Lùm xùm phụ huynh 'tố' Trường Lương Thế Vinh: Đừng biến giáo dục thành cuộc chiến

Đã làm giáo dục, dù bằng hình thức nào cũng nên 'lấy yêu thương, cảm hóa làm đầu'. Phụ huynh và nhà trường nên chia sẻ với nhau, để không biến giáo dục trở thành cuộc chiến, làm tổn thương con trẻ.

Phụ huynh chia sẻ môi trường học tập ở Trường THPT Lương Thế Vinh vô cùng khắc nghiệt. Ảnh: Facebook Giáng Hương.

Không nên vùi dập những điểm yếu của học sinh!

Mỗi năm, khi bắt đầu năm học mới, đúng ngày khai giảng, thầy Văn Như Cương (Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh) sẽ gửi tới học sinh một lá thư, đưa ra lời khuyên cho học sinh, phụ huynh. Trong đó đều nêu bật phương pháp giáo dục của ngôi trường danh tiếng.

Năm 2013, gửi "tâm thư" cho phụ huynh trong việc phối hợp với nhà trường dạy con, thầy Cương khuyên: “Mỗi đứa trẻ đều có điểm mạnh và điểm yếu. Nghệ thuật làm cha, làm mẹ là biết cách khuyến khích, khen ngợi, nhưng không đề cao "quá đáng" những điểm mạnh của con mình, mặt khác cần khắc phục mà không "vùi dập" những điểm yếu của nó. Một đứa trẻ kiêu căng, tự phụ hoặc một đứa trẻ tự ti, sợ hãi không phải là mục tiêu giáo dục của chúng ta”.

Nêu quan điểm về việc dạy thêm, thầy Cương nói Trường Lương Thế Vinh chống lại việc học thêm một cách vô tội vạ. Việc học thêm chỉ mang đến những bất lợi cho học sinh: Tốn tiền, tốn thời gian, ảnh hưởng đến sức khỏe, không có thì giờ để tự học, tự nghiên cứu, tìm tòi…

Nếu soi chiếu những điều này với bức tâm thư đẫm nước mắt của facebook Giáng Hương đang gây xôn xao dư luận, có thể thấy niềm tin của vị phụ huynh này với môi trường giáo dục của Lương Thế Vinh đã ít nhiều lung lay. Nếu không muốn nói là thất vọng, sụp đổ.

Hình phạt, nếu dùng không khéo sẽ phản tác dụng!

Khi câu chuyện lùm xùm xảy ra, không ít người chê trách phụ huynh đã “bênh con quá mức”, chưa nhìn hết sự tích cực của những hình phạt mà trường đã dành cho học sinh mắc lỗi như: Viết bản kiểm điểm, phạt dọn vệ sinh, cắt cỏ, hay dọa đuổi học…

Có người hỏi ngược lại, nhà trường đã nhân văn chưa khi công khai tên của học sinh có phụ huynh tố nhà trường trước lớp? Nếu mỗi lần có ý kiến, bày tỏ nguyện vọng, con họ bị coi là “tội đồ”, bị bêu tên trước lớp, sẽ còn ai dám lên tiếng nữa?

Theo TS Vũ Thu Hương (giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), để xảy ra lùm xùm này có lỗi từ nhiều phía. Giáo viên chủ nhiệm đã chưa thực sự chia sẻ với học sinh, nhà trường chưa khéo léo trong cách giải quyết, phụ huynh vì quá bênh con... nên đã biến việc giáo dục trở thành cuộc chiến giữa phụ huynh và nhà trường, mà đáng lẽ cần sự đồng thuận, chia sẻ.

Trong cuộc chiến này, người chịu thiệt thòi, tổn thương nhất chính là học sinh.

TS Hương nhấn mạnh: “Khi chúng ta chỉ sử dụng hình phạt mà không có lời chia sẻ tâm sự, học sinh sẽ luôn có cảm giác mình là kẻ phạm tội. Cảm giác tiêu cực này sẽ không có giá trị giáo dục, mà đôi khi khiến các em cùn ra. Với bất kể ai, cách đối xử tôn trọng và đề cao cũng có tác dụng tốt hơn là hình phạt quá nghiêm khắc".

Đặng Chung

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/lum-xum-phu-huynh-to-truong-luong-the-vinh-dung-bien-giao-duc-thanh-cuoc-chien-567113.ldo