Lương Bằng Quang xúc động kể về người cha tật nguyền từ năm 4 tuổi

Vì cơn sốt bại liệt năm 4 tuổi, cha của Lương Bằng Quang bị tật nguyền nhưng ông đã truyền cho con trai những bài học có giá trị về cuộc sống.

Tập 2 Sao nối ngôi với chủ đề Ơn nghĩa sinh thành được phát sóng tối 1/6. Lương Bằng Quang chọn một sáng tác cách đây 10 năm Đôi chân thiên thần để dự thi. Nội dung ca khúc nói về một bé gái khuyết tật, bại liệt hai chân nhưng thật sự anh viết tặng cha của mình.

Nhạc sĩ Lương Bằng Vinh bị sốt bại liệt từ năm 4 tuổi nhưng ông luôn lạc quan và có nhiều nghị lực trong cuộc sống. Ông là tác giả của các ca khúc như Đắng cay, Tình lẻ bóng, Chiều hoang vắng… được nhiều ca sĩ trong nước và hải ngoại thể hiện. Lương Bằng Quang học được từ cha những kỹ năng như quan sát, suy luận và không bao giờ chịu chấp nhận số phận.

Lương Bằng xuất hiện cùng dàn nhạc công Nhạc viện TP.HCM và 5 học trò của mình. Anh còn giới thiệu mẹ là cô giáo dạy đàn Lâm Thị Mai. Có mặt trên sân khấu, bà không giấu được những giọt nước mắt trước những tâm sự đầy bất ngờ từ con trai mình.

Giám khảo Bạch Tuyết nói rằng bà mừng cho thế hệ trẻ như Lương Bằng Quang biết kết hợp giữa tính dân tộc và hiện đại. Nhạc sĩ trẻ đã trả hiếu cho cha bằng công việc chăm chút cho thế hệ trẻ ngày mai.

Danh ca Phương Dung nhận xét: “Bài hát dành cho những thiếu nhi bất hạnh, nó xuất phát từ trái tim của em. Tôi thấy cái tâm thiện của người nghệ sĩ với 4 chữ tâm, tài, tình, tuệ mà Lương Bằng Quang hội tụ”. Với tổng số điểm 49,5, anh giành giải nhất cùng phần thưởng 10 triệu đồng.

Trịnh Tuấn Vỹ đi hát tỉnh xa khi mẹ ở nhà đang bệnh nặng. Cha báo tin mẹ đang hấp hối nhưng anh phải đợi kết thúc buổi diễn mới quay về. Nhưng lúc đó lại nghe tin mẹ đã qua đời. Bằng chất giọng da diết, truyền cảm, anh thể hiện nỗi đau mất mẹ qua ca khúc Giật mình con mất mẹ.

Nam ca sĩ thổ lộ nỗi ân hận lớn nhất trong đời anh là đã không ở bên mẹ khi bà trút hơi thở cuối cùng. Trong quá khứ, anh nhiều lần khiến ba mẹ đau khổ vì mình. Giám khảo Bạch Tuyết nhận xét: “Dù trong hậu trường, chúng ta có nhiều nỗi niềm nhưng bước ra sân khấu phải bỏ hết, làm tròn trách nhiệm của người nghệ sĩ”, NSND Bạch Tuyết nói.

Danh ca Phương Dung chia sẻ với khán giả: “Dù mình đã lớn nhưng người mẹ luôn cảm thấy người con nhỏ bé. Cô chỉ muốn nhắc nhở những ai còn mẹ hãy mau làm điều gì đó dù nhỏ bé cho mẹ vui”. Thái Châu góp ý Trịnh Tuấn Vỹ nên hát êm lại, da diết, thiết tha và nắn nót chữ thì cảm xúc sẽ dâng trào.

Vì thiếu hơi ấm của mẹ từ nhỏ nên Mai Xuân Thy luôn ao ước một lần được mẹ cài đóa hoa hồng đỏ lên ngực. Trong nhạc cảnh Bông hồng cài áo, cô hóa thân thành cô gái mất mẹ và làm công quả ở chùa. Tình cờ, cô gặp mẹ của người yêu nhưng anh lại từ chối người mẹ lam lũ của mình.

Nữ ca sĩ thổ lộ những lời chân thành dành cho mẹ: “Khi hát bài hát này con rất xúc động bởi đã không sống gần mẹ trong 14 năm nhưng con luôn cảm ơn mẹ vì đã sinh ra và cho con một hình hài trọn vẹn”.

Danh ca Thái Châu động viên thí sinh: “Có thể vì lý do nào đó mà ba mẹ con không ở chung nhưng đã là ruột rà máu mủ thì sẽ không từ bỏ. Phần hát của con trong tập 2 đã khá hơn, con nên trau dồi giọng hát, giữ vững sự nhân văn trong các tiết mục thi tiếp theo”. Giám khảo Bạch Tuyết còn hát tặng Mai Xuân Thy bởi bà yêu cái thiện trong suy nghĩ mà thí sinh thể hiện.

Gia Bảo trở về sở trường trong trích đoạn vở kịch nổi tiếng Nắng chiều (tác giả Minh Ngọc, đạo diễn Quốc Thảo). Cháu nội NSƯT Bảo Quốc diễn đạt thành công hình ảnh người cha sống một đời chịu đựng vì con cái, chứng kiến cảnh hai vợ chồng người con sống không hạnh phúc dẫn đến bờ vực ly hôn.

Anh khiến khán giả xúc động với thông điệp: “Cha mẹ là cái phao, không bao giờ thấy con cái mình chết chìm mà không cứu”. Giám khảo Thái Châu cho rằng Gia Bảo diễn tròn vai, đầy cảm động, thâm thúy, ít nhiều cũng giáo huấn được người nào đó về đạo đức.

Châu Ngọc Tiên bất ngờ sâu lắng khi thể hiện lòng biết ơn với đấng sinh thành đã vất vả sinh và nuôi dưỡng cô bằng ca cảnh Hiếu đạo. Nghệ sĩ Ngọc Huyền Châu lần đầu tiên xuất hiện trên sân khấu để hỗ trợ con gái.

Trong tiết mục, Châu Ngọc Tiên được cha mẹ cưng chiều nhưng cô lại học đòi theo bạn bè ăn chơi và bị hãm hại. Mẹ xuất hiện cứu cô nhưng phải chịu tổn thương và bị mất trí nhớ. Cô cất tiếng hát: “Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ, gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha…”.

NSND Bạch Tuyết nhận xét: “Tôi thấy được ánh mắt người mẹ vừa hát vừa lo cho con gái và sự xúc động đó, Châu Ngọc Tiên gửi đến khán giả rất tròn”.

Lê Nguyễn Trường Giang sáng tác tiết mục Trường tương tư cuối cùng để tưởng nhớ cha, người truyền lại cho anh dòng máu nghệ thuật. Ba của anh là cố nhạc sĩ Lê Phụng Hoàng, tay đàn nổi tiếng của đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ. Ông mất khi anh tròn 5 tuổi, từ nhỏ ông hay đàn cho anh nghe khúc ca Trường tương tư.

Giám khảo Hoài Thanh bất ngờ trước một thí sinh trẻ tuổi lại có tư tưởng để dàn dựng nên tiểu phẩm sâu sắc này. Giám khảo Bạch Tuyết mong một cái kết thúc tươi sáng hơn bởi đó mới là cái kết của cải lương: “hay, đẹp, hùng, bi tráng”.

Kim Chi

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/luong-bang-quang-xuc-dong-ke-ve-nguoi-cha-tat-nguyen-tu-nam-4-tuoi-post751435.html