Lún sâu vào khủng hoảng

Mối quan hệ vốn nhiều trục trặc suốt một năm qua giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ vừa gia tăng thêm những nấc thang căng thẳng mới, mở rộng từ lĩnh vực ngoại giao sang kinh tế, tài chính.

Đồng nội tệ Thổ Nhĩ Kỳ mất giá mạnh do những biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Trong một động thái mới nhất, ngày 15-8, Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng thuế mạnh một số mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ. Cụ thể, sắc lệnh do Tổng thống Recep Tayyip Erdogan ký ban hành nâng mức thuế với ô tô khách nhập khẩu từ Mỹ thêm 120%, sản phẩm đồ uống có cồn thêm 140% và thuốc lá thêm 60%. Ngoài ra, Ankara cũng tăng thuế một số mặt hàng khác, gồm mỹ phẩm, gạo và than đá.

Trong một tuyên bố đăng tải trên trang Twitter, Phó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Fuat Oktay cho biết, quyết định này dựa trên nguyên tắc đáp trả "các hành động tấn công có chủ đích của chính quyền Mỹ vào nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ". Trước đó một ngày, Tổng thống R.Erdogan thông báo, Ankara sẽ tẩy chay các sản phẩm điện tử của Washington.

Những biện pháp mạnh tay này của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm trả đũa quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng gấp đôi thuế đánh vào các sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ. Mức thuế 50% đối với thép và 20% đối với nhôm là quyết định mà Ankara cho rằng đi ngược lại các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). “Đòn đánh” của Mỹ đã làm thị trường tài chính của quốc gia Hồi giáo chao đảo và khiến đồng lira mất giá mạnh.

Nhiều người cho rằng, những gì vừa diễn ra như “giọt nước tràn ly”, đẩy Thổ Nhĩ Kỳ vào nguy cơ một cuộc khủng hoảng tài chính. Từ đầu năm đến nay, đồng lira đã mất giá hơn 40% và rớt xuống mức thấp kỷ lục sau khi Tổng thống D.Trump tuyên bố sẽ trừng phạt Ankara vì mâu thuẫn trong nhiều vấn đề giữa hai nước, trong đó có vụ bắt giữ mục sư người Mỹ Andrew Brunson. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc người này có quan hệ với một nhóm mà Ankara cho là khủng bố.

Trong khi đó, Washington khẳng định không thấy bằng chứng về việc mục sư A.Brunson đã làm bất cứ điều gì sai trái. Washington cho rằng, ông A.Brunson là nạn nhân của những toan tính chính trị, đồng thời cảnh báo sẽ tiếp tục gia tăng các lệnh trừng phạt nếu Ankara không trao trả tự do cho mục sư này trong vòng 1 tuần.

Trên thực tế, không phải tới thời điểm hiện tại quan hệ giữa hai nước vốn từng là đồng minh thân thiết mới rơi vào khủng hoảng. Thời gian qua, hai nước liên tục bất đồng quan điểm về hoạt động quân sự tại Syria, trong đó có việc Mỹ hỗ trợ Lực lượng dân quân người Kurd (YPG) - lực lượng mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Đặc biệt, kể từ sau vụ đảo chính quân sự bất thành hồi năm 2016 ở Thổ Nhĩ Kỳ, quan hệ giữa hai bên liên tiếp xảy ra những “cơn sóng gió”.

Trước hết là việc Ankara yêu cầu Mỹ dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gulen, nhân vật mà chính quyền của Tổng thống R.Erdogan cáo buộc đứng sau vụ đảo chính hiện sống lưu vong ở Mỹ, nhưng không được Washington đáp ứng. Sau đó, việc Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác với Nga trong xây dựng tuyến đường ống dẫn dầu và ký hợp đồng mua hệ thống phòng không S-400 hiện đại của Nga cũng làm Mỹ không hài lòng. Washington cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), không thể trang bị vũ khí của đối thủ. Đó sẽ là mối đe dọa cho tổ chức này mà trực tiếp là Mỹ.

Động thái “ăn miếng trả miếng” giữa hai bên đồng nghĩa với việc khả năng thu hẹp bất đồng ngày càng trở nên mong manh. Thay vì kêu gọi đối thoại, Thổ Nhĩ Kỳ tỏ ra không nhượng bộ. Tổng thống R.Erdogan khẳng định, các hành động đơn phương của Mỹ chống lại nước này sẽ chỉ góp phần làm suy yếu lợi ích và an ninh của “chú Sam”. Ankara sẵn sàng tìm những đồng minh chiến lược mới thay thế.

Vì vậy, tình trạng đối đầu cả về ngoại giao và kinh tế giữa hai nước đang đặt triển vọng hợp tác trong NATO đứng trước những thách thức đáng lo ngại.

Quỳnh Dương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/The-gioi/910205/lun-sau-vao-khung-hoang