'Lùm xùm' tiêu cực tại Trường THPT Nguyễn Công Trứ: Sở GD&ĐT TP HCM chỉ đạo nóng

Sở GD&ĐT TP HCM đã có chỉ đạo về việc Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Công Trứ bị 'tố' có nhiều dấu hiệu sai phạm trong công tác quản lý. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là công tác chỉ đạo, chưa phải là Kết luận liên quan những nội dung tố cáo.

Chỉ đạo chấn chỉnh, chưa phải kết luận

Liên quan đến việc một số giáo viên công tác tại Trường THPT Nguyễn Công Trứ (97 Quang Trung, Phường 8, quận Gò Vấp, TP HCM) “tố” Hiệu trưởng trường này - bà Phạm Thị Thu Hồng có nhiều dấu hiệu sai phạm trong công tác quản lý, tháng 9 vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo (Sở GD&ĐT) đã có chỉ đạo về sự việc này.

Cụ thể, về công tác quản lý tài chính – tài sản, Sở GD&ĐT yêu cầu Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Công Trứ công khai ngân sách, đồng thời ghi nhận và giải thích các ý kiến thắc mắc của cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường về hoạt động tài chính tại trường. Bên cạnh đó, cụ thể hóa các khoản thu chi hiện hữu trong trường, rà soát và kiểm tra lại chế độ cho người lao động nhằm đảm bảo chế độ đầy đủ cho người lao động theo đúng quy định của pháp luật.

Về hoạt động chuyên môn, Sở GD&ĐT yêu cầu nhà trường tổ chức hoạt động dạy học theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT. Thông báo đến toàn thể cán bộ, công nhân viên nhà trường về kết quả làm việc, hướng dẫn của Sở GD&ĐT với lãnh đạo nhà trường về nội dung phản ánh, tố cáo Phó Hiệu trưởng chỉ đạo sửa điểm trong kiểm tra học kì của năm 2018-2019, về việc kiểm điểm trách nhiệm của Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng liên quan đến nội dung trên. Tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cụ thể, phân công công tác phù hợp, hài hòa và công khai rõ ràng việc tổ chức thu – chi.

Về công tác cán bộ, Sở GD&ĐT sẽ xem xét, sắp xếp nhân sự của nhà trường trong giai đoạn tới. Trong thời gian xem xét, Sở yêu cầu các thành viên của nhà trường thực hiện đúng chức năng nhằm đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2019-2020.

Về phong trào, đoàn thể, khuyến khích phát triển các phong trào trong nhà trường, tạo điều kiện để học sinh có thể liên hệ khi có nhu cầu, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong các phong trào.

Sở GD&ĐT cũng yêu cầu lãnh đạo trường công khai kết quả xét thi đua năm học 2018 – 2019 đến toàn thể thành viên nhà trường sau khi có kết quả làm việc. Đồng thời, yêu cầu lãnh đạo nhà trường tuyên truyền, phổ biến cán bộ, công nhân viên chức nhà trường về thực hiện chuẩn mực, tác phong, đạo đức nhà giáo; phổ biến Luật an ninh mạng, các thành viên trong trường không thông tin những điều chưa đúng ảnh hưởng đến tập thể nhà trường.

Trường THPT Nguyễn Công Trứ (97 Quang Trung, Phường 8, quận Gò Vấp, TP HCM), nơi xảy ra hàng loạt lùm xùm vừa qua.

Trường THPT Nguyễn Công Trứ (97 Quang Trung, Phường 8, quận Gò Vấp, TP HCM), nơi xảy ra hàng loạt lùm xùm vừa qua.

Đặc biệt, văn bản cũng nêu rõ, Hiệu trưởng là người đứng đầu, chịu trách nhiệm chính về hoạt động tại đơn vị, cần phải giải quyết mọi vấn đề trong công tác quản lý, điều hành chung của nhà trường. "Tổng kết lại việc xảy ra đơn thư gửi nhiều nơi, mâu thuẫn giữa các thành viên trong nhà trường là kết quả của việc mất đoàn kết nội bộ kéo dài từ đầu năm học 2018-2019 đến nay, trách nhiệm đầu tiên thuộc về bà Phạm Thị Thu Hồng - Hiệu trưởng, thủ trưởng đơn vị...", văn bản của Sở GD&ĐT nêu rõ.

Có thể thấy, văn bản trên của Sở GD&ĐT TP HCM là văn bản chỉ đạo chấn chỉnh hoạt động của trường, chưa phải là Kết luận về những nội dung tố cáo. Cũng như thế, vừa qua khi trao đổi với phóng viên qua điện thoại, lãnh đạo Sở GD&ĐT TP HCM cho biết, hiện Sở đã nhận được đơn thư phản ánh sự việc trên của giáo viên trường và đã lập Đoàn Thanh tra tiến hành xác minh làm rõ vụ việc. Ngay sau khi có kết quả kiểm tra, Sở sẽ có thông tin phản hồi.

Nhiều nội dung tố cáo cần làm rõ

Như Pháp Luật Plus đã thông tin trước đó, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Công Trứ - bà Phạm Thị Thu Hồng đã bị giáo viên của trường “tố” có nhiều dấu hiệu sai phạm trong công tác quản lý như thiếu minh bạch trong thu chi, hủy hợp đồng lao động dẫn tới kiện cáo, quản lý yếu kém gây mất đoàn kết nội bộ nghiêm trọng…

Ngoài ra, còn hàng loạt dấu hiệu sai phạm khác cũng được các giáo viên tố cáo như thiếu minh bạch trong cả vấn đề thi đua, khen thưởng; quản lý yếu kém dẫn đến vấn đề nội bộ giáo viên trong trường phân chia phe cánh, nghi kị lẫn nhau, gây mất đoàn kết, khiến môi trường làm việc trở nên căng thẳng, không lành mạnh...

Cụ thể, theo đơn trình bày, cách thức bầu chọn Chiến sĩ thi đua (CSTĐ) cấp cơ sở năm nay đã được thay đổi từ biểu quyết giơ tay công khai sang bỏ phiếu kín.

Các giáo viên cho rằng có sự thiếu khách quan và không công bằng, đó là, thành phần Ban Kiểm phiếu lại bao gồm cả những người có trong danh sách được bầu chọn (có tổng cộng 3 người). Địa điểm kiểm phiếu thì diễn ra ở một phòng khác, chứ không phải được công khai trước toàn thể Hội đồng thi đua.

Từ đó dẫn tới kết quả công bố gây ra nhiều tranh cãi, thiếu thuyết phục. Theo đó, những người có số điểm thi đua thấp nhưng vẫn đạt danh hiệu CSTĐ còn những cá nhân đã đạt danh hiệu Lao động tiên tiến, có điểm thi đua rất cao, thuộc nhóm dẫn đầu, đạt nhiều thành tích xuất sắc, nổi bật trong các mảng hoạt động (chuyên môn, chủ nhiệm, phong trào, công đoàn…) thì lại có số phiếu bầu rất thấp nên không đạt CSTĐ.

Những người có số điểm thi đua thấp nhưng vẫn đạt danh hiệu CSTĐ còn những cá nhân đã đạt danh hiệu Lao động tiên tiến thì lại có số phiếu bầu rất thấp nên không đạt CSTĐ.

Các thầy, cô khẳng định sự thiếu minh bạch, có dấu hiệu gian lận trong cuộc bình bầu này đã được chính các giáo viên ở đây kiểm tra. Qua đó, phải có ít nhất vài giáo viên đã tự tay gạch tên Hiệu trưởng nhưng kết quả công bố bà Hồng vẫn đạt 100% số phiếu. Tương tự, cô T ít nhất cũng phải có được 2 lượt bình bầu nhưng kết quả đưa ra lại là 0 có phiếu tín nhiệm nào. (?!)

Do đó, chính vì sự "bất minh" trong cuộc bầu chọn càng khiến tập thể giáo viên thêm ngờ vực về dấu hiệu “phe cánh, nâng đỡ, ưu ái” và “lợi ích nhóm” đang xảy ra tại trường.

Các giáo viên dẫn chứng thêm, như trường hợp của Tổ Sinh học có đến 4 giáo viên được danh hiệu CSTĐ nhưng điểm trung bình bộ môn này của học sinh khối 12 trong kì thi THPT Quốc gia 2019 lại có số điểm thấp nhất so với 8 môn còn lại. Cá biệt có 1 học sinh bị 1 điểm môn Sinh rơi vào diện trượt tốt nghiệp (là học sinh của 1 trong 4 người được danh hiệu CSTĐ).

Từ đó, nhiều giáo viên cho rằng, những hành vi trên có dấu hiệu vi phạm vào Điều 13 Luật thi đua, khen thưởng và Điều 9 Nghị định 91/2017/NĐ-CP của Chính phủ.

Cũng theo đơn trình bày, thời gian qua có rất nhiều tài khoản Facebook ảo được lập ra và tham gia vào các trang fanpage để viết bài, bình luận tiêu cực, nhằm bôi nhọ hình ảnh, định hướng dư luận xấu về cá nhân thầy, cô và nhà trường.

Không chỉ vậy, các thầy, cô còn cho biết, vào ngày 8/8 và 9/8/2019, tại phòng Hội đồng sư phạm của trường, xuất hiện rất nhiều mạng wifi có tên mang ý nghĩa miệt thị, dung tục, xúc phạm một Phó Hiệu trưởng trường này.

Ngoài ra, các giáo viên cho biết, ngày 10/10 vừa qua, trước khi vào tiết 1 buổi học sáng, học sinh phát hiện có hàng trăm tờ giấy A4 được đặt vào hộc bàn của học sinh và giáo viên, trong đó có in nội dung tuyên truyền, bôi nhọ, chà đạp nhân phẩm một giáo viên có hơn 20 năm công tác tại nhà trường. Vụ việc khiến các giáo viên, học sinh vô cùng hoang mang, bức xúc và đặt vấn đề, ai giữ chìa khóa các phòng học của trường mà lại để xảy ra vụ việc trên?

Theo các giáo viên, rất nhiều vụ việc đã được mọi người nhiều lần tố cáo đến Quận ủy quận Gò Vấp và Sở GD&ĐT TP HCM. Tuy nhiên, đến nay mọi người vẫn chưa nhận được Kết luận chính thức nào.

Trước những vụ việc xảy ra nêu trên đã khiến nhiều giáo viên của trường bất mãn, học sinh hoang mang, phụ huynh và dư luận bức xúc. Do đó, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền sớm vào cuộc thanh tra, xác minh lại toàn bộ vụ việc và có kết luận những sai phạm cụ thể, rõ ràng nhằm trả lại môi trường giáo dục trong sạch, tạo điều kiện cho trường hoạt động ổn định, phát triển.

Theo Pháp Luật Plus

Pháp luật Net

Nguồn Pháp Luật Net: https://phapluatnet.vn/y-te-giao-duc/lum-xum-tieu-cuc-tai-truong-thpt-nguyen-cong-tru:-so-gddt-tp-hcm-chi-dao-nong-48281.html