Luôn trăn trở với những khó khăn của đồng bào và sự nghiệp bảo vệ biên giới

Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh, nguyên Phó Tư lệnh BĐBP, là đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV, từng có nhiều ý kiến đóng góp xây dựng Đề án phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Quốc hội cũng như tham gia xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Trước thềm bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, phóng viên Báo Biên phòng đã có cuộc trò chuyện với Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh.

Đại biểu Quốc hội, Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh, nguyên Phó Tư lệnh BĐBP, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội trả lời cử tri tại xã Lộc Sơn, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: Viết Hà

Đại biểu Quốc hội, Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh, nguyên Phó Tư lệnh BĐBP, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội trả lời cử tri tại xã Lộc Sơn, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: Viết Hà

- Được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai (khóa XIII), tỉnh Thừa Thiên Huế (khóa XIV), đồng chí có suy nghĩ gì về vinh dự này?

- Bao giờ cũng vậy, vinh dự luôn gắn liền với trách nhiệm. Bản thân vừa là đại biểu của nhân dân, vừa đại diện cho BĐBP tham gia đại biểu Quốc hội, tôi có trách nhiệm không chỉ nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, mà còn thấu hiểu nguyện vọng, ý chí của cán bộ, chiến sĩ toàn quân, truyền tải đến nghị trường Quốc hội, có kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Chính phủ để có những chính sách không chỉ cho nhân dân, mà còn cho lực lượng vũ trang nói chung và BĐBP nói riêng.

Là đại biểu Quốc hội của tỉnh Lào Cai, rồi tỉnh Thừa Thiên Huế, là 2 địa phương có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, Lào và là nơi tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đời sống của đồng bào dân tộc nơi đây còn rất nhiều khó khăn, bởi vậy, tôi luôn cố gắng truyền tải ý kiến của cử tri đến Quốc hội và có những đóng góp cho Đảng, Chính phủ để có những quyết sách giúp thay đổi cuộc sống cho nhân dân khu vực biên giới.

Bên cạnh đó, tôi có những ý kiến đóng góp tham gia xây dựng hệ thống pháp luật, trong đó có luật liên quan đến lực lượng vũ trang như Luật Quốc phòng, Luật Dân quân tự vệ, đặc biệt Luật Biên phòng Việt Nam. Luật Biên phòng Việt Nam ra đời tạo cơ sở pháp lý giúp BĐBP thực hiện tốt chức năng, quyền hạn của lực lượng chủ trì, chuyên trách và nòng cốt trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới, vùng biển, cửa khẩu của Tổ quốc.

- Là thành viên Ban soạn thảo Luật Biên phòng Việt Nam, đề nghị đồng chí chia sẻ thêm về quá trình “bảo vệ” chức năng “chủ trì” của BĐBP trong Luật Biên phòng Việt Nam?

- Xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam là sứ mệnh chung của toàn quân, được Thường vụ Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh BĐBP chỉ đạo sát sao. Thực tế, ở khu vực biên giới có nhiều lực lượng thực thi nhiệm vụ, cho nên để phân rõ chức năng của từng lực lượng không dễ dàng và không phải ai cũng biết. Và để cho mọi người thấy rõ được chức năng “chủ trì” của BĐBP cần cả quá trình phân tích, làm rõ bằng sức mạnh tổng hợp, tức là không chỉ cá nhân tôi đứng ra giải trình, phản biện, mà còn có sự đóng góp, tham gia của các đại biểu khác.

Trước khi Luật Biên phòng Việt Nam được thông qua, một số cơ quan đã có văn bản kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội đề nghị thay đổi về nội dung chủ trì trong Dự thảo Luật. Khi cơ quan thẩm tra tổ chức các phiên giải trình riêng, tôi đã trực tiếp đi giải trình. Trên nghị trường Quốc hội, có thời điểm tranh luận thậm chí là gay gắt, nhưng qua quá trình phát biểu của tôi cũng như của các đại biểu Quốc hội khác, chúng tôi đã giúp cho Quốc hội hiểu và thấy được việc cần có lực lượng chuyên trách, nòng cốt và chủ trì ở khu vực biên giới, bởi bất cứ việc gì cũng phải có người chịu trách nhiệm chính. Qua nhiều lần phát biểu, giải trình, từ đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua gần như tuyệt đối.

- Đồng chí cảm thấy việc tâm đắc nhất mà mình đã làm, góp phần vào sự phát triển của đồng bào các dân tộc, đặc biệt ở khu vực biên giới trong thời gian là đại biểu Quốc hội là gì?

- Bản thân tôi từng giữ các cương vị Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Pò Mã (BĐBP Lạng Sơn), Đồn trưởng Đồn Biên phòng Nam Du (BĐBP Kiên Giang), sau này là Chỉ huy trưởng BĐBP Lào Cai, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Biên phòng 1, Phó Tư lệnh BĐBP, tôi nhận thấy, để bảo vệ biên giới thì trước tiên cần phát huy sức mạnh tại chỗ với lực lượng chính là BĐBP và cư dân biên giới. Tôi thường trăn trở với suy nghĩ làm sao để thông qua Quốc hội, có kiến nghị tới Đảng, Nhà nước, Chính phủ có chính sách thu hút đồng bào vừa an tâm phát triển kinh tế, vừa cùng BĐBP bảo vệ biên giới.

Muốn thế thì Đảng, Nhà nước, Chính phủ phải có chính sách phát triển kinh tế miền núi dần dần tiến sát miền xuôi, người dân phải có cuộc sống ổn định lâu dài, từ đó mới gắn bó, cùng BĐBP bảo vệ biên giới. Đó là đầu tư cơ sở hạ tầng như giao thông, giáo dục, đưa giống cây trồng, vật nuôi vào sản xuất, sau đó, phải tiêu thụ sản phẩm cho đồng bào. Rồi phải có chính sách thu hút được cán bộ, chiến sĩ Biên phòng gắn bó với biên giới lâu dài bằng việc xây dựng gia đình ở biên giới, sau này nghỉ hưu vẫn ở lại, trở thành công dân biên giới, tiếp tục bảo vệ biên cương.

Trong những phiên thảo luận về kinh tế, xã hội, tôi đã có những ý kiến đóng góp để làm sao đồng bào khu vực biên giới có cuộc sống kinh tế, văn hóa, tinh thần tốt đẹp hơn, để mỗi người dân đều là một “chiến sĩ Biên phòng”. Ngày 18-11-2019, Quốc hội đã ra Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030.

Đến ngày 19-6-2020, Quốc hội tiếp tục ra Nghị quyết số 120/2020/QH14 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đó là thành công lớn, bởi khi nghị quyết đi vào cuộc sống, chắc chắn sẽ có sự thay đổi, bước phát triển mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nước ta. Với việc Luật Biên phòng Việt Nam ra đời, tôi tin rằng, sẽ có nhiều thay đổi cho khu vực biên giới bởi luật có chính sách ưu việt, ưu tiên cho người trực tiếp tham gia bảo vệ biên giới, trong đó có đồng bào các dân tộc...

- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Trúc Hà (Thực hiện)

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/luon-tran-tro-voi-nhung-kho-khan-cua-dong-bao-va-su-nghiep-bao-ve-bien-gioi-post438710.html