Lúng túng trong xác định 'gói cước giá rẻ'

Mặc dù cơ quan quản lý nhà nước đã áp dụng chính sách quản lý bằng các biện pháp kinh tế và kỹ thuật để ngăn chặn nạn tin nhắn rác, nhưng kết quả vẫn chưa giảm. Vấn đề này cũng được các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi cần phải xử lý nạn sim rác, tin nhắn rác như thế nào, đối với người đứng đầu ngành Thông tin và Truyền thông trong phiên chất vấn các thành viên Chính phủ tại Diễn đàn Quốc hội mới đây...

Thu hồi sim điện thoại chưa phát sinh cước: Tránh lãng phí tài nguyên số

Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội kiểm tra hoạt động kinh doanh sim điện thoại.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), cuối tháng 10-2016, Bộ đã yêu cầu 5 nhà cung cấp dịch vụ di động: Viettel, MobiFone, Vinaphone, Vietnamobile, Gmobile cùng ký cam kết thu hồi sim kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối.

Đến nay, các doanh nghiệp đã thu hồi 24 triệu sim, trong đó 50% thuộc về nhà mạng Viettel. Cùng với đó, Nghị định số 49/2017/NĐ-CP của Chính phủ bổ sung một số quy định liên quan đến việc đăng ký thông tin thuê bao có hiệu lực từ ngày 24-4-2017, góp phần ngăn chặn nạn sim rác.

Trong đó, thuê bao đăng ký mới kể từ ngày 24-4-2017 sẽ phải chụp ảnh; thuê bao hòa mạng trước ngày 24-4-2017 trở về trước có thông tin chưa chính xác, sẽ phải bổ sung ảnh chụp kể từ ngày 24-7-2017. Sau ngày 14-4-2018, các thuê bao trong diện phải đăng ký lại mà chưa bổ sung thông tin sẽ bị cắt dịch vụ.

Tuy nhiên, ước tính vẫn còn khoảng 38 triệu thuê bao chưa bổ sung ảnh chụp. Những thông tin trên để thấy, dù áp dụng các biện pháp quản lý, song sim rác vẫn chưa được ngăn chặn triệt để.

Tại giao ban quản lý nhà nước tháng 10-2018 diễn ra tuần qua, trước các kiến nghị về việc thực thi chính sách quản lý thông tin thuê bao, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng một lần nữa khẳng định, kể từ nay, sẽ thực hiện 3 giải pháp để ngăn chặn sim rác, tin nhắn rác.

Thứ nhất, thuê bao mới sẽ phải đăng ký đủ thông tin, gồm cả chụp ảnh. Thứ hai, các nhà mạng không đưa ra thị trường sim giá rẻ để tránh việc dùng sim thay thẻ điện thoại. Thứ ba, là nghiên cứu công nghệ nhận dạng và xác thực ảnh thực với ảnh chụp chứng minh nhân dân.

Công nghệ này không chỉ giúp đăng ký sim, mà còn xác thực nhiều loại thẻ và dịch vụ khác và hiện Bộ TT-TT giao Tập đoàn VNPT phát triển công nghệ nhận dạng và xác thực ảnh này, dự kiến quý III-2019 sẽ hoàn thành.

Làm được 3 giải pháp này sẽ giải quyết được vấn nạn sim rác một cách đáng kể trong khi đợi giải pháp căn cơ là xây dựng cơ sở dữ liệu căn cước công dân. Đây cũng là trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trước diễn đàn Quốc hội trong phiên trả lời chất vấn về các giải pháp ngăn chặn tin nhắn rác.

Về vấn đề gói cước giá rẻ, đại diện một số nhà mạng cho biết, sẽ thực hiện điều chỉnh một số gói cước theo hướng tăng giá và giảm chiết khấu để bảo đảm không còn là gói cước giá rẻ. Hiện, có 3 gói cước của nhà mạng Viettel, MobiFone, Vinaphone được cho là rẻ nhất thị trường lần lượt là: V90, C90, VD89 có các mức giá cước 90.000 đồng/tháng và 89.000 đồng/tháng, với các ưu đãi giống nhau (được dùng 60 GB/tháng, gọi thoại miễn phí dưới 20 phút; gọi ngoại mạng 50 phút).

Tuy nhiên, một ý kiến khác lại cho rằng, Cục Viễn thông (thuộc Bộ TT-TT) cũng cần xác định rõ như thế nào là gói cước giá rẻ, vì trước khi cung cấp ra thị trường, theo quy định, các doanh nghiệp đều gửi đăng ký gói cước tới cơ quan quản lý.

Trong đó, doanh nghiệp không thuộc nhóm thống lĩnh thị trường chỉ phải gửi các gói cước để thông báo, trong khi đó, doanh nghiệp thống lĩnh thị phần phải đợi Bộ thẩm định, xem xét gói cước có hay không vi phạm quy định. Nhưng, cho đến thời điểm này, Bộ TT-TT chưa chỉ ra rằng có gói cước nào là gói cước rẻ, vì vậy không thể nói nhà mạng hiện nay cung cấp gói cước giá rẻ?

Điều đó có nghĩa, vẫn cần phải đợi sự xác định rõ của cơ quan quản lý nhà nước về gói cước giá rẻ. Nếu vậy, xem ra việc ngăn chặn sim rác, tin nhắn rác của Bộ TT-TT chưa có hồi kết.

Lúng túng trong xác định "gói cước giá rẻ"

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Cong-nghe/918304/lung-tung-trong-xac-dinh-goi-cuoc-gia-re