'Lưng tròn' – biến dạng đáng sợ của gù cột sống

Chứng gù cột sống gặp ở mọi lứa tuổi. Gù cột sống không chỉ khiến cơ thể người bệnh mất thẩm mỹ mà còn dẫn đến hiện tượng 'lưng tròn', mọc 'bướu' ở lưng.

Các bác sĩ phẫu thuật vẹo cột sống cho bệnh nhân (Ảnh: BVCC)

Các bác sĩ phẫu thuật vẹo cột sống cho bệnh nhân (Ảnh: BVCC)

Thanh niên dễ bị gù cột sống

PGS.TS. Đinh Ngọc Sơn – Trưởng khoa Phẫu thuật Cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - cho biết: Mặc dù cột sống ngực có độ cong tự nhiên từ 20-45 độ nhưng các bất thường về tư thế hoặc cấu trúc có thể dẫn đến một đường cong nằm ngoài phạm vi bình thường.

Theo PGS.TS. Sơn, nếu đường cong cột sống lớn hơn bình thường (hơn 50 độ) sẽ xảy ra tình trạng quá gù cột sống dẫn đến hiện tượng lưng trên tròn. Gù cột sống có thể ảnh hưởng đến bệnh nhân ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, tình trạng này thường gặp ở tuổi thanh niên - thời kỳ xương phát triển nhanh chóng. Gù cột sống có thể khác nhau về mức độ nghiêm trọng. Tuy nhiên, đường cong càng lớn, tình trạng bệnh càng nặng. Những đường cong nhẹ hơn có thể gây đau lưng nhẹ hoặc không có triệu chứng gì. Những đường cong nghiêm trọng hơn có thể gây ra biến dạng cột sống, lưng bệnh nhân xuất hiện bướu.

PGS.TS. Đinh Ngọc Sơn khám bệnh cho bệnh nhân gù cột sống (Ảnh: BVCC)

TS. Đỗ Mạnh Hùng - Khoa Phẫu thuật Cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - cho hay: 3 yếu tố gây ra chứng gù cột sống ảnh hưởng đến trẻ em và thanh thiếu niên là: gù cột sống do tư thế; gù cột sống của Scheuermann và gù cột sống bẩm sinh.

Gù cột sống tư thế là loại gù cột sống phổ biến nhất ở tuổi vị thành niên. Về mặt lâm sàng, tư thế của người bệnh sai hoặc chùng xuống nhưng không liên quan đến các bất thường cấu trúc nghiêm trọng của cột sống. Đường cong gây ra bởi chứng gù cột sống tư thế thường tròn và bệnh nhân thường có thể điều chỉnh được khi đứng thẳng. Chứng gù cột sống tư thế thường gặp ở trẻ gái hơn trẻ trai, hiếm khi gây đau đớn. Do đường cong không tiến triển nên không dẫn đến các vấn đề trong cuộc sống sau này.

Gù cột sống của Scheuermanncó thể dẫn đến biến dạng nghiêm trọng đáng kể so với chứng gù cột sống tư thế - đặc biệt ở những bệnh nhân gầy. Chứng gù cột sống của Scheuermann xảy ra do bất thường cấu trúc ở cột sống.

Gù cột sống bẩm sinh là bệnh có từ lúc mới sinh. Gù cột sống bẩm sinh xảy ra khi cột sống của em bé không phát triển bình thường trong tử cung. Xương có thể không hình thành như mong muốn hoặc một số đốt sống có thể dính với nhau. Chứng gù cột sống bẩm sinh thường nặng hơn khi trẻ lớn lên.

Thực tế, các dấu hiệu và triệu chứng của chứng gù cột sống rất khác nhau, tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của đường cong gồm: Tròn vai, bướu gù có thể nhìn thấy ở lưng; đau lưng nhẹ; mệt mỏi; cột sống cứng; cơ gân kheo (cơ ở mặt sau của đùi). Qua một thời gian, các đường cong tăng dần có thể dẫn đến tình trạng yếu, tê hoặc ngứa ran ở chân; mất cảm giác; khó thở, thở nông.

Làm thế nào để điều trị gù cột sống?

Theo các bác sĩ, điều trị gù cột sống nhằm ngăn chặn sự tiến triển của đường cong và ngăn ngừa biến dạng cột sống. Bác sĩ sẽ cân nhắc một số điều khi xác định điều trị chứng gù cột sống, bao gồm: tuổi và sức khỏe tổng thể; số năm tăng trưởng còn lại; các loại gù cột sống và mức độ nghiêm trọng của đường cong.

Điều trị không phẫu thuật (tập vật lý trị liệu, dùng thuốc chống viêm không steroid, mặc áo nẹp,…) được khuyến khích dánh cho người bệnh mắc chứng gù cột sống tư thế và những người bệnh mắc chứng gù cột sống của Scheuermann có đường cong dưới 75 độ.

Việc phẫu thuật được khuyến cáo dành cho những bệnh nhân mắc chứng gù cột sống bẩm sinh và người bệnh mắc chứng gù cột sống của Scheuermann có đường cong lớn hơn 75 độ; người bị đau lưng dữ dội mà không cải thiện.

Bác sĩ xem phim chụp X-quang của bệnh nhân (Ảnh: BVCC)

Cùng với đó, việc hàn xương cột sống giúp giảm mức độ của đường cong; duy trì sự cải tiến theo thời gian; giảm đau lưng. Hàn xương cột sống thực chất là một quá trình "dính cột sống". Việc hợp nhất các đốt sống sẽ làm giảm độ cong và vì nó loại bỏ chuyển động giữa các đốt sống bị ảnh hưởng nên cũng có thể giúp giảm đau lưng.

Trong quá trình này, các đốt sống tạo nên đoạn gù sẽ được tái cấu trúc lại để giảm sự tròn của cột sống. Các mảnh xương nhỏ - được gọi là mảnh xương ghép sẽ được đặt vào khoảng trống giữa các đốt sống để làm liền các đốt sống. Theo thời gian, xương phát triển cùng nhau - tương tự như cách chữa lành xương gãy.

Trước khi đặt mảnh ghép xương, bác sĩ thường sử dụng nẹp vít, đĩa và thanh kim loại để tăng tốc độ liền xương và làm vững cột sống.

Minh Thúy

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/lung-tron-bien-dang-dang-so-cua-gu-cot-song-490700.html