Luôn sát cánh cùng công nhân bị tai nạn lao động

Mỗi vụ tai nạn lao động xảy ra đều để lại hậu quả vô cùng to lớn cho cả doanh nghiệp và người lao động nhưng người lao động vẫn chịu thiệt hại lớn nhất: Thiệt hại sức khỏe, thậm chí tính mạng, cuộc sống đảo lộn hoàn toàn. Thấu hiểu điều này, những năm qua, các cấp công đoàn Thủ đô luôn quan tâm chú trọng việc thăm hỏi, tặng quà, động viên công nhân lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cũng như thân nhân của người bị tai nạn lao động nhằm san sẻ những thiệt thòi, mất mát, khó khăn của công nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Ấm lòng với sự quan tâm, chia sẻ của Công đoàn

Một ngày tháng 5/2020, căn nhà cũ kỹ của gia đình anh Nguyễn Xuân Hải (SN 1991) tại xóm Vĩnh Lộc, thôn Vĩnh Ninh, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Hà Nội đông người hơn mọi khi. Hôm đó, đoàn công tác do đồng chí Nguyễn Đình Khang - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam dẫn đầu; cùng đi có đồng chí Đặng Thị Phương Hoa – Phó Chủ tịch thường trực LĐLĐ thành phố Hà Nội; đại diện lãnh đạo Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội, Công đoàn Công ty Môi trường đô thị Hà Nội đã đến hăm hỏi, động viên, tặng quà cho anh Hải.

Là công nhân Công ty Môi trường đô thị Chi nhánh Hai Bà Trưng, tai nạn lao động bất ngờ xảy đến với anh Hải vào tháng 2/2018. Hôm đó, trong khi đang làm nhiệm vụ thu gom rác trên đường Kim Ngưu, lao động Nguyễn Xuân Hải bị một thanh niên lái xe máy trong tình trạng có hơi men đâm vào. Cú va chạm mạnh, bất ngờ khiến anh Hải bị chấn thương sọ não nặng, tỷ lệ thương tật 85%.

Đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam và đồng chí Lê Đình Hùng - Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố tặng quà công nhân lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp năm 2020.

Đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam và đồng chí Lê Đình Hùng - Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố tặng quà công nhân lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp năm 2020.

Trước hoàn cảnh khó khăn của anh Hải, các đồng chí lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam, LĐLĐ Thành phố Hà Nội đã ân cần thăm hỏi sức khỏe, nguyện vọng của bản thân anh Nguyễn Xuân Hải cũng như gia đình, động viên anh Hải nỗ lực luyện tập, sống lạc quan để sớm cải thiện tình trạng sức khỏe.

Cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam, LĐLĐ Thành phố, Công đoàn ngành Xây dựng và lãnh đạo công ty, bà Nguyễn Thị Thường - mẹ anh Nguyễn Xuân Hải xúc động cho biết: Vốn là lao động chính, là niềm hy vọng của gia đình, đang ở độ tuổi lao động sung sức nhất, khi Hải không may bị tai nạn lao động, khiến cuộc sống của cả gia đình rơi vào khó khăn.

“Cũng may là từ lúc Hải bị tai nạn lao động, công đoàn các cấp hết sức quan tâm động viên gia đình cả về vật chất, tinh thần nên gia đình chúng tôi cảm thấy ấm lòng, những mất mát khó khăn được san sẻ phần nào. Sự quan tâm này là động lực để chúng tôi sớm vượt lên nỗi đau”.

Cũng cảm thấy ấm lòng và thấy nỗi đau vì tai nạn lao động được san sẻ là tâm sự của chị Bùi Thị Hiền- Công nhân Công ty cổ phần Kim khí Thăng Long. Năm 2011, khi mới vào làm việc tại Công ty, do là công nhân mới, chưa nắm vững quy trình, kỹ thuật lao động chị Hiền đã sơ suất trong thao tác máy đột dập và bị máy cuốn dập nát hai bàn tay tỷ lệ thương tật 51%, phải nghỉ việc hơn một năm để chữa trị.

Khi được Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng và lãnh đạo Công đoàn ngành Công thương Hà Nội đến thăm, tặng quà nhân dịp Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2020 mới đây, chị Hiền xúc động bộc bạch: “Trong những năm qua, sự động viên của các cấp công đoàn là động lực rất lớn giúp tôi vượt qua khó khăn để làm việc.

Nó khiến tôi cảm thấy ấm lòng hơn. Tôi thật may mắn vì có Công đoàn, Công ty luôn đồng hành, giúp đỡ và bản thân tôi vẫn còn khả năng lao động, vẫn được Công ty bố trí công việc trở lại, có thu nhập, không phải dựa dẫm vào ai. Đó là niềm vui lớn nhất của tôi”.

Tương tự, đối với anh Trần Văn Bảo (công nhân Công ty TNHH Hanoi Steel Centen thuộc Khu công nghiệp Thăng Long), sự quan tâm của tổ chức Công đoàn cũng là nguồn động viên an ủi lớn giúp anh sớm vượt qua nỗi đau của tai nạn lao động. Tháng 10/2018, trong quá trình vệ sinh máy cuốn thép, do sơ suất, anh Bảo bị trục máy cuốn theo cả hai bàn tay vào trong, khiến anh Bảo bị thương tật 57%.

“Vài tháng đầu bị tai nạn lao động, em rất sốc, vừa đau về thể xác, lại lo lắng cho tương lai. Nhưng Công đoàn Công ty đã động viên, thăm hỏi, hỗ trợ em rất nhiều, Công ty thì tạo điều kiện, bố trí công việc phù hợp, nhẹ nhàng hơn, giúp em có thu nhập hàng tháng để nuôi sống bản thân, giúp đỡ gia đình. Hôm nay, lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam và LĐLĐ Thành phố lại tới tận nơi ở thăm hỏi, trao quà, động viên em, em không biết nói gì hơn là: Cảm ơn sự quan tâm của tổ chức Công đoàn”- anh Bảo tâm sự như vậy trong lần được Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Hà Nội đến thăm, tặng quà nhân tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2020 mới đây.

Luôn đồng hành với người lao động

Trên đây chỉ là những câu chuyện điển hình trong số rất nhiều những câu chuyện cảm động về sự quan tâm, ân cần của tổ chức Công đoàn với người lao động gặp khó khăn, nhất là người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.Nói về hậu quả của tai nạn lao động gây ra, Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Lê Đình Hùng nhìn nhận: Hậu quả do các vụ tai nạn để lại là vô cùng lớn, không thể đo, đếm hết được.

Tuy nhiên trên hết, thiệt hại lớn nhất thuộc về phía người lao động. Tai nạn xảy ra, gây tổn thất nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của người lao động, dẫn đến khả năng làm việc và cuộc sống gia đình người lao động bị đảo lộn, thậm chí có thể rơi vào tình trạng đói nghèo.

“Thấu hiểu điều này, những năm qua, các cấp công đoàn Thủ đô luôn quan tâm chú trọng việc thăm hỏi, tặng quà, động viên công nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cũng như thân nhân của người bị tai nạn lao động nhằm san sẻ những thiệt thòi, mất mát, khó khăn của công nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp”- Phó Chủ tịch Lê Đình Hùng cho biết.

Điển hình, năm 2019, tại hội nghị tổng kết công tác An toàn, vệ sinh lao động năm 2018 và Phát động hưởng ứng “Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động” năm 2019, LĐLĐ Thành phố đã trao 90 suất trợ cấp cho công nhân lao động bị tai nạn lao động và gia đình có công nhân lao động bị tử vong do tai nạn lao động, mỗi suất trợ cấp trị giá 1.800.000 đồng; thăm và trợ cấp gia đình Công nhân Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội bị tử vong trong quá trình lao động sản xuất, mức trợ cấp 10 triệu đồng và 05 nạn nhân bị tử vong do cháy trong nhà xưởng, mức trợ cấp 03 triệu đồng/suất.

Thực hiện sự chỉ đạo của Liên đoàn Lao động thành phố, trong năm, các LĐLĐ quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành và Công đoàn cấp trên cơ sở tổ chức các đoàn đi thăm hỏi, trao trợ cấp cho 236 gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động- bệnh nghề nghiệp, mỗi suất quà trợ cấp trị giá từ 500.000-1.500.000 đồng. Các công đoàn cơ sở cũng phát động phong trào ủng hộ giúp đỡ những nạn nhân bị tai nạn lao động- bệnh nghề nghiệp tổ chức thăm hỏi động viên 1.748 trường hợp công nhân lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại đơn vị với tổng số tiền trên 2 tỷ đồng.

Năm 2020, tại hội nghị tổng kết công tác An toàn, vệ sinh lao động được tổ chức mới đây, LĐLĐ Thành phố cũng trợ cấp cho 100 công nhân lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nặng, mỗi người một phần quà trị giá 1.800.000 đồng (bao gồm 1.500.000 đồng tiền mặt và 01 túi quà trị giá 300.000 đồng); trợ cấp 69 công nhân lao động bị tai nạn lao động nhẹ, mỗi suất 1 triệu đồng.

Với nguồn kinh phí được trích từ Quỹ Xã hội LĐLĐ Thành phố và Ủy ban nhân dân Thành phố hỗ trợ 25 suất quà, mỗi suất trị giá 1.500.000 đồng. “Những phần quà trên tuy còn khiêm tốn về số lượng và giá trị, nhưng đã phần nào thể hiện được sự quan tâm, chia sẻ và luôn luôn đồng hành cùng công nhân lao động của chính quyền và tổ chức Công đoàn Thủ đô”- Phó Chủ tịch Lê Đình Hùng bộc bạch.

Đồng chí cũng khẳng định, trong thời gian tới, các cấp công đoàn Thủ đô sẽ tiếp tục quan tâm tổ chức tốt các hoạt động xã hội chăm lo cho các gia đình và bản thân người lao động không may bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp không chỉ để thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn mà còn nâng cao tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, quan tâm chăm lo đến đời sống người lao động có hoàn cảnh khó khăn, giúp người lao động, đoàn viên công đoàn yên tâm lao động sản xuất và ngày càng tin tưởng, gắn bó với tổ chức công đoàn.

Phạm Diệp

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/luon-sat-canh-cung-cong-nhan-bi-tai-nan-lao-dong-109419.html