Luôn khắc ghi lời dạy của Bác Hồ

Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu - Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, Bác Hồ còn là bậc thầy của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Kỷ niệm 94 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925- 21/6/2019), những 'chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng' hơn lúc nào hết càng phải thấm nhuần những lời dạy, lời căn dặn của Người.

Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là người đầu tiên đặt nền móng cho báo chí cách mạng Việt Nam (bằng việc cho ra đời tờ báo Thanh Niên) và cũng là nhà báo lỗi lạc của nền báo chí cách mạng. Sự nghiệp báo chí của Người đã góp phần quan trọng làm nên diện mạo báo chí cách mạng Việt Nam đương đại.

Bác Hồ - Người sáng lập nền báo chí Cách mạng Việt Nam. Ảnh tư liệu

Bác Hồ - Người sáng lập nền báo chí Cách mạng Việt Nam. Ảnh tư liệu

Điều đầu tiên, với nghề làm báo, theo quan điểm của Bác mỗi tin, bài phải thể hiện được các yếu tố: Viết cho ai? Viết thế nào? Viết để làm gì? Viết ở đâu, khi nào?. Đồng thời, Người căn dặn người làm báo phải hội tụ một số tố chất.

Về phẩm chất chính trị, Bác Hồ khẳng định: “Nói đến báo chí trước hết là nói đến cán bộ báo chí, họ là người cán bộ cách mạng, biết đặt quyền lợi của dân tộc, của nhân dân lên trên hết. Người làm báo phải là những chiến sĩ trên mặt trận báo chí”. Theo Người, cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Trên mặt trận báo chí, người làm báo phải có phẩm chất chính trị vững vàng.

Chính vì thế, tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành…) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Bác đã cụ thể hóa phẩm chất chính trị của một nhà báo phải được thể hiện từ việc xác định đối tượng phục vụ và nhiệm vụ của báo chí là: Để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên báo chí phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu; phải xác định thật rõ ràng đường lối chiến lược của Đảng; phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản.

Về phẩm chất đạo đức, Bác luôn căn dặn người làm báo phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, chống chủ nghĩa cá nhân, thiếu tinh thần học hỏi, cầu thị. Bác phê phán: Có người muốn làm cái gì để lưu danh thiên cổ. Muốn viết bài cho oai, muốn đăng bài mình lên báo lớn. Cái đó không đúng. Những khuyết điểm đó đều do chủ nghĩa cá nhân đẻ ra. Họ không thấy rằng: Làm việc gì có ích cho dân, cho cách mạng đều là vẻ vang. Bác dặn: “Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần tu dưỡng đạo đức cách mạng”.

Về đạo đức nghề nghiệp, Bác lưu ý những người viết, tuyên truyền cần chống thói ba hoa, và chỉ ra tám biểu hiện của nó là: Dài dòng, rỗng tuyếch; Có thói cầu kỳ; Khô khan lúng túng; Báo cáo lông bông; Lụp chụp, cẩu thả; Bệnh theo sáo cũ; Nói không ai hiểu; Bệnh hay nói chữ. Vì vậy, Bác đã đưa ra năm cách chữa thói ba hoa: Phải học cách nói của quần chúng.

Chớ nói như cách giảng sách; Phải luôn luôn dùng những lời lẽ, những thí dụ đơn giản, thiết thực và dễ hiểu; Khi viết khi nói phải luôn luôn làm thế nào để cho ai cũng hiểu được. Làm cho quần chúng đều hiểu đều tin, đều quyết tâm theo lời kêu gọi của mình. Bao giờ cũng tự hỏi: “Ta viết cho ai xem? Nói cho ai nghe?”; Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết; Trước khi nói phải nghĩ cho chín, phải sắp đặt cẩn thận… Tất cả những vấn đề này đều đỏi hỏi lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp đối với người làm báo.

Về tư cách người làm báo, có thể hiểu ở hai mối liên hệ chặt chẽ giữa nhà báo với tư cách một công dân và nhà báo với tư cách nghề nghiệp. Nhà báo trước hết là một người công dân bình đẳng với tất cả mọi người trước pháp luật, không được phép cho mình đứng cao hơn pháp luật, đứng cao hơn mọi người để phán xét.

Với tư cách là một công dân thì nghĩa vụ công dân không chỉ đòi hỏi nhà báo phải tuân thủ hiến háp và pháp luật trong hoạt động nghề nghiệp mà còn phải luôn luôn tâm niệm mục tiêu phục vụ ai, viết cho ai, viết để làm gì và viết như thế nào để không làm tổn hại đến lợi ích của nhân dân, của đất nước, không gây ra những ảnh hưởng bất lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Người dạy: “Viết để nêu cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của cán bộ ta. Đồng thời, để phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, của nhân dân, của bộ đội. Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn, nêu cái hay, cái tốt thì phải có chừng mực, chớ phóng đại. Có thế nào nói thế ấy. Phê bình thì phải phê bình một cách thật thà, chân thành, đúng đắn chứ không phải để địch lợi dụng để nó phản tuyên truyền...

Cũng bàn về đạo đức nghề nghiệp, Bác luôn đặc biệt quan tâm tới việc bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đối với nhà báo. Bác nhắc nhở: “Người có tài mà không có đức là người vô dụng, người có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng không thành”. Bởi thế, Người đòi hỏi nhà báo “viết phải thiết thực”, “nói có sách, mách có chứng”, “từ là nói cái việc ấy ở đâu, thế nào, ngày nào, nó sinh ra thế nào, phát triển thế nào? Kết quả thế nào…

“Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn”. Để người làm báo ngày càng được nâng cao về trình độ chuyên môn, tác phẩm báo chí ngày càng có hiệu ứng tích cực đối với xã hội, Bác đưa ra những lời khuyên chân thành: Muốn viết báo thì cần: Gần gũi quần chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực; Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài để xem báo nước ngoài và học kinh nghiệm của người; Khi viết xong một bài, tự mình phải xem lại ba, bốn lần, sửa chữa lại cẩn thận. Tốt hơn nữa là đưa nhờ một vài người ít văn hóa xem và hỏi cho những câu nào, chữ nào họ không hiểu thì sửa lại cho dễ hiểu; Luôn cố gắng học hỏi, luôn cầu tiến bộ.

Với quan điểm viết cho ai, Người luôn căn dặn, đối tượng phục vụ của báo chí là công chúng, vì thế, công chúng phải hiểu được nội dung bài báo sau khi đọc. Vì thế, Bác lưu ý người cầm bút phải nắm được trình độ, tâm tư, nguyện vọng của công chúng. Hiểu và học tập lời ăn, tiếng nói của nhân dân. Người cũng nêu ra nhận thức biện chứng rằng, trình độ nhận thức của công chúng không phải là “nhất thành bất biến” mà ngày một nâng cao.

Báo chí phục vụ công chúng phải góp phần nâng trình độ của họ ngày một cao hơn, các tác phẩm báo chí phải ngày một tăng về hàm lượng trí tuệ. Bác cực lực phê phán lối viết lằng nhằng, “trường giang đại hải” làm cho người xem như là “chắt chắt vào rừng xanh”. Vì theo Bác, viết cốt là “để giáo dục, cổ động, nếu người xem mà không nhớ được, không hiểu được, là viết không đúng, nhắm không đúng mục đích.

Mà muốn cho người xem hiểu được, nhớ được, làm được thì phải viết cho đúng trình độ của người xem, viết rõ ràng, gọn gàng, chớ dùng nhiều chữ”. Bác thường xuyên yêu cầu tác phẩm báo chí phải ngắn gọn, nhưng hàm lượng thông tin phải dồi dào. Làm được như vậy đòi hỏi nhà báo phải có khả năng khái quát, hệ thống hóa. Gốc rễ của vấn đề là năng lực tư duy của người làm báo”.

Kỷ niệm 94 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam, các nhà báo đang công tác, làm việc ở các cơ quan, thông tấn báo chí nói chung, đội ngũ những người làm báo Lao động Thủ đô nói riêng luôn thấm nhuần những bài học kinh nghiệm, những lời dạy của Bác Hồ- nhà báo Hồ Chí Minh để thực sự xứng đáng là nhà báo cách mạng, xứng đáng là những “chiến sĩ trên mặt trận tư tương”, góp phần vào việc xây dựng “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Nhà nước của dân, do dân và vì dân”; góp phần “xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Đồng thời, góp phần xây dựng Thủ đô văn minh- giàu đẹp!

H.P

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/luon-khac-ghi-loi-day-cua-bac-ho-92751.html