vào đó, trang bị cho họ kiến thức và kỹ năng trong những lĩnh vực tương ứng để giúp họ làm việc được trong điều kiện mới, ví dụ, cung cấp cho họ những kỹ năng mô phỏng mô hình nhà máy ảo, truyền thông dữ liệu và mạng tự động hóa hệ thống, các giao diện người - máy nhân tạo, kỹ thuật chuyển đổi kỹ thuật số - vật lý, chẳng hạn như in ba chiều, hệ thống quản lý và kiểm soát chất lượng quá trình sản xuất sản phẩm và quy trình sản xuất tích hợp, hệ thống tối ưu hóa hàng tồn kho và hậu cần.

Đồng thời, với các quá trình này, người lao động sẽ phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp và bất bình đẳng gia tăng. Những lao động có tay nghề thấp hơn, đặc biệt là lao động trong các gia đình, lao động văn phòng và hành chính, sản xuất có thể bị rơi vào vòng luẩn quẩn, nơi đại bộ phận người lao động có kỹ năng thấp, có nghĩa họ có thể phải đối mặt với sa thải. Để tránh bị sa thải, thế hệ người lao động trong tương lai phải hiểu và phải được trang bị kỹ thuật số thành thạo và suốt đời. Như vậy, tương ứng với yêu cầu của CMCN 4.0, người lao động phải nâng cao năng lực học tập, thuần phục các kỹ năng giải quyết vấn đề, trực giác, sáng tạo và thuyết phục, các kỹ năng tự tổ chức, quản lý, kĩ năng làm việc nhóm, hoặc kỹ năng giao tiếp cũng phải được đào tạo. Đây là yêu cầu tiên quyết, không trì hoãn nếu không muốn tụt hậu tiếp. Các rào cản còn đến từ sự thiếu hiểu biết và hạn chế nguồn lực và áp lực lợi nhuận ngắn hạn và thiếu sự liên kết giữa các chiến lược về nguồn nhân lực và chiến lược đổi mới của các doanh nghiệp.

CMCN 4.0 sẽ đặt ra yêu cầu nghiêm ngặt là thị trường lao động phải có sự thay đổi căn bản về cơ cấu lao động, cơ cấu các nguồn lực để hỗ trợ thị trường, cơ cấu về trình độ lao động. Người lao động phải có sự thích ứng cao hơn để đáp ứng những công việc mới và tránh bị đào thải. Đặc biệt là lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, tự động hóa, nông nghiệp công nghệ cao, chăm sóc sức khỏe... Đây là những cách thức mở ra cơ hội việc làm cho thanh niên ở cả trong nước và quốc tế. Ngoài ra, CMCN 4.0 cũng ảnh hưởng đến lĩnh vực đào tạo và đào tạo lại. Với CMCN 4.0, chúng ta buộc phải thay đổi phương thức đào tạo truyền thống để sang phương thức đào tạo linh hoạt, hiệu quả, chú trọng đào tạo các kỹ năng, chú trọng đào tạo lại, đào tạo ngắn hạn và đáp ứng yêu cầu của văn hóa học tập suốt đời.

PGS.TS Vũ Quang Thọ nhấn mạnh: "Muốn sáng tạo đòi hỏi con người phải thoát ra khỏi lo toan của cuộc sống hàng ngày và say mê trong công việc của mình. Điều này có thể được không, khi mà lương công nhân Việt Nam hiện nay không đủ sống..."

Thị trường lao động Việt Nam hiện nay vẫn chủ yếu và phổ biến là cung và cầu lao động kỹ năng thấp.

Cung lao động Việt Nam chủ yếu là lao động trẻ, trình độ thấp, giá rẻ. Hiện nay mới chỉ có 20,01% được đào tạo cơ bản, còn lại gần 80% không được đào tạo. Trong số 20,01% (số liệu của Tổng cục Dạy nghề), cơ cấu đào tạo cũng không hợp lý, thầy nhiều thợ ít, lực lượng công nhân kĩ thuật bậc cao rất khan hiếm. Bậc trên đại học (thạc sỹ và tiến sỹ), cử nhân, kỹ sư nhiều hơn so với nhu cầu của thị trường lao động. Thể lực của người lao động Việt Nam chưa tốt. Người Việt Nam có thể đạt yêu cầu về trình độ, nhưng có thể yếu về thể lực. Trong từng lĩnh vực, ngành nghề, còn có những bất cập rõ hơn. Sức khỏe chưa đáp ứng được yêu cầu của chất lượng nguồn nhân lực hiện tại. Đào tạo đại học và trên đại học, kỹ sư kỹ thuật khan hiếm, công nhân kỹ thuật lành nghề ít, chưa đạt yêu cầu thị trường. Thị trường lao động Việt Nam thiếu vắng lao động trình độ cao. Nguồn cung hiện nay đang có biểu hiện dư thừa nguồn lao động cộng với cơ cấu đào tạo không hợp lý dẫn đến thất nghiệp.

Cầu lao động Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào số lượng doanh nghiệp được thành lập ra. Cầu lao động ở Việt Nam vẫn chủ yếu là lao động giá rẻ, vì vậy, số doanh nghiệp được thành lập ra cũng nhắm vào sử dụng lao động giá rẻ, ít doanh nghiệp xuất hiện cầu sử dụng nhiều lao động kỹ thuật bậc cao. Khả năng tăng thêm sức cầu của lao động tùy thuộc vào thị trường lao động. Sức tăng trưởng của nền kinh tế 7% được xem là lớn nhưng chưa tiêu thụ hết lực lượng lao động hiện có, nên trong doanh nghiệp, chỗ này chỗ kia vẫn có tình trạng người sử dụng lao động gây áp lực với người lao động.

Tiền lương vẫn thấp hơn nhu cầu sống tối thiểu, nên chế độ đãi ngộ chưa đủ khuyến khích lao động trình độ cao, đầu quân cho những ngành mũi nhọn phát triển. Mức lương tối thiểu có biểu hiện bị cắt xẻ bởi nhiều vùng lương, có sự khác nhau về đánh giá chất lượng lao động. Xu hướng của thị trường lao động là tiến dần đến sự hợp nhất. Thị trường nên sắp xếp giảm dần các vùng lương có thể là 3, sau đó thống nhất giữ lại 2 vùng lương phân biệt theo lãnh thổ.

Các thiết chế của thị trường lao động về giới thiệu việc làm, kết nối cung cầu và giữa người sử dụng lao động và người lao động đã xuất hiện ở các ngành, các tỉnh nhưng vẫn nhằm vào lợi nhuận là chính, chưa có vai trò kết nối cung cầu khách quan, vô tư, nên thị trường lao động vẫn dậm chân tại chỗ.

CMCN 4.0 sẽ làm mất đi một bộ phận việc làm và tạo ra các loại việc làm mới. Các việc làm kỹ năng thấp, giản đơn, lặp đi lặp lại sẽ dễ bị máy móc, robot thay thế. Ngay cả các loại việc làm có kỹ năng trung bình cũng có thể bị trí tuệ nhân tạo thay thế. Các việc làm mới tạo ra trong CMCN 4.0 đòi hỏi nhiều kỹ năng, đặc biệt là các kỹ năng mềm. Theo Báo cáo về tương lai việc làm của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2016, 10 kỹ năng mềm quan trọng nhất vào năm 2020 bao gồm: Xử lý vấn đề phức hợp (complex problem solving), tư duy phản biện (critical thinking), sáng tạo (creativity), quản lý con người (people management), phối hợp với người khác (coordinating with others), trí tuệ xúc cảm (emotional intelligence), phán đoán và ra quyết định (judgement and decicion-making), định hướng dịch vụ (service orientation), thương lượng (negotiation), linh hoạt nhận thức (coginitive flexibility). Lực lượng lao động Việt Nam rất yếu về các kỹ năng mềm. Đây là thách thức đối với cả cung và cầu trên thị trường lao động trong tương lai gần.

Để phát triển thị trường lao động, Công nghiệp 4.0 đòi hỏi nguồn lao động sáng tạo, lao động tri thức, tức lao động được đào tạo cư bản, chuyên nghiệp. Không thể ép buộc con người phải sáng tạo giống như ép buộc con người phải làm việc cật lực trong Công nghiệp 2.0. Để sáng tạo cần phải có nền tảng nhất định về kiến thức cho xây dựng văn hóa sáng tạo trong lực lượng lao động.

Đặc biêt, PGS.TS Vũ Quang Thọ nhấn mạnh: "Muốn sáng tạo đòi hỏi con người phải thoát ra khỏi lo toan của cuộc sống hàng ngày và say mê trong công việc của mình. Điều này có thể được không, khi mà lương công nhân Việt Nam hiện nay không đủ sống..." Họ vẫn phải làm việc như robot, ảnh hưởng rất lớn đến thể lực, giống nòi và năng suất trong tương lai. Muốn sáng tạo, con người cần có nhận thức rõ ràng về Công nghiệp 4.0, về công nghệ, về kết nối, về xử lý vấn đề phức hợp. Nguồn lao động của Công nghiệp 2.0 hiện nay của Việt Nam để đủ sống và có chút tích lũy, phải làm việc như cỗ máy, không đòi hỏi sáng tạo, không còn sức lực sau một ngày làm việc để thực hiện những đam mê của mình, liệu có thể “đi thẳng” vào CMCN 4.0, bỏ qua Công nghiệp 3.0 để sáng tạo ra cái mới, khi chưa am hiểu về nền tảng kĩ thuật và công nghệ của cái cũ.

Văn hóa sáng tạo lại không thể có một sớm một chiều. Văn hóa là tinh túy và hình thành qua nhiều thế hệ để trở thành thói quen trong tư duy. Văn hóa sáng tạo đòi hỏi sự tự do về tư tưởng, dám nghĩ, dám làm, dám làm khác đi và chấp nhận rủi ro không phải thường trực lo toan về đời sống vật chất. Văn hóa sáng tạo cần được khuyến khích. Ngay cả những ý tưởng có vẻ “điên rồ” nhất cũng cần được khuyến khích, vì môi trường đó mới tạo ra những ý tưởng mới, và trong vô vàn ý tưởng mới đó, sẽ có những ý tưởng rất có giá trị. Chỉ cần một ý tưởng có giá trị cũng có thể làm thay đổi cả một quốc gia.

Gợi ý chính sách đối với thị trường lao động Việt Nam trong bối cảnh CMCN 4.0?

Ngày 04/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0, trong đó đã đề ra các giải pháp và giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành, địa phương tận dụng tối đa các lợi thế, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực của cuộc CMCN 4.0 đối với Việt Nam.

PGS.TS Vũ Quang Thọ cũng đề xuất một số giải pháp với thị trường lao động Việt Nam trong bối cảnh CMCN 4.0 như sau:

Thứ nhất, tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của toàn xã hội, các cơ quan, doanh nghiệp, người lao động về bản chất, nội dung và yêu cầu của CMCN 4.0 và tác động của nó đến nền kinh tế nói chung và thị trường lao động nói riêng. Đây là yêu cầu tiên quyết để các ngành, các cấp, người lao động, người sử dụng lao động cùng chung sức vượt qua những thách thức, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững.

Thứ hai, hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động - việc làm theo hướng vừa tích cực có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, duy trì và tiếp tục phát triển sản xuất, đảm bảo việc làm, hỗ trợ người lao động trong đào tạo và tái đào tạo để thích ứng với bối cảnh mới.

Thứ ba, đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nghề nghiệp, tạo bước chuyển biến rõ nét, thực chất về chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp thích ứng với CMCN 4.0, trong đó chú trọng theo hướng: Trang bị tay nghề, giáo dục thái độ lao động mới để người lao động sẵn sàng đáp ứng yêu cầu việc làm cả hiện tại và sau này.

Doanh nghiệp và nhà trường cần chủ động kết nối. Việc hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp là yếu tố tiên quyết tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho CMCN 4.0. Kết nối cung - cầu giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực là rất quan trọng. Điều này giúp cho các nhà trường hiểu và nắm bắt được nhu cầu của các doanh nghiệp về kỹ thuật, công nghệ và đặc biệt là yêu cầu về kiến thức, kỹ năng của các ứng viên, dự tuyển vào doanh nghiệp, từ đó giúp các trường xây dựng chương trình đào tạo phù hợp. Ngược lại, doanh nghiệp sẽ có nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng ngay được đòi hỏi của công việc.

Bên cạnh đó, sinh viên cần được trải nghiệm thực tế, ngoài việc học tập tại nhà trường, cần tạo điều kiện và tăng cường cơ hội để sinh viên được tiếp xúc và làm việc trực tiếp với các doanh nhân, các khách hàng để học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng làm việc, gắn kiến thức lý thuyết với thực tế việc làm của doanh nghiệp.

Thứ tư, hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động và nâng cao chất lượng dự báo thị trường lao động, đặc biệt là dự báo nhu cầu lao động của các doanh nghiệp, các ngành nghề phổ biến trong bối cảnh CMCN 4.0. Có cơ chế thúc đẩy sự kết nối giữa cung và cầu lao động, bảo đảm cầu lao động định hướng cho cung một cách hiệu quả.

Phương Mai

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/luong-cong-nhan-khong-du-song-lay-gi-de-sang-tao-d150582.html