Lương cơ bản sẽ tăng lên 1,49 triệu đồng/tháng từ 1-7-2019

Với 89,16% ĐBQH tán thành, chiều nay, 9-11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2019.

Nghị quyết nêu rõ, sẽ thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,39 triệu đồng/tháng lên 1,49 triệu đồng/tháng, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng theo quy định (đối tượng do NSNN bảo đảm) và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng bằng mức tăng lương cơ sở, thời điểm thực hiện từ ngày 1-7-2019.

Giao các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương tiếp tục thực hiện các quy định về chính sách tạo nguồn cải cách tiền lương kết hợp triệt để tiết kiệm chi gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao mức độ tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Tiếp tục quản lý chặt nợ công

Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết cho biết: Về thu NSNN năm 2018, một số ý kiến cho rằng, nợ công, nợ Chính phủ dự kiến đạt so với mục tiêu đề ra nhưng tốc độ tăng của nợ công, nợ Chính phủ lớn hơn so với mức tăng trưởng GDP (6,7%). Đề nghị cần xem xét, phân tích làm rõ vấn đề này.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải

UBTVQH nhận thấy, với tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2017 là 6,81%; đánh giá tốc độ tăng trưởng GDP năm 2018 trên 6,7%, thì tốc độ tăng GDP danh nghĩa (bao gồm tăng trưởng kinh tế và lạm phát) đang xoay quanh mức 11%/năm. Như vậy, nếu tốc độ tăng nợ công ở mức khoảng 10% của giai đoạn 2016-2018 thì vẫn thấp hơn tốc độ tăng GDP danh nghĩa.

Vì vậy, quy mô nợ công tính theo quy mô GDP danh nghĩa đã có xu hướng giảm. Trong bối cảnh NSNN còn khó khăn, nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển lớn, còn bội chi ngân sách hàng năm, thì việc vay nợ công là cần thiết, góp phần tạo nguồn cho đầu tư phát triển.

Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến các vị ĐBQH, UBTVQH đề nghị Chính phủ cần tiếp tục quản lý chặt chẽ, không để nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia vượt giới hạn theo Nghị quyết của Quốc hội, đồng thời, từng bước cơ cấu lại nợ theo hướng giảm vay nợ nước ngoài, tăng vay nợ trong nước, góp phần bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.

Thu NSNN tăng 3,9% so với ước thực hiện năm 2018

Về dự toán NSNN năm 2019, có ý kiến cho rằng, dự toán thu NSNN năm 2019 tăng 3,9% so với ước thực hiện năm 2018 là mức tăng tương đối thấp so với các năm gần đây. Đề nghị giải trình rõ vấn đề này.

Các đại biểu biểu quyết tại hội trường

UBTVQH cho rằng, dự toán thu năm 2019 đã được xây dựng trên cơ sở các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (tăng trưởng 6,6-6,8%, chỉ số CPI tăng 4%, tăng trưởng xuất khẩu 7-8%,...), các cân đối vĩ mô chủ yếu (cung-cầu xăng dầu, sản lượng dầu thô,..), dự báo các ngành hàng quan trọng (giá dầu, cao su,...), cũng như việc điều chỉnh các chính sách thu đã được cấp có thẩm quyền quyết định.

Theo đó, dự toán tổng thu NSNN năm 2019 chỉ tăng 3,9% so với ước thực hiện năm 2018, nhưng nếu loại trừ tác động của các yếu tố giảm thu khách quan thì thực tế, thu nội địa từ thuế, phí (không kể tiền sử dụng đất, XSKT, bán vốn, cổ tức và lợi nhuận sau thuế) dự kiến tăng 12,8%, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng khoảng 11,8% so với ước thực hiện năm 2018. Đây là mức phấn đấu khá cao, phù hợp với mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức cao là 6,8% và chỉ số giá tiêu dùng khoảng 4%.

Do đó, UBTVQH xin Quốc hội chấp thuận mức dự toán thu NSNN như Chính phủ trình, đồng thời, đề nghị Chính phủ nỗ lực trong quản lý, điều hành NSNN, thực hiện các giải pháp tích cực, bảo đảm thu đúng, thu đủ và kịp thời vào NSNN, phấn đấu thu NSNN đạt mức cao nhất.

Đẩy mạnh khoán sử dụng xe công

Một số ý kiến đề nghị cần cơ cấu lại một số khoản chi bảo đảm hợp lý, có kế hoạch, biện pháp thực hành tiết kiệm, cắt, giảm những nhiệm vụ chi không cần thiết, tiết giảm mạnh hơn chi NSNN cho đoàn ra; không bố trí kinh phí mua sắm trang thiết bị đắt tiền, xe công; giảm chi cho khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội; không ban hành chính sách khi không có nguồn bảo đảm.

Toàn cảnh hội trường

“UBTVQH nhận thấy, đúng như ý kiến của các vị ĐBQH đã nêu, trong điều kiện cân đối NSNN còn khó khăn, nợ công vẫn còn khá cao, thực hiện việc tiết kiệm chi NSNN là một trong những nhiệm vụ bức thiết, đòi hỏi thực hiện ở tất cả các cấp ngân sách. Vì vậy, tiếp thu ý kiến các vị ĐBQH, UBTVQH đã thể hiện cụ thể nội dung trên tại khoản 4 Điều 4 của Dự thảo Nghị quyết” – Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách nêu.

Theo đó, điều hành chi NSNN theo dự toán được giao. Tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên; giảm mạnh kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài; bố trí kinh phí mua sắm trang thiết bị chặt chẽ, đúng quy định; đẩy mạnh việc thực hiện khoán sử dụng xe công; không bố trí dự toán chi cho các chính sách chưa ban hành; chỉ ban hành chính sách làm tăng chi NSNN khi thật sự cần thiết và có nguồn bảo đảm…

Nghị quyết nêu rõ, Tổng số thu NSNN là 1.411.300 tỷ đồng. Tổng số chi NSNN là 1.633.300 tỷ đồng. Mức bội chi NSNN là 222.000 tỷ đồng, tương đương 3,6% tổng sản phẩm trong nước (GDP), gồm: Bội chi ngân sách trung ương là 209.500 tỷ đồng, tương đương 3,4%GDP; Bội chi ngân sách địa phương là 12.500 tỷ đồng, tương đương 0,2%GDP. Tổng mức vay của NSNN là 425.252 tỷ đồng.

Quỳnh Vinh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/dieu-chinh-luong-co-so-len-1-49-trieu-dong-thang-tu-1-7-2019-519264/