Lươn biển Moray vào quán nhậu ở Huế?

Một cặp cá lạ trông giống loài lươn hay cá chình biển Moray nổi tiếng vừa được chủ một quán ăn ở làng Cảnh Dương, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế mua được khiến không ít người tò mò.

Hai con cá lạ trông rất giống lươn biển Moray được nuôi nhốt trong chậu đựng hải sản tạm bợ

Hai con cá lạ trông rất giống lươn biển Moray được nuôi nhốt trong chậu đựng hải sản tạm bợ

Những ngày gần đây, nhiều người dân vùng biển Cảnh Dương, xã Lộc Vĩnh hiếu kỳ đến quán nhậu Hòn Đá ở khu du lịch biển Cảnh Dương để xem hai con cá lạ, trong đó một số lão ngư cho rằng đây là loài cá chình bông biển ít gặp.

Trong hai con cá này, một con có thân màu nâu sẫm với nhiều chấm nhỏ màu trắng có trọng lượng gần 1,5kg, dài hơn 1m; con thứ 2 có lớp da trắng pha đốm đen nặng tầm 0,9kg. Cả hai con cá này đều là giống da trơn, không vảy, mõm dài chứ không tròn dẹp như những loài cá chình thường thấy.

Đặc biệt, cả hai con cá này rất giống nhóm lươn biển Morey từng được các nhà khoa học, thám hiểm phát hiện ở biển Thái Lan, Ý và nhiều nước châu Âu khác hơn 10 năm trước. Ở miền Trung, du khách cũng có thể nhận thấy loài lươn biển này được Viện Hải dương học Nha Trang trưng bày ở một số bể nuôi.

Đầu con cá dài với hai bộ răng sắc nhọn làm nên điều kỳ quái của loài lươn biển Moray

Con cá tựa lươn biển Moray giống đầu vàng từng phát hiện nhiều ở ngoài khơi xa nước Ý và một số nước châu Âu

“Là quán bán các loại hải sản, vừa qua khi mua hải sản thì tôi gặp loại cá chình này và thấy lạ. Bước đầu mua về phục vụ ẩm thực, nhưng tôi tìm hiểu thì thấy khá là quý hiếm... Tôi dự định đúc bể để nuôi, nhưng sợ không rành về đặc tính, kỹ thuật nuôi sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh tồn của chúng”, anh Vũ chia sẻ.

Do bị đánh bắt, vận chuyển qua nhiều nơi, nhiều khâu nên trông con cá mất khá nhiều sức. Để làm rõ loài cá chình trên, phóng viên báo điện tử Một Thế Giới đã gửi hình ảnh đến một số chuyên gia thủy sản, sinh học ở Thừa Thiên-Huế thì nhiều vị cho hay họ chưa từng thấy nên chưa đánh giá, phân loại được loài cá lạ này.

Con “cá chình bông” với lớp da nâu chấm trắng giúp chúng ngụy trang an toàn dưới các rặng san hô và tấn công bất ngờ khi săn mồi

Khứu giác đóng vai trò rất quan trọng đối với loài săn mồi hung dữ này

Riêng PGS-TS Võ Văn Phú, giảng viên Khoa Sinh học, Trường đại học Khoa học Huế, chuyên gia hàng đầu về động vật học, có nhiều năm nghiên cứu về cá, khẳng định đây là loài cá chình biển, sống chủ yếu ở nước mặn và nước lợ, nhất là ở những rặng san hô.

Nhận định này khá tương đồng với một số tài liệu nghiên cứu về lươn biển trên thế giới. Theo đó hai con cá chình này trông y hệt nhóm lươn biển Moray. Nhóm cá này có tên khoa học là Anguilliformes, với trên 200 loài. Loài lớn nhất trong nhóm lươn biển có chiều dài thân trung bình khoảng 4m, còn chiều dài thân của loài nhỏ nhất vào khoảng 11,5cm. Chúng thường trú ngụ ở các hang hốc nhỏ và các khe nứt ở độ sâu tới 50m dưới biển, cũng như ở rặng san hô.

Đối với loài cá có lấm chấm trắng trên nền da sẫm đen thì đây chính là lớp áo ngụy trang để bảo vệ sự an toàn cho bản thân khi chúng ẩn náu dưới những mê cung san hô hay hốc đá dưới dại dương và tạo khả năng tấn công bất ngờ đến con mồi.

Trong khi đó, con lươn nhỏ hơn mà anh Vũ mua được có lớp da trắng khoang đen lại có chiếc đầu vàng trông rất dễ nhận ra đối với loài lươn biển dữ dằn. Một điểm đặc biệt nữa của loài lươn này là chúng có đến 2 bộ răng chắc khỏe, một bên ngoài và một bên trong họng giúp đưa con mồi nhanh chóng xuống dạ dày dẫu mồi to quá cỡ.

Với đặc tính hung dữ, khả năng tự vệ và săn mồi, những chiến binh này được xếp vào hàng lãnh chúa ở một khu vực riêng biệt trong nhóm cá săn mồi dưới đại dương. Đây cũng là những điểm đặc biệt của loài lươn biển hay chình biển Moray mà không ít ngư dân chưa phân định được và cũng dễ xảy ra những nguy cơ khi tiếp xúc với chúng.

Bài, ảnh: Nhật Lam

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/khoa-hoc-cong-nghe-c-68/thien-nhien-moi-truong-c-105/luon-bien-moray-vao-quan-nhau-o-hue-85825.html