Lúng túng trong phân loại rác tại nguồn

Theo Quyết định số 12/2019/QĐ-UBND ban hành ngày 17-5-2019 của UBND thành phố Hồ Chí Minh, kể từ ngày 1-6, người dân trên địa bàn thành phố bắt đầu phân loại rác, sử dụng thiết bị lưu chứa chất thải rắn sinh hoạt. Tuy nhiên, sau gần hai tuần thực hiện, ghi nhận tại các địa phương cho thấy, người dân còn khá thờ ơ, thậm chí nhiều nơi người dân còn chưa biết có quy định này.

17 giờ ngày 10-6, ông Mạnh Dũng (khu phố 5, đường Dương Đình Hội, quận 9) gom tất cả rác thải bỏ vào một thùng rác lớn dùng chung cho nhiều gia đình trong khu phố. Ông Dũng không hề biết, cũng chưa được ai phổ biến về quy định của thành phố phải phân loại rác tại nguồn cho nên ông và nhiều gia đình khác cứ gom chung rồi chờ xe rác chở đi. Tương tự, gia đình bà Hương ở một chung cư cao cấp tại phường 22, quận Bình Thạnh cũng chưa biết đến quy định phải phân loại rác. Hằng ngày, bà và nhiều gia đình khác ở chung cư đều thu gom tất cả rác sinh hoạt bỏ vào thùng rác chung của chung cư, từ đó lực lượng vệ sinh của tòa nhà đem xuống xe thu gom rác. Theo bà Hương, đến bây giờ, bà cũng chưa nghe ban quản trị chung cư thông báo gì về việc phải phân loại rác, cũng không hề biết hành vi của bà có thể bị phạt đến số tiền 20 triệu đồng.

Ghi nhận tại nhiều tuyến đường thuộc địa bàn các quận 1, 2, 3, 4, Bình Thạnh, Phú Nhận..., chúng tôi dễ nhận thấy, công tác phân loại, thu gom rác chưa có sự chuyển biến so với trước đây. Tại một thùng rác trên đường Phạm Ngọc Thạch, nhân viên các cửa hàng gần đó lần lượt ném những bao rác đủ loại gồm thức ăn dư thừa, túi ni-lông, chai lọ, bịch xốp… vào thùng để công nhân vệ sinh đến thu gom.

Thống kê cho thấy, mỗi ngày, TP Hồ Chí Minh có khoảng 8.900 tấn chất thải rắn sinh hoạt được thải ra, trong đó 76% được xử lý bằng biện pháp chôn lấp do chưa thực hiện tốt việc phân loại. Thành phố đang phấn đấu giảm tỷ lệ chôn lấp xuống còn 50% (năm 2020), 20% (năm 2050). Một trong các giải pháp thiết yếu là phân loại rác tại nguồn. Quyết định số 12/2019/QĐ-UBND của UBND thành phố nêu rõ, kể từ ngày 1-6, muốn được thu gom rác trước cửa nhà, người dân phải phân rác thành ba loại (hữu cơ, tái chế, rác thải còn lại). Tiêu chí phân loại được coi là đạt yêu cầu: Thành phần chất thải hữu cơ dễ phân hủy hoặc thành phần chất thải còn lại lẫn dưới 10% khối lượng chất thải khác (thuộc nhóm trong danh mục nhóm chất thải phân loại do Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành).

Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bình Chánh cho biết, địa phương đã thực hiện vận động người dân phân loại rác tại nguồn từ lâu. Tuy nhiên việc thực hiện chưa đồng bộ, ở một số xã chỉ làm mô hình để dần dần hình thành thói quen cho người dân. Với mô hình này, nếu một sớm một chiều rất khó thực hiện hết được. Hiện phía Bình Chánh đang có kế hoạch chuyển đổi phương tiện theo chuẩn, dự kiến đến tháng 10-2019 sẽ chuyển đổi xong. Với những gia đình hiện tại chưa phân loại rác, huyện sẽ tiếp tục vận động để thực hiện. Đại diện UBND quận Bình Thạnh cũng cho biết, việc thực hiện phân loại rác tại nguồn hiện rất khó. Nguyên nhân do chi phí chi trả cho hoạt động thu gom rác thải theo phân loại chưa được tính đúng, tính đủ. Do đó, các công ty công ích chưa thể bố trí công nhân cũng như phương tiện đủ để bảo đảm thực hiện thu gom theo phân loại.

Nhiều quận, huyện cũng phản ánh, việc phân loại rác tại nguồn ngoài gặp khó khăn trong việc thay đổi ý thức người dân thì khâu thu gom rác cũng chưa có cách tháo gỡ. Bởi hiện nay, 60% việc thu gom rác do lực lượng thu gom rác dân lập thực hiện cho nên đã kéo giảm hiệu quả của chương trình. Các địa phương kiến nghị thành phố chuyển đổi lực lượng thu gom rác dân lập thành các công ty, hợp tác xã hoặc liên minh hợp tác xã để hoạt động thu gom rác được tổ chức bài bản, có chế tài, người lao động có hợp đồng, có thu nhập ổn định, được trang bị bảo hộ lao động, có chế độ chính sách về bảo hiểm… Phó Chủ tịch UBND quận 12 Đậu An Phúc cho rằng, thành lập các hợp tác xã, các doanh nghiệp thu gom là mấu chốt để thành phố sạch đẹp hơn. Từ lâu, quận 12 đã khuyến khích xã hội hóa hoạt động thu gom rác. Đơn vị nào cung cấp dịch vụ tốt, thực hiện tốt thì đơn vị đó sẽ được quận cho triển khai hoạt động thu gom.

Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP Hồ Chí Minh Huỳnh Minh Nhựt cũng cho rằng, để việc phân loại rác tại nguồn đạt hiệu quả cao phải đồng nhất, đồng bộ đơn vị quản lý từ khâu thu gom, vận chuyển và xử lý. Với lực lượng thu gom rác dân lập đang chiếm con số chủ đạo như hiện nay thì phải trao cho họ tư cách pháp lý. Về lâu dài, cần thiết phải có sự hợp nhất hoạt động công tác vệ sinh môi trường giống như mô hình tổng công ty điện lực hoặc cấp thoát nước. Từ cơ sở này, áp dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động thu phí, kiểm soát chặt chẽ chất lượng vệ sinh môi trường chung cho toàn địa bàn thành phố. Ngoài ra, khi triển khai thu gom, các địa phương cần đồng bộ hạ tầng tiếp nhận rác phân loại ở các đơn vị chức năng thu gom. Lịch thu gom rác thải vô cơ, hữu cơ cũng phải được xác định rõ và phổ biến đến từng hộ dân. Đơn vị thu gom cũng được quyền từ chối thu gom rác thải nếu người dân, lực lượng rác dân lập không được phân loại và chuyển giao đúng loại rác theo lịch trình quy định.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/40567902-lung-tung-trong-phan-loai-rac-tai-nguon.html