Lương bổng mùa dịch đáng bàn hơn việc đẩy quả bóng lăn

Những ngày qua, khi cả thế giới thể thao đều 'đứng hình' trong giai đoạn chống chọi với dịch COVID-19.

Quốc gia nào cũng ban hành những lệnh cấm gay gắt và bóng đá không thể vượt qua những sắc lệnh quan trọng đấy. Riêng V-League thì vẫn tốn nhiều thời gian cho chuyện bàn đá tập trung.

Chẳng phải VPF hay những nhà điều hành giải và các CLB vô cảm. Bằng chứng là VPF hết lấy ý kiến các CLB lại chuyển qua họp trực tuyến, trong khi các CLB thì phòng tránh dịch bệnh theo cách riêng của mình. Nếu TP.HCM cho cầu thủ nghỉ từ sau khi hoãn giải thì CLB Hà Nội mới đây “cắt tập”, không để cầu thủ ra sân duy trì nữa…

Nhiều ý kiến cho rằng việc VPF muốn bóng lăn vì chịu nhiều sức ép, trong đó lớn nhất là việc giải ngân khi giải phải về đích thì nhà tài trợ mới thực hiện như cam kết.

Tuy nhiên, rõ ràng thời điểm “ai ở đâu yên đó” và cả nước đang trong hai tuần lễ vàng để ngăn dịch mà cứ đem chuyện bàn đá tập trung thì thấy rất phản cảm. Chính các nhân vật thể thao, những nhà quản lý thể thao, HLV, lãnh đạo các quốc gia trên thế giới đã chốt “thời điểm này mạng sống con người, sức khỏe là hàng đầu và mang tính sống còn”.

Cùng chung tay vượt qua giai đoạn khó khăn bằng giải pháp tránh khủng hoảng cho CLB quan trọng hơn là cố ép bóng lăn mùa dịch. Ảnh: TRÂM ANH

Cùng chung tay vượt qua giai đoạn khó khăn bằng giải pháp tránh khủng hoảng cho CLB quan trọng hơn là cố ép bóng lăn mùa dịch. Ảnh: TRÂM ANH

Dàn lãnh đạo cấp nhà nước của Nhật như Thủ tướng Abe Shinzo, Bộ trưởng Tài chính Nhật, Trưởng ban tổ chức Olympic Yoshiro Mori đều bơ phờ trước bài toán hoãn Olympic, nước Nhật sẽ mất tiếp hơn 60 tỉ euro nhưng không vì thế mà cố ép phải khai mạc Olympic. Họ cùng nhau tìm ra giải pháp khắc phục chứ không phải đẩy VĐV vào thế nguy hiểm.

V-League thì lòng vòng vẫn là chuyện bàn phương án đá như đề xuất đá tập trung không khán giả thay vì thực hiện điều mà FIFA đang hướng dẫn là bài toán giúp các CLB không bị khủng hoảng tài chính. Bài toán bắt đầu từ việc chia sẻ phần lương mà cầu thủ có trách nhiệm “cứu” CLB.

Sáng 29-3, Tổng thư ký AFC Windsor John sau khi nghiên cứu hướng dẫn của FIFA và tham khảo cách trả lương cầu thủ của các CLB Indonesia mùa dịch COVID-19, ông yêu cầu học hỏi cách làm của Indonesia.

Đó là việc Indonesia chia ra làm nhiều giai đoạn, trong thời kỳ nghỉ đá từ tháng 3 đến tháng 6. Và CLB trả 25% lương cầu thủ, sau đó khi giải trở lại, sẽ được trích trừ từ thời gian đã lĩnh ở thời điểm không thi đấu theo hợp đồng.

Ông Windsor John dự đoán rằng hiện nay các CLB vẫn chưa cảm thấy khó khăn vì vẫn còn nguồn tài chính tích trữ… Khó khăn nhất định sẽ đến trong những tháng tới vì mọi thứ đình trệ, trong đó có việc các doanh nghiệp không có nguồn tài chính qua kinh doanh để thực thi đúng hẹn giải ngân.

Ông Windsor John khuyên các CLB hãy tính ngay từ bây giờ, hãy bàn bạc với cầu thủ sớm trước khi mọi chuyện quá muộn.

Vị tổng thư ký AFC cũng kêu gọi rằng cầu thủ và lãnh đạo CLB phải hiểu nhau sự khó khăn của bóng đá nói riêng và các ngành nghề toàn thế giới nói chung vì dịch COVID-19.

DUY ÂN

Nguồn PLO: https://plo.vn/the-thao/luong-bong-mua-dich-dang-ban-hon-viec-day-qua-bong-lan-901415.html