Luồng cạn, doanh nghiệp gặp 'hạn' đủ đường Kỳ IV: Sống chết mặc bay!

Dù đã được chấp thuận nhiều điểm đổ thải trên bờ nhưng Cục Hàng hải cứ lần khân vì sợ... tốn. Mải mê bảo vệ quyền lợi của mình mà cơ quan này đã bỏ qua quyền lợi của các doanh nghiệp khai thác, vận tải biển.

Vướng các thủ tục đổ thải ra biển theo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo nhưng không có nghĩa Hải Phòng hết chỗ đổ. Ngày từ cuối năm 2016, 5 điểm đổ thải trên bờ đã được Hải Phòng “chỉ” nhưng Cục Hàng hải đều lấy lý do... phát sinh chi phí để từ chối.

Biên bản thỏa thuận vị trí đổ vật liệu nạo vét duy tu các tuyến luồng hàng hải Hải Phòng - Phà Rừng - Cái Tráp năm 2017 giữa Cty CPĐT Đình Vũ và TCty Bảo đảm An toàn hàng hải Miền Bắc.

Luồng quốc gia hay ao nhà?

Thậm chí, ngày 10/5/2017, Tcty BĐATHHMB đã có biên bản thỏa thuận với Cty CP Nam Đình Vũ về vị trí đổ vật liệu nạo vét duy tu các tuyến luồng hàng hải Hải Phòng. Theo thỏa thuận này, Cty CP đầu tư Nam Đình Vũ sẽ đồng ý tiếp nhận vật liệu nạo vét từ các công trình luồng hàng hải Hải Phòng, Phà Rừng và Kênh Cái Tráp năm 2017 với khối lượng 1,2 triệu m3 vào khu đất Dự án khu phi thuế quan và Khu I, Khu CN Nam Đình Vũ (thuộc địa bàn quận Hải An, Hải Phòng) có diện tích hơn 900ha tại phía nam tuyến cầu Tân Vũ – Lạch Huyện. Theo đó, Cty CP đầu tư Nam Đình Vũ sẽ chịu trách nhiệm thi công hệ thống đê bao. Chi phí mà Tcty BĐATHHMB trả cho Cty CP đầu tư Nam Đình Vũ là 25 nghìn đồng/m3.

Thế nhưng chẳng hiểu sao thỏa thuận này vẫn không được thực hiện? Để rồi sau đó, Cục Hàng hải cứ nằng nặc đề xuất phương án đổ thải ra biển mặc dù cơ quan này biết rõ các quy định về việc này hiện rất khắt khe.
Một năm qua, các tuyến luồng hàng hải Hải Phòng không được duy tu nạo vét, mức sa bồi hiện đã đạt 0,7m (từ -7,2m nay còn -6,5m). Theo tính toán của các doanh nghiệp vận tải biển, cứ 10cm sa bồi, doanh nghiệp phải giảm tải 300 tấn hàng. Nếu cứ tính ở con số 92 triệu tấn hàng thông qua cảng Hải Phòng năm 2017 thì các doanh nghiệp phải ngậm ngùi mất bao nhiêu chi phí?

Lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường

Trước việc “kén cá, chọn canh” của Cục Hàng hải, thành phố Hải Phòng cũng rất cương quyết với quan điểm không đánh đổi bằng mọi giá môi trường lấy kinh tế. Ngay từ đầu năm 2016, khi được đề xuất đổ thải nạo vét ra biển của Cục Hàng hải, TP Hải Phòng đã giao sở TNMT chủ trì cùng các ngành họp đánh giá, đề xuất phương án xử lý. Trong 1 văn bản báo cáo UBND TP, sở TNMT Hải Phòng đề nghị thành phố ưu tiên nghiên cứu đổ vật liệu nạo vét tại các vị trí trên bờ. Thậm chí, về giải pháp lâu dài, sở này còn đề nghị thành phố yêu cầu các dự án nạo vét duy tu luồng và công trình hàng hải trên địa bàn thành phố không được phép đổ vật liệu nạo vét tại các vị trí ngoài khơi thuộc vùng biển Hải Phòng để chủ động ứng phó với sự cố môi trường biển.
Ông Phạm Quốc Ka, GĐ sở TNMT Hải Phòng cho biết, quan điểm của sở là tham mưu cho thành phố không cấm các dự án nạo vét đổ vật liệu nạo vét ra biển, chỉ là yêu cầu các dự án nạo vét phải hoàn thiện các thủ tục đánh giá tác động môi trường, giao khu vực biển và cấp phép nhận chìm theo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Mặt khác, sở cũng tham mưu cho thành phố hướng các dự án nạo vét ưu tiên đổ vật liệu nạo vét vào các điểm, dự án san lấp nhằm tránh lãng phí tài nguyên và bảo vệ được môi trường.

Trung Thành

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/luong-can-doanh-nghiep-gap-han-du-duong-ky-iv-song-chet-mac-bay-121519.html