Lùm xùm việc doanh nghiệp ở Yên Bái khiếu nại bị ngân hàng 'bức tử'

Doanh nghiệp tư nhân Suối Mơ (Yên Bái) đã có đơn gửi cơ quan chức năng từ trung ương tới địa phương phản ánh một số điểm lạ trong công tác vay vốn ngân hàng, dẫn tới tình trạng kiện cáo kéo dài.

Dự án vay vốn ban đầu 65 tỷ đồng chia nhỏ còn “20+5” tỷ đồng

Năm 2008, doanh nghiệp Tư nhân Suối Mơ (tỉnh Yên Bái) do bà Đỗ Thị Bình làm chủ đã đầu tư xây dựng quần thể khách sạn với tiêu chuẩn 4 sao, tổng vốn đầu tư là 98,4 tỷ đồng.

Năm 2009, bà Đỗ Thị Bình lựa chọn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Agribank chi nhánh thành phố Yên Bái để vay vốn đầu tư dự án. Trong đó, nguồn vốn mà bà Bình bỏ ra là 33,4 tỷ đồng, vốn vay ngân hàng là 65 tỷ đồng với thời hạn 10 năm, thời hạn ân hạn là 2 năm, thời gian trả nợ là 8 năm.

Không đủ vốn xây dựng, khách sạn 9 tầng Suối Mơ bị bỏ hoang. (Ảnh: Tiểu Lâm)

Không đủ vốn xây dựng, khách sạn 9 tầng Suối Mơ bị bỏ hoang. (Ảnh: Tiểu Lâm)

Tuy nhiên, do số tiền vay (65 tỷ) quá lớn và vượt quá thẩm quyền của chi nhánh thành phố Yến Bái, Agribank đã thực hiện việc chia cắt ra thành nhiều hợp đồng nhỏ để phù hợp với quyền phê duyệt khoản vay.

Việc này không phù hợp với một dự án lớn trong khi bà Bình triển khai xây dựng nhiều hạng mục với nhiều hợp đồng xây dựng khác nhau.

Bài liên quan

Chánh văn phòng Hội đồng bầu cử: Nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo trước ngày bầu cử

Trong lần vay vốn đầu tiên, Agribank ký Hợp đồng số 187 cho bà Bình vay 20 tỷ đồng để xây khách sạn và thế chấp bằng tài sản hình thành trong tương lai là khách sạn 9 tầng.

Đến tháng 3/2010, khi giải ngân gần hết khoản vay 20 tỷ, bà Bình đề nghị ngân hàng cho vay tiếp để hoàn thành dự án.

Lúc này, ngân hàng yêu cầu bà Bình ra công chứng, ký tiếp hợp đồng thế chấp tài sản số 27 ngày 10/3/2010 tòa nhà công trình spa trị giá 14,85 tỷ đồng.

Ngày 31/5/2010, ngân hàng lại yêu cầu bà Bình ký tiếp 5 văn bản thỏa thuận tài sản. Giám đốc của ngân hàng này nói ký để tăng tài sản đảm bảo cho các khoản vay tiếp theo. Đồng thời, ngân hàng cho bà Bình ký Hợp đồng tín dụng số 37 ngày 31/5/2010 khoản vay 5 tỷ ngắn hạn tạm rồi sau sẽ đáo nợ.

Tổng đến ngày 31/5/2010, ngân hàng cho bà Bình vay được 25 tỷ đồng, trong đó 20 tỷ thời hạn vay 60 tháng và 5 tỷ thời hạn vay 1 năm.

Không trả lại tài sản khi khách hàng đã hoàn thành thanh toán nợ

Trong đơn thư gửi báo điện tử VTC News, bà Bình cho biết, Agribank chi nhánh TP.Yên Bái chiếm giữ tài sản trái pháp luật theo 5 hợp đồng thế chấp không liên quan đến khu khách sạn Suối Mơ.

“Nhiều lần tôi đề nghị rút những tài sản theo 5 hợp đồng thế chấp trên ra nhưng ngân hàng đều trì hoãn và đề nghị tôi để lại, để Nnân hàng cho vay tiếp bằng các hợp đồng tín dụng khác cho các hạng mục khác của quần thể khách sạn Suối Mơ”, bà Bình nói.

Bà Bình (áo đen) không đồng ý với việc thu hồi tài sản thế chấp của ngân hàng. (Ảnh: Tiểu Lâm)

Năm 2010, ngân hàng yêu cầu bà Bình ký thêm 5 văn bản thỏa thuận bổ sung thế chấp tài sản nói trên là Phụ lục của 5 Hợp đồng thế chấp mà bà Bình đã trả hết nợ.

“Ngân hàng giải thích cho tôi là để doanh nghiệp tăng thêm tài sản đảm bảo và để ngân hàng cho doanh nghiệp vay đủ 65 tỷ đồng - như dự án đầu tư và bản thuyết minh dự án doanh nghiệp đã trình ngân hàng”, bà Bình giải thích.

Khi bà Bình đã ký 5 văn bản thỏa thuận bổ sung này theo yêu cầu của ngân hàng và chờ đợi suốt 10 tháng, sau đó ngân hàng nói chậm trễ là do giám đốc cũ về hưu đợi giám đốc mới lên thay quyết định.

Bài liên quan

Dân gửi đơn thư khiếu nại, bí thư tỉnh 'trảm' bí thư xã

“Cuối cùng, sau khi tôi nhiều lần đến làm việc, ngân hàng đã phải thừa nhận về việc không có khả năng cho vay như đã hứa hẹn với doanh nghiệp Suối Mơ”, bà Bình bức xúc.

Mặc dù không thể giải ngân theo hợp đồng đã ký kết nhưng khối tài sản dựa theo 5 bản hợp đồng trên không được ngân hàng trả lại.

“Tòa án các cấp sơ thẩm và phúc thẩm cũng cho rằng do tôi không khởi kiện sớm nên không xem xét đến tình tiết này. Chính vì vậy, gần như tôi mất trắng tài sản dựa theo 5 bản hợp đồng đó”, bà Bình bức xúc.

Bà Bình thừa nhận, trong quá trình ký kết hợp đồng, bản thân bà có sai sót khi thiếu hiểu biết về pháp luật. “Tôi tin tưởng ngân hàng Agribank là ngân hàng lớn, nên để cho họ tự định đoạt số phận của mình. Ai ngờ ra tình cảnh này”, bà Bình nói.

“Ban lãnh đạo ngân hàng nhiều lần hứa trả lại tôi bớt tài sản để tôi đi vay ngân hàng khác xây xựng nốt dự án đang dở dang, nhưng cuối cùng toàn bộ tài sản của doanh nghiệp và gia đình tôi ngân hàng vẫn nắm giữ hết, vốn xây dựng dự án ngân hàng mới cho vay được 25 tỷ còn thiếu 40 tỷ”.

Mong muốn được xin lãi, trả gốc nhưng bất thành

Ngân hàng Agribank đã chính thức khởi kiện doanh nghiệp tư nhân Suối Mơ về khoản nợ xấu 25 tỷ đồng, kèm theo đó là khoản lãi phát sinh là 38 tỷ đồng.

Sau 2 phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, cơ quan chức năng đã yêu cầu bà Bình trả cả gốc, lẫn lãi hoặc thu hồi toàn bộ số tài sản ngân hàng đang nắm giữ.

Đứng trước nguy cơ bị phá sản, bà Bình đã có đơn gửi tới lãnh đạo ngân hàng Agribank xin lãi, trả gốc và trả dần trong 5 năm. Tuy nhiên, phương án trả nợ của bà Bình không được phía ngân hàng chấp thuận.

Ngay sau đó, bà Bình tiếp tục có đơn xin trả nợ 1 lần tổng 25 tỷ đồng, trong đó số tiền gốc là 24,74 tỷ đồng, số tiền lãi là 252 triệu đồng, nhưng phía ngân hàng cũng từ chối với phương án đó.

“Tôi đã nhiều lần gửi đơn và đề nghị ngân hàng cơ cấu lại nguồn vốn để doanh nghiệp hoàn thành dự án nhưng đều không được chấp thuận. Như vậy, ngân hàng đã cố tình đẩy doanh nghiệp tới bờ vực thẳm, điêu đứng, nợ xấu, công trình xây dựng dở dang, chưa có nguồn thu để trả nợ gốc và lãi cho ngân hàng”, bà Đỗ Thị Bình nói.

Cựu cán bộ Agribank phản bác

Sáng 13/9, cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái đã tiến hành buổi cưỡng chế thi hành án đối với khối tài sản thế chấp của bà Đỗ Thị Bình.

Trong buổi cưỡng chế thi hành án, đại diện của Ngân hàng Agribank đã giải thích cho bà Bình về việc từ chối đơn xin lãi, trả gốc và khoản vay 65 tỷ đồng bỗng dưng chỉ còn 25 tỷ đồng.

Giấy xác nhận vay vốn dự án ban đầu là 65 tỷ đồng có chữ ký xác nhận của cán bộ tín dụng ngân hàng Argibank là bà Biện Thị Nghĩa.

Theo đại diện của Ngân hàng Agribank, số tiền lãi phát sinh sau 11 năm của bà Bình quá lớn, lên tới 28 tỷ đồng nên việc “xin lãi, trả gốc” rất khó có thể đưa ra đàm phán. Như vậy, bà Bình phải trả 25 tỷ đồng tiền gốc cộng với 28 tỷ đồng tiền lãi, 6 tỷ đồng tiền lãi quá hạn. Tổng cộng là 58 tỷ đồng.

Đối với khoản vay đầu tiên là 65 tỷ đồng nhưng chỉ giải ngân 20 tỷ đồng đợt 1 và 5 tỷ đồng đợt 2, đại diện Agribank cho biết, căn cứ vào giấy tờ thỏa thuận và ký kết giữa hai bên liên quan, thì đã hoàn thành giải ngân tổng số tiền là 25 tỷ đồng.

Vị này phủ nhận chuyện hứa hẹn khoản đề xuất vay vốn đợt đầu là 65 tỷ đồng như bà Bình đã đề cập trong đơn thư.

Ngay sau câu trả lời của đại diện Ngân hàng Agribank, bà Bình bức xúc: “Bản thân ngân hàng phải biết, tôi đầu tư tổng dự án tại đây là dự án lớn với rất nhiều hạng mục, công trình xung quanh. Liệu số tiền 25 tỷ đồng mà ngân hàng giải ngân có giúp chúng tôi hoàn thiện dự án được không. Tôi không dại mà tự dưng đi lấy 25 tỷ đồng để xây dựng dự án như thế. Sau đó, dự án dang dở suốt 10 năm nay”.

Bà Bình cung cấp cho PV báo điện tử VTC News, giấy xác nhận vay vốn dự án ban đầu là 65 tỷ đồng có chữ ký xác nhận của cán bộ tín dụng ngân hàng Argibank là bà Biện Thị Nghĩa.

“Tôi khẳng định phía ngân hàng biết khoản vốn vay ban đầu của tôi là 65 tỷ đồng, nhưng giờ họ lại bảo không biết là vô lý”, bà Bình nói.

Để làm rõ thông tin, PV báo điện tử VTC News đã có cuộc trao đổi nhanh với bà Biện Thị Nghĩa, nguyên là cán bộ tín dụng của Ngân hàng Argibank, người trực tiếp đứng ra giải quyết hợp đồng vay vốn của bà Đỗ Thị Bình.

Bà Nghĩa khẳng định, việc bà Bình có trình đơn xin vay vốn dự án ban đầu là 65 tỷ đồng, bản thân bà Nghĩa cũng đã trình giám đốc đương nhiệm xem xét và giải quyết.

“Khoản vay của bà Bình là quá lớn so với thời điểm đó, vượt quá khả năng và thẩm quyền của chi nhánh ngân hàng cấp 2 (Agribank chi nhánh TP.Yên Bái).

Chính vì thế, giám đốc là bà Lợi đã gợi ý cho Bình chia nhỏ tài sản thế chấp để thực hiện từng bước vay vốn, xây đến đâu vay vốn đến đó. Còn việc thế chấp toàn bộ tài sản để vay 65 tỷ đồng thì phải xin phép các cấp trên nữa mới có đủ thẩm quyền để duyệt dự án”.

Bà Biện Thị Nghĩa nhận định: “Tôi nghỉ hưu sớm từ năm 2012 do bị tai biến, nếu tôi còn làm việc tại đó thì Bình không phải khổ sở như thế này”.

Báo điện tử VTC News sẽ tiếp tục thông tin.

Bài liên quan

Đoạn trường nam thanh niên 17 tuổi bị lừa vào đường dây 'đa cấp ma'

Yêu cầu Eximbank báo cáo về đơn thư khiếu nại

Chánh văn phòng Hội đồng bầu cử: Nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo trước ngày bầu cử

Dân gửi đơn thư khiếu nại, bí thư tỉnh 'trảm' bí thư xã

Nguồn VTC: https://vtc.vn/lum-xum-viec-doanh-nghiep-o-yen-bai-khieu-nai-bi-ngan-hang-buc-tu-d426581.html