Lương cán bộ, công chức sẽ thay đổi như thế nào?

Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ, từ ngày 1/7/ 2023 thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng. Do đó, khi lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng, những đối tượng sau đây sẽ được tăng lương:

Bảng lương công chức A1 từ ngày 1/7/2023.

Bảng lương công chức A1 từ ngày 1/7/2023.

Cán bộ, công chức, viên chức: Do không cải cách tiền lương nên từ ngày 1/7/2023 - khi áp dụng mức lương cơ sở mới là 1,8 triệu đồng/tháng thì cán bộ, công chức, viên chức vẫn được tính lương theo công thức:

Lương = Hệ số x Mức lương cơ sở.

Trong đó: Hệ số vẫn đang được áp dụng theo các bảng phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ và áp dụng với từng đối tượng cụ thể khác nhau.

Mức lương cơ sở thay vì 1,49 triệu đồng/tháng được áp dụng từ ngày 1/7/2019 đến hết 30/6/2023 thì từ ngày 1/7/2023, cán bộ, công chức, viên chức sẽ áp dụng mức lương cơ sở mới là 1,8 triệu đồng/tháng (tăng thêm 310.000 đồng/tháng so với hiện nay).

Ví dụ, với công chức loại A1 có hệ số lương khởi điểm là 2,34. Nếu tính theo mức lương cơ sở hiện hành 1,49 triệu đồng thì tiền lương nhận được là 3,486 triệu đồng/tháng. Còn nếu tính theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng từ ngày 1/7/2023 thì tiền lương có thể lên tới 4,212 triệu đồng/tháng. Như vậy, nếu tính theo mức lương cơ sở mới thì dự kiến thu nhập với công chức trong trường hợp này tăng tới 725.400 đồng/tháng.

Mặc dù người lao động trong khu vực doanh nghiệp không thuộc đối tượng tăng lương từ ngày 1/7/ 2023 song theo quy định, có nhiều khoản trợ cấp dành cho người tham gia Bảo hiểm xã hội được tính theo lương cơ sở. Do đó, khi lương cơ sở thay đổi, các khoản trợ cấp này cũng sẽ thay đổi theo. Cụ thể theo Điều 29 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau đủ thời gian trong 1 năm theo quy định, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe 5-10 ngày trong 1 năm.

Trong những ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe, người lao động được hưởng trợ cấp dưỡng sức sau ốm đau với mức hưởng 1 ngày bằng 30% mức lương cơ sở.

Theo mức lương cơ sở 1.490.000 đồng/tháng, mức trợ cấp hiện nay là 447.000 đồng/ngày. Với mức lương cơ sở mới (1.800.000 đồng/tháng), mức trợ cấp từ ngày 1/7/2013 là 540.000 đồng/ngày.

Tương tự chiếu theo Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi thì được trợ cấp 1 lần cho mỗi con bằng 2 lần mức lương cơ sở. Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia BHXH thì cha được hưởng khoản trợ cấp một lần trên.

Theo mức lương cơ sở cũ (1.490.000 đồng/tháng), mức trợ cấp này là 2.980.000 đồng/con. Với mức lương cơ sở mới (1.800.000 đồng/tháng), mức trợ cấp này là 3.600.000 đồng/con.

Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định, lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe 5-10 ngày.

Trong những ngày nghỉ dưỡng sức, lao động nữ được hưởng trợ cấp dưỡng sức sau thai sản với mức hưởng 1 ngày bằng 30% mức lương cơ sở.

Theo mức lương cơ sở cũ (1.490.000 đồng/tháng), mức trợ cấp này là 447.000 đồng/ngày. Với mức lương cơ sở mới (1.800.000 đồng/tháng), mức trợ cấp này là 540.000 đồng/ngày. Với mức trợ cấp mai táng khoản tiền trợ cấp này tăng từ 14,9 triệu đồng lên 18 triệu đồng…

Khanh Lê

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/luong-can-bo-cong-chuc-se-thay-doi-nhu-the-nao-5701957.html