Lúng túng việc xử lý tài sản bất minh?

Phòng chống tham nhũng là công cuộc lớn, không chỉ của Việt Nam. Bởi đã từ lâu, tham nhũng được xác định là một trong những nguy cơ đe dọa chế độ.

Khổ nỗi, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Chống tham nhũng khó là vì ta tự đánh vào ta”.

Điều đó thực ra không có gì là mâu thuẫn. Bởi một nguyên lý bất di bất dịch là: chỉ có những người có chức, quyền mới có thể tham nhũng. Chẳng vậy mà khi nói đến tham nhũng thì từ dư luận đến các cấp có thẩm quyền và thể chế là Luật phòng, chống tham nhũng đều nhấn mạnh đến yếu tố này. Dẫu Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua có đề cập đến phòng, chống tham nhũng trong khu vực tư nhân”, nhưng xét cho đến cùng, các điều luật để thúc đẩy phòng, chống tham nhũng trong khu vực công vẫn là chủ yếu.

Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) đã công bố Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) 2017, theo đó, Việt Nam đạt 35/100 điểm, xếp hạng 107/180 toàn cầu.

Khó xử lý tài sản bất minh

Điều đáng nói nhất ở Luật vừa được thông qua lần này là xử lý tài sản bất minh. Không nhiều đại biểu ủng hộ những phương án đánh thuế 45% hay tịch thu đối với tài sản không chứng minh được nguồn gốc. Công luận hẳn nhiên không hài lòng khi mong muốn của công chúng là mọi thứ đều phải công khai, minh bạch. Tài sản không rõ nguồn gốc rõ ràng là bất minh và cần phải có cách xử lý rốt ráo.

Vậy vấn đề tài sản bất minh mà Quốc hội đã không đạt được sự đồng thuận trong cách xử lý là gì? Nhiều ý kiến cho rằng, có thể có những vướng víu đối với cơ quan lập pháp khi các thành viên cũng đồng thời là công chức, quan chức, những đối tượng mà tham nhũng chủ yếu dính dáng đến. Nhưng sự thật là, nếu theo nguyên tắc pháp quyền, thì vấn đề lại nằm ở quyền sở hữu tài sản mà Hiến pháp bảo hộ cho mọi công dân.
Bất minh hay tường minh trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam là một vấn đề khó, khó từ chính sách đến thực thi. Khó không phải vì không ai nhận thấy “công khai, minh bạch” sẽ tốt cho phát triển, mà vì phương pháp xử lý những “cái bất minh” chưa có hoặc chưa đạt được sự đồng thuận về nguyên tắc, nhất là những nguyên tắc theo thông lệ của thế giới văn minh. Công luận có thể không hài lòng khi Quốc hội chưa đồng thuận về phương án xử lý đối với tài sản bất minh trong phòng, chống tham nhũng. Nhưng nếu nhìn một cách toàn diện, đây là một sự thận trọng đáng kể của Quốc hội kỳ này.

Bởi dù trước khi nói đến bất minh, thì phải thừa nhận tài sản bất minh vẫn là một… tài sản mà người chiếm dụng nó được Hiến pháp bảo vệ quyền sở hữu. Rất khó có thể tịch thu hay đánh thuế 45% hoặc cao hơn nếu như muốn bảo vệ quyền sở hữu tài sản mà Hiến pháp đã ghi nhận. Trong quá trình phát triển, Việt Nam không phải không trải qua các giai đoạn mà pháp lý là một khoảng mờ. Người chiếm dụng tài sản thậm chí không có sự ghi nhận của bất kể một văn bản pháp lý nào.

Và hẳn nhiên, để xử lý khoảng mờ pháp lý ấy, chính Quốc hội đã phải ra những Nghị quyết để xử lý vấn đề. Xa xưa hơn là vấn đề đất đai trước năm 1993 hay mới đây là vấn đề nợ xấu với tài sản đảm bảo. Những nghị quyết giải quyết “tình huống” như vậy ít nhiều đã tháo gỡ khó khăn cho những vấn đề nan giải, tồn tại mâu thuẫn giữa pháp lý và thực tế.

Bởi vậy, trong vấn đề tài sản bất minh mà Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), có thể hiểu được vì sao Quốc hội chưa đồng thuận và Luật chưa ghi nhận vấn đề này. Nhiều người nói rằng: như vậy vẫn chưa có một bước tiến trong xử lý tham nhũng và “tham nhũng vẫn ổn định”.

Cần “điều khoản ân xá”

Nhưng trở ngược về thời điểm 2005. Cứ theo lời TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, thì khi xây dựng Luật Phòng, chống tham nhũng, các chuyên gia quốc tế, đặc biệt là chuyên gia Singapore, đã khuyến nghị Việt Nam nên đưa một “điều khoản ân xá” vào luật.

Theo đó, Luật cho phép trước một thời điểm nhất định, bất kể ai kê khai tài sản gì thì đều được coi là hợp pháp và không cần truy nguồn gốc. Các tài sản được kê khai và ghi nhận trước thời điểm đó đều được coi là minh bạch và hợp pháp. Có thể có nhiều người không đồng tình, nhưng rõ ràng đó là giải pháp khả thi nhất cho tình huống của Việt Nam thời điểm đó cũng như sau này. Rất tiếc, khuyến nghị từ những chuyên gia ở các thể chế minh bạch, công khai nhất thế giới đã không được tiếp thu.

Nhiều người e ngại một điều khoản ân xá như vậy sẽ hợp thức hóa tài sản tham nhũng. Nhưng nếu dưới góc độ kinh tế, một điều khoản ân xá như vậy sẽ giúp giải phóng được nguồn lực trong dân, nhất là với những “đối tượng tham nhũng”. Bởi khi được coi là hợp pháp bằng luật, những tài sản ấy sẽ không còn là “của chìm” và sẽ được đưa ra kinh doanh, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế cho cả quốc gia.

TS Nguyễn Sĩ Dũng đã từng tiếc nuối: giá như điều khoản ân xá này được chấp thuận từ năm 2005, thì hàng chục năm qua, khối tài sản bất minh ấy sẽ phát huy tác dụng. Mặt khác, cũng vì vậy mà một cơ sở để kiểm soát tài sản của mọi đối tượng, nhất là đối tượng trực tiếp có thể dính đến tham nhũng sẽ được triển khai cách hiệu quả. Tài sản của người dân, của quốc gia chắc cũng sẽ không bị chiếm dụng, tham nhũng như hiện nay.
Quốc hội vừa thông qua Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), có thể đó lại là một lần bỏ mất cơ hội về “điều khoản ân xá”. Nhưng muộn còn hơn không, cần phải có một thời điểm ân xá để tài sản quốc dân không bị chôn chặt dưới bức màn “bất minh”.

ĐẠI DƯƠNG

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/lung-tung-viec-xu-ly-tai-san-bat-minh-140468.html